Ghập ghềnh đường đến Olympic
(Baonghean) - Tại cuộc họp bàn về việc tập trung đầu tư cho các môn trọng điểm tham dự Olympic, ngày 2/7 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết: Mục tiêu của ngành thể thao là phấn đấu có 16 - 23 VĐV đạt chuẩn đến Olympic. So với kỳ Thế vận hội 2012 thì con số “phấn đấu” này khá an toàn và không có gì thay đổi, bởi ở Olympic 2012 chúng ta cũng có 18 VĐV tham dự với 5 môn cơ bản (thể dục dụng cụ, bơi lội, bắn súng, cử tạ và điền kinh).
Để có được 1 VĐV tham dự đấu trường Olympic là cả một quá trình đầu tư công phu bài bản, tốn kém về thời gian và tiền bạc. Và dường như đây vẫn là một sân chơi quá sức đối với các VĐV chúng ta. Còn nhớ, tại Olympic 2012 trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... đều giành được HCV, HCB thì các VĐV chúng ta đều “tay trắng” trở về. Trong khi đó, tại sân chơi SEA Games, chúng ta luôn xếp ở top 3 đoàn mạnh nhất. Mới đây, SEA Games 28 được đánh giá là kỳ đại hội thành công nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam khi một số bộ môn chúng ta gần như “thống trị” sân chơi này như thể dục dụng cụ, bơi lội, bắn súng, điền kinh... Tuy nhiên, trong số các VĐV phá kỷ lục SEA Games 28, chúng ta chỉ có Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Xuân Vinh là đạt chuẩn Olympic và xem như chắc chắn có vé đi dự kỳ Đại hội lớn nhất hành tinh này được tổ chức vào năm 2016 tại Brazil.
![]() |
Thành tích xuất sắc ở nội dung 400m tự do của Ánh Viên đã đoạt chuẩn A Olympic. Ảnh: internet |
Theo giới chuyên môn, gần đây, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…, giành được huy chương Olympic là nhờ tư duy phát triển thể thao đúng đắn. Họ tập trung đầu tư toàn lực cho một số môn Olympic, chứ không còn mặn mà với sân chơi SEA Games nữa. Trong lúc đó, chúng ta vẫn ôm đồm. Ngoài 10 môn thể thao trọng điểm hướng tới Olympic, thể thao Việt Nam còn đầu tư 20 môn gọi là “trọng điểm nhóm 2”. Chính sự đầu tư dàn trải này dẫn đến những VĐV có khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic đã không được quan tâm đúng mức. Với cách làm đó, đã dẫn đến một nghịch lý là ở SEA Games chúng ta “làm mưa làm gió” như ra đến đấu trường Olympic thì chúng ta lại không bằng Malaysia, Indonesia, Singapore...
Thời gian từ nay đến Olympic 2016, với lực lượng VĐV hiện tại, xem ra đường đến bục nhận huy chương Olympic còn quá xa và quá ghập ghềnh với các VĐV chúng ta. Nhưng dẫu sao, chúng ta vẫn hy vọng sẽ có thêm nhiều VĐV Việt Nam sẽ được tham dự đấu trường Olympic và biết đâu trong số họ sẽ mang về cho Tổ quốc những tấm huy chương, khi tại cuộc họp ngày 2/7, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã nói rằng: “Trong vòng 1 năm tới, các VĐV trọng điểm sẽ được đầu tư tối đa về kinh phí tập huấn nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài và tham gia các cuộc thi đấu để đạt chuẩn đến Olympic 2016”.
Đức Dũng