Gặp những người đóng tàu không số
Có một điều còn rất ít người biết rằng, trong số những chuyến tàu không số huyền thoại năm xưa, đã có nhiều chiếc tàu hướng về Nam bắt đầu hải trình bão táp của mình lại được ra đời, hạ thuỷ ngay tại cửa lạch Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chúng tôi đã được gặp lại những người một thời thủa ấy.
(Baonghean) - Có một điều còn rất ít người biết rằng, trong số những chuyến tàu không số huyền thoại năm xưa, đã có nhiều chiếc tàu hướng về Nam bắt đầu hải trình bão táp của mình lại được ra đời, hạ thuỷ ngay tại cửa lạch Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Chúng tôi đã được gặp lại những người một thời thủa ấy.
CCB Nguyễn Đình Sin (trái) và người đồng đội cũ, bây giờ trở về vui thú điền viên |
Trong suốt 14 năm liên tục (1961-1975) tuyến đường này đã có 1.789 lượt tàu không số vận chuyển 150 ngàn tấn vũ khí, trang bị và 80 ngàn lượt cán bộ, vượt qua hàng vạn hải lý dày đặc kẻ thù, bất chấp tất cả hiểm nguy để đến với miền Nam đang cần súng, cần người, góp một phần rất lớn vào chiến thắng cuối cùng.
Có một điều còn rất ít người biết rằng, trong số những chuyến tàu không số huyền thoại năm xưa, đã có nhiều chiếc tàu hướng về Nam bắt đầu hải trình bão táp của mình lại được ra đời, hạ thuỷ ngay tại cửa lạch Nghi Thiết (Nghi Lộc- Nghệ An). Chính bàn tay của những người thợ của HTX Trung Kiên với trên 700 năm truyền thống nghề mộc đã góp phần tạo dựng nên sự vững chãi, đương đầu cùng sóng gió của những huyền thoại một thời.
Ông Nguyễn Đình Sin, một CCB của Đoàn tàu không số năm xưa, đã đưa chúng tôi tìm về nơi hạ thuỷ của hàng chục chuyến tàu không số, ra đời dưới bàn tay của những người thợ đóng tàu Nghi Thiết tài hoa. Chúng tôi đã được gặp lại những người một thời thủa ấy. Nay, dù chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng ký ức vẫn còn tươi rói. Cụ ông Lê Đình Xu, 96 tuổi, nhớ lại “Thời đó, có ông Tư Ba, dẫn đầu một đoàn các ông cán bộ nói giọng miền Nam về đặt vấn đề với HTX Trung Kiên bọn tui. Nói đóng thuyền để phục vụ kháng chiến, cũng nỏ biết cụ thể làm chi, chỉ dặn cố gắng đóng thật chắc chắn. Họ nằm đây cả năm trời”. Cụ Nguyễn Văn Ninh, 76 tuổi, thì nhớ có một bác cán bộ miền Nam bỏ quên ở nhà ông một chiếc nhẫn, tuồng như là nhẫn cưới. Xong việc, ông cán bộ ấy đi biền biệt luôn, không biết tìm đâu ra mà trả. Vật đổi sao dời, đã mấy chục năm, vật còn, người xa ngái....
Cuộc gặp lại của CCB và những người thợ đóng thuyền |
Thời đó, mỗi chiếc tàu như vậy được các xã viên HTX đóng tàu Trung Kiên đã dành hết tâm trí của mình cho con tàu đủ sức đương đầu cùng đại dương. Bởi đó là “Tàu phục vụ kháng chiến”. Mỗi con tàu theo đề nghị được đóng thành 2 lớp đáy (đáy dưới dùng để chứa vũ khí). Vỏ tàu cũng được gia cố 2 lớp, một lớp ngoài bằng gỗ, lớp trong đan bằng cật tre ngâm lâu năm nên rất bền chắc. Sau này, khi được biết về những con tàu năm xưa do bàn tay mình đóng chính là những chuyến tàu chở vũ khí vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, các cụ đều không giấu nổi vẻ tự hào.
Giờ đây, rồi sẽ có một bia dẫn tích đặt tại xã Nghi Thiết để ghi dấu nơi ra đời của những con tàu thô sơ đầu tiên bắt đầu cho hải trình huyền thoại một thời. Hẳn con em của HTX Trung Kiên hôm nay sẽ thêm hiểu, thêm trân trọng những thành quả của cha anh đi trước đã thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Đoàn 125 (còn gọi là "Đoàn tàu không số") là đoàn vận tải quân sự đường biển làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, trực thuộc Quân chủng Hải quân từ tháng 8 năm 1963.
Tổ chức tiền thân là Đoàn 759, thành lập ngày 23 tháng 10 năm 1961 theo quyết định số 97/QP của Bộ Quốc phòng. Đến ngày 24 tháng 1 năm 1964 đổi thành Trung đoàn 125 (Đ125).
Cửa lạch Nghi Thiết - nơi cách đây gần 50 năm đã có hàng chục con thuyền không số được hạ thuỷ, vận chuyển vũ khí vào Nam |
Đoàn 125 đã thực hiện hàng trăm chuyến đi biển trong điều kiện gian khổ, ác liệt; vận chuyển và bàn giao hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài, đạn dược… cho các chiến trường: Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Liên khu 5. Đặc biệt, ngày 29 tháng 11 năm 1964, Đoàn 125 đã chuyển vũ khí vào Bà Rịa để trang bị cho một trung đoàn bộ binh của Quân Giải phóng miền Nam kịp tham gia chiến dịch Bình Giã.
Từ tháng 2 năm 1972, Đoàn 125 hoàn thành các nhiệm vụ mới được giao như: rà phá thủy lôi ở vùng biển Hải Phòng – Đông Bắc (1973), vận chuyển bộ đội, xe tăng và các loại vũ khí, khí tài từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975; tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa, Cù Lao Thu thuộc tỉnh Ninh Thuận (tháng 4 năm 1975) và đón các tù nhân cộng sản từ Côn Đảo trở về đất liền (tháng 5 năm 1975).
Thăm lại xưởng đóng thuyền một thời. |
Đoàn 125 đã được Nhà nước Việt Nam hai lần phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1967 và 1976).
Bài, ảnh: Trần Hải