Gặp người của phường củi, cỏ ngày xưa…

05/04/2011 11:31

Khi chúng tôi về tìm hiểu làn điệu hát Reo của làng Nho Lâm (thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ông Đặng Quang Liễn – người đã có công trình nghiên cứu về làn điệu hát Reo độc đáo này chia sẻ: “Hát Reo là một làn điệu dân ca độc đáo của Xứ Nghệ, nhưng tiếc thay, cả làng Nho Lâm bây giờ chỉ còn vài người thuộc và biết hát Reo. Họ là những người còn lại của phường củi cỏ ngày xưa…”.

(Baonghean) - Khi chúng tôi về tìm hiểu làn điệu hát Reo của làng Nho Lâm (thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An), ông Đặng Quang Liễn – người đã có công trình nghiên cứu về làn điệu hát Reo độc đáo này chia sẻ: “Hát Reo là một làn điệu dân ca độc đáo của Xứ Nghệ, nhưng tiếc thay, cả làng Nho Lâm bây giờ chỉ còn vài người thuộc và biết hát Reo. Họ là những người còn lại của phường củi cỏ ngày xưa…”.

“Hỡi người bứt củi dọc dài. Gió đông đông liễu. Gió oài liễu đông. Tưởng nên đạo vợ chồng. Không nghề chi mà khó nhọc…” Làn điệu há́t Reo quen thuộc đã một thời âm vang khắp ngàn Đại Vạc nhưng giờ đây đang dần chìm vào quá́ khứ́…

Chúng tôi may mắn được gặp ông Hoàng Kim Kha, sinh năm 1920, và bà Hoàng Thị Hội, sinh năm 1916, là 2 người con của làng Nho Lâm đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”. Vậy mà điều khiến những người có mặt đều bất ngờ là họ vẫn nhớ và hát say sưa những bài hát Reo đã một thời vang bóng…

Trong câu chuyện hồi tưởng về quá khứ, khi nói về những bài hát Reo, giọng ông lại hào hứng và rành mạch: “Ngày đó, chúng tôi là những thanh niên khỏe mạnh, mỗi sáng phải vào ngàn Đại Vạc chặt củi, bứt cỏ từ khi trời còn chưa sáng. Khi tiếng tù và kêu inh ỏi khắp làng, chúng tôi bắt đầu đi và hát. Những bài hát nối nhau liên tiếp, kèm theo tiếng hô vang xua đi sợ hãi và khiến mọi người phấn chấn, quên đi mệt nhọc…”.

Bà Hoàng Thị Em, dù đã bước qua tuổi 95, không còn nhiều sức khỏe để hò reo sau mỗi bài hát như xưa nhưng gương mặt nhiều nếp nhăn bỗng sáng lạ thường khi cất lên những bài hát Reo quen thuộc: “Sao em không nhớ, khi lên động xuống bằng. Củi bó xóc một dầm, trù ăn chung một gói. Về nhà thầy mẹ hỏi, em say đắm với ai. Em say đắm một người, em say sưa lắm lắm…”. Đưa tay vuốt nước trầu nơi khóe miệng, bà vẫn bẽn lẽn như ngày con gái: “Chúng tôi lớn lên là biết hát và “say” hát Reo. Có nhiều đôi trai gái yêu nhau nhưng không dám bày tỏ tình cảm. Nhờ những bài hát Reo mà nên vợ nên chồng…”.


Ông Hoàng Kim Kha và bà Hoàng Thị Em say sưa điệu hát Reo.

Làng Nho Lâm ngày ấy, đi đâu người ta cũng nghe âm vang tiếng tù và và những lời hát Reo trong trẻo. Nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của dân làng Nho Lâm. Những người của phường củi, cỏ ngày xưa đến hôm nay không còn nhiều, và những làn điệu hát Reo cũng đang dần chìm vào quá khứ…

“Nho Lâm than quánh nặng nề / Em có đang được thì về Nho Lâm”. Câu ca dao nói lên cuộc sống vất vả, cực nhọc của người dân làng Nho Lâm ngày trước. Nó được xem như là điều kiện để ra đời những làn điệu hát Reo. Theo ông Đặng Quang Liễn, hát Reo có hai đặc điểm chính là hình thức hát tập thể và được hình thành trong quá trình lao động nặng nhọc. Nó đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa được lưu truyền hàng trăm năm trước ở Nho Lâm, được nhiều người thuộc và biết hát.

Tương truyền ở làng Nho Lâm ngày ấy, trai gái mỗi sáng phải vào ngàn Đại Vạc chạt củi, bứt cỏ từ khi gà vừa gáy sáng. Họ kết thành những phường củi, cỏ. Quãng đường đi xa, công việc mệt nhọc. Ban đầu họ chỉ thổi tù và để rủ nhau đi và hát những bài hát tự sáng tác theo làn điệu dân ca để quên đi mệt nhọc. Khi mặt trời ngả về chiều, 20 đến 30 người gánh củi co trên vai, vừa chạy vừa hát suốt chặng đường về. Là một hình thức hát tập thể, mỗi người hát một câu, người trước truyền người sau cho đến hết bài hát. Sau mỗi bài hát kết thúc, họ thổi tù và và hò reo inh ỏi khắp núi rừng. Vì thế họ gọi những bài hát theo làn điệu dân ca này là hát Reo.

Nhạc khí của làn điệu hát Reo chỉ là chiếc tù và làm bằng sừng trâu, nhưng đã tạo được cảm hứng cho hàng chục còn người cùng hát. Ra đời trong quá trình lao động nặng nhọc và do nhân dân sáng tác nhưng nội dung của làn điệu hát Reo rất phong phú và đa dạng. Đó là những bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, phản ánh cuộc sống và tình cảm lứa đôi, ca ngợi người tốt và cả những bài hát trào lộng, phê phán những thói hư, tật xấu… Điều đặc biệt là những bài hát Reo có khi dài đến hàng trăm câu. Những người tham gia đều phải thuộc để hát nối tiếp nhau. Giọng điệu của hát Reo tuy chịu ảnh hưởng của làn điệu vè dặm và các làn điệu dân ca khác của xứ Nghệ nhưng do ra đời trong lao động nặng nhọc nên giọng điệu của lời hát Reo thường chắc, nặng, gọn, không đưa đẩy.

Hát Reo đồng thời cũng mang dấu ấn của thời kỳ đá mới tại khu di chỉ Rú Ta – Đồng Mỏm để lại cho phường củi cỏ của làng Nho Lâm. Người ta còn liên tưởng đến cách đi săn bắn của người xưa. Khi thấy con thú, người đứng đầu hô vang một tiếng rồi tất cả cùng hò reo và vây bắt…

Cho đến nay, vẫn còn hàng trăm bài hát Reo đang lưu truyền trong dân gian mà theo ông Liễn chỉ mới sưu tầm được một phần rất nhỏ. “Điều đáng tiếc là hiện nay những người nhớ và biết hát Reo còn lại rất ít, đặc biệt giới trẻ lại không mặn mà tìm hiểu. Đây là một làn điệu dân ca độc đáo, rất cần được bảo tồn kịp thời trước nguy cơ bị lãng quên… ” - ông Liễn chia sẻ.

Một buổi chiều có nắng. Gió trên ngàn Đại Vạc vẫn thổi. Hai ông bà lão “móm mém” nhai trầu, vẫn còn hăng say như thời đôi mươi khi cất lên những bài hát Reo quen thuộc. Nhưng giờ đây, sau mỗi bài hát, không có tiếng tù và Ọ lu tu lu tu ọ…và tiếng hò reo mà chỉ vương vấn một điều nuối tiếc…


Biện Luân

Mới nhất
x
Gặp người của phường củi, cỏ ngày xưa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO