Xã hội

Không rời tay súng bảo vệ Tổ quốc

Thực hiện: Thành Chung - Kỹ thuật: Diệp Thanh 29/04/2025 11:36

Trong kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Nghệ An đã có gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường.

ema web (1)

Thực hiện: Thành Chung - Kỹ thuật: Diệp Thanh
Ngày xuất bản: 26/4/2025

Trong kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Nghệ An đã có gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng thương binh Vũ Đức Chất (82 tuổi, ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai) - người lính từng tham gia 4 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

8.png
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An dâng hương trước tượng đài Bác Hồ (trước UBND Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thành Cường

P.V: Thưa ông! Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp lớp thanh niên Nghệ An đã hăng hái xung phong lên đường ra trận. Ông có thể chia sẻ tinh thần yêu nước ở quê hương Nghệ An nói chung, xã Quỳnh Lập nói riêng trong những năm tháng đó?

Ông Vũ Đức Chất: Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nghệ An là căn cứ địa vững chắc của Quân khu 4 - một trong những căn cứ địa quan trọng của cả nước. Nghệ An vừa là địa đầu giới tuyến, làm hậu phương lớn, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến bằng tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; vừa là tiền tuyến quật cường của những “tọa độ lửa” chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc.

Những năm kháng chiến ở xã Quỳnh Lập quê tôi, khí thế chống Mỹ cứu nước hừng hực dâng trào. Thanh niên khi đến tuổi đều xung phong đi bộ đội. Những người ở lại thì vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa sản xuất. Tất cả người dân xã nhà đều tham gia dân quân, trực phòng không, đào hầm xây dựng trận địa, vận chuyển đạn cho khẩu đội pháo phòng không bắn máy bay, vận chuyển hàng hóa chi viện cho các chiến trường, đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông.

7.png
Cựu chiến binh Vũ Đức Chất với những kỷ vật thời chiến. Ảnh: Thành Cường

Các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng như "Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong", "Cờ Ba Nhất”; "Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, "Tay búa tay súng"; "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang”, "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "xe chưa qua nhà không tiếc"... diễn ra hết sức sôi nổi. Tất cả đều quyết tâm với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Về phần cá nhân tôi cũng rất tích cực tham gia vào các phong trào ấy. Gia đình tôi có 4 anh, chị em. Anh đầu và bố tôi mất trong trận đói năm 1945. Mẹ đi bước nữa. Lên 3 tuổi tôi được ông chú nhận nuôi. Đảng, chính quyền cách mạng đã nuôi chị em tôi lớn lên và cho học hành đầy đủ. Học xong cấp 2, tôi học tiếp kế toán và về công tác tại hợp tác xã ở địa phương. Từ năm 18 tuổi trở đi, tôi đã rất nhiều lần viết tâm thư xung phong đi bộ đội mong báo đền đất nước nhưng hợp tác xã không cho đi. Lý do là vì tôi thấp bé, là con trai một, là tộc trưởng dòng họ...

Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì viết thư, đề đạt nguyện vọng nhập ngũ. Đến năm 1965, ở tuổi 22, tôi đã được toại nguyện. Ngày 19/8/1965, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 43 – Nghệ An Đỏ, Quân khu 4. Đối với tôi, đó là niềm hạnh phúc lớn lao vì đã được trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

4.png
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thăm địa đạo Củ Chi. Ảnh: Thành Cường

P.V: Được biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cũng có mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến về Sài Gòn. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình trong thời khắc lịch sử ấy?

Ông Vũ Đức Chất: Năm 1966, từ Tiểu đoàn 43 tôi được điều ra Trung đoàn 38, Quân khu 3; năm 1967 tôi được điều đi B vào miền Nam chiến đấu tiêu diệt căn cứ Plei Kần, Pleiku, Mặt trận Gia Lai - Kon Tum. Đến năm 1969, do bị thương, tôi được đưa ra Quân khu 3 an dưỡng và được đào tạo ở Trường Quân chính.

Năm 1970, tôi trở lại chiến đấu, là Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 38, Sư đoàn 320, tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Tiếp đó, Đại đội 7 được bàn giao, tôi trở thành Đại đội trưởng, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 chốt giữ phía Tây Nam sông Thạch Hãn bảo vệ vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị và thực hiện chi viện cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Sau 3 năm chốt giữ ở Quảng Trị, ngày 20/2/1975, đơn vị tôi được lệnh bàn giao địa bàn lại cho bộ đội địa phương, di chuyển về phía Nam. Ngày 21/3/1975, đơn vị thực hiện đánh chiếm cao điểm 494 và 560, trên dãy núi Kim Sắc ở huyện Phú Lộc (Huế), ngăn chặn địch rút từ Huế về Đà Nẵng. Tiếp đó, đơn vị tôi cùng nhiều đơn vị khác thuộc Quân đoàn 2 và Quân khu 5 tiến vào giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975; cùng các đơn vị của Quân đoàn 2 giải phóng các tỉnh khu vực miền Trung, rồi tiến thẳng về Sài Gòn. Đến ngày 27/4/1975, Quân đoàn 2 chúng tôi đã tập kết về rừng cao su phía Bắc Long Thành (Đồng Nai) quán triệt nhiệm vụ để thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh...

2.png

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch. Đơn vị tôi được giao đi qua phà Cát Lái đánh, chiếm vào Cảng Nhà Rồng. 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975 cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Kể từ giây phút này, địch cơ bản buông súng đầu hàng. Đến 16 giờ chiều 30/4/1975, đơn vị tôi đã chiếm được Cảng Nhà Rồng...

Sau khi sắp xếp xong việc canh gác, bảo vệ cảng, sáng 1/5/1975, tôi và 1 đồng chí chính trị viên phó đại đội quyết định thăm Dinh Độc Lập. Trong giây phút đó, nước mắt tôi đã rơi vì niềm sung sướng. Kể từ đây, đất nước đã thống nhất. Hòa bình đã đến, không còn chiến tranh, không còn những mất mát đau thương. Chúng tôi sẽ sớm được trở về với gia đình, người thân. Thời khắc này, tôi nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh... Thế nhưng, không bao lâu sau, đơn vị tôi lại tiếp tục bước vào nhiệm vụ mới, đó là quét sạch tàn dư chế độ cũ, bảo vệ chính quyền cách mạng. Thế mới thấm thía rằng, hiểm họa vẫn luôn rình rập, trong niềm vui chiến thắng, chúng ta cũng không được rời tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Từ tháng 6/1976 đến tháng 7/1978, đơn vị tiếp tục được giao nhiệm vụ truy quét tiễu trừ phỉ tại nước bạn Lào. Lúc này tôi đã là Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325.

5.png
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thăm Dinh Độc Lập. Ảnh: Thành Cường

Từ tháng 8/1978 đến tháng 3/1979, đơn vị tôi được điều động vào Tây Ninh, đánh quân xâm lược Pol Pot, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Từ tháng 4/1979 đến tháng 6/1979, tiểu đoàn tôi ra Bắc đánh quân bành trướng Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn...

Tôi được Nhà nước, quân đội cho phép nghỉ hưu vào năm 1987 với quân hàm Đại úy. Nhìn lại cuộc đời binh nghiệp của mình, tôi cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp xương máu của mình cho công cuộc đấu tranh thống nhất và bảo vệ sự toàn vẹn, hòa bình của Tổ quốc. Bản thân tôi cũng rất vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng 12 huân chương các loại.

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông Vũ Đức Chất đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 12 Huân chương, trong đó, có 4 Huân chương Chiến công (1 Huân chương hạng Nhì, 3 Huân chương hạng Ba), 1 Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, 2 Huân chương Giải phóng, 3 Huân chương niên hạn.

P.V: Được biết, mới đây, trong chương trình kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông là một trong những thành viên của đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An đến Thành phố Hồ Chí Minh tham dự chương trình. Ông đã có những cảm xúc như thế nào khi trở lại “chiến trường” xưa?

Ông Vũ Đức Chất: Tôi rất vinh dự, tự hào khi là 1 trong 26 cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và được tỉnh Nghệ An lựa chọn, tạo điều kiện cho về thăm lại chiến trường xưa. Trong quá trình chuyến đi, tỉnh đã bố trí hết sức chu đáo từ việc đi lại, ăn ở, chăm lo sức khỏe cho đến bố trí các điểm tham quan. Lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp hết sức trọng thị.

3.png

Trở lại chiến trường xưa sau 50 năm, tôi rất vui khi chứng kiến Thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển vượt bậc, rực rỡ; trở thành một đô thị hiện đại, năng động nhất của cả nước và khu vực. Tôi càng tự hào vì mình đã từng có thời gian được chiến đấu, gắn bó tại thành phố mang tên Bác.

Tôi thật sự cảm kích việc tỉnh Nghệ An chúng ta tổ chức cho chúng tôi một chuyến đi đầy ý nghĩa này. Càng cảm kích hơn việc tỉnh đã thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, thường xuyên quan tâm, chăm lo đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Hàng năm các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể ban, ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công; triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà các đối tượng chính sách nhân dịp lễ, Tết; thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ...

6.png
Diễn tập Lễ duyệt binh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tái hiện hình ảnh 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Thành Cường

Trở lại “chiến trường xưa”, trong tâm tưởng chúng tôi ngân vang giai điệu bài hát “Tiến về Sài Gòn” năm xưa của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước – “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây”; văng vẳng lời bài thơ “Sao Chiến thắng” của nhà thơ Chế Lan Viên “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...”.

Trong âm vang kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là người đi qua khói lửa chiến tranh, tôi muốn chia sẻ, nhắn nhủ đôi lời với thế hệ trẻ hôm nay: Cách đây từ hàng ngàn năm, tổ tiên chúng ta đã xây dựng, bảo vệ biên giới, lãnh thổ bằng sự dũng cảm, không tiếc đổ máu, kiên cường chống giặc ngoại xâm để lập nên đất nước. Giành được độc lập và hòa bình, thống nhất đất nước, bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ đã khó; gìn giữ và phát huy được thành quả này, đưa đất nước phát triển giàu đẹp càng khó hơn. Mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, dùng hết sức lực của mình để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, vững mạnh hơn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Không rời tay súng bảo vệ Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO