Ghi dọc đường biên

(Baonghean) - Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Loi, những địa danh gợi cảm giác xa ngái, gập ghềnh ấy nằm dọc theo đường biên giới Việt- Lào thuộc địa bàn huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Nơi đây, cán bộ, chiến sỹ biên phòng đang ngày đêm bám địa bàn, gắn bó với đồng bào các dân tộc Thái, Mông, khơ Mú, giữ bình yên biên cương của Tổ quốc.

Huyện Kỳ Sơn có 11/21 xã, thị trấn nằm dọc theo 92 km đường biên, tiếp giáp với địa bàn 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô li khăm xay) của nước CH DCND Lào. Trên địa bàn huyện có tới 7 đồn biên phòng đóng ở các xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Nậm Cắn, Na Loi, Keng Đu và Mỹ Lý. Mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và các đồn biên phòng luôn gắn bó mật thiết. Ngày truyền thống BĐBP (3/3), lãnh đạo huyện đã phân công các đoàn công tác của các ban, ngành, đoàn thể đến từng đồn đóng trên địa bàn để chúc mừng, động viên và giao lưu với các cán bộ, chiến sỹ. Riêng đoàn công tác của Bí thư Huyện ủy Vi Hải Thành đảm nhận đến địa bàn xa xôi và khó khăn nhất là Keng Đu và Na Loi.

Xe xuất phát từ Thị trấn Mường Xén vào thời điểm giữa trưa. Đường Mường Xén - Huồi Tụ bây giờ khá tốt. Trước đây, đoạn đường này luôn là nỗi ám ảnh đối với những ai có việc phải lưu hành qua lại, đặc biệt là khu vực dốc Huồi Đun vừa lầy vừa trơn, địa hình lại khá hiểm trở. Đến ngã 3 Huồi Tụ, đoàn xe rẽ trái - nơi xuất phát tuyến đường Huồi Tụ - Keng Đu. Tuyến đường này chưa được rải nhựa, lại đang vào thời điểm mùa khô nên bụi bay mù mịt. Đó là chưa kể không ít đoạn cua tay áo, một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách núi cheo leo.

Sau khi “bò” qua một chặng đường gập ghềnh với vô số những “ổ voi”, đoàn xe qua bản Huồi Viêng - xã Đoọc Mạy và dừng chân nghỉ ở “cổng trời” Pà Tạc - ranh giới giữa hai xã Đoọc Mạy - Keng Đu. Bí thư Vi Hải Thành vui vẻ kể những câu chuyện ngày xưa, thời phát động khai mở tuyến đường này. Trai, gái khắp các bản làng cùng tham gia phá núi mở đường, đến đêm dựng lán rồi cùng nhau đốt lửa hát hò vang khắp cả núi rừng. Từ “cổng trời”, Bí thư Thành chỉ về phía một ngọn núi đá cách đó không xa: “Trong núi ấy có một cái hang, xưa kia là nơi trú ẩn của bọn phỉ. Nhân lúc chúng ta bận rộn, sơ hở, tốp phỉ này thường hay xuất hiện để quấy rối, có khi rất manh động. Về sau, do chúng ta đề cao cảnh giác nên bọn chúng phải rút vào rừng sâu và qua phía bên kia biên giới”. Cũng từ đỉnh Pà Tạc, Đại tá Nguyễn Văn Đề - Trưởng Công an huyện, phóng tầm mắt ra những sườn đồi xa xa và bồi hồi nhớ lại những ngày từng tham gia đội công tác của huyện vào đây phá bỏ cây thuốc phiện. Giờ đây, những sườn đồi ấy đang nhuộm vàng bởi màu hoa cải. Trên đường đi rừng về, cụ Vừ Lìa Già (bản Huồi Viêng) dừng chân bắt tay và trò chuyện với khách. Qua câu chuyện với cụ, chúng tôi được biết địa danh Đoọc Mạy ít nhiều có nguồn gốc từ các loài hoa, trong đó có hoa ban. Bởi theo tiếng Thái, “đoọc mạy” nghĩa là “cây hoa”. Ngày xưa, khi mùa xuân về, những cánh rừng và thung lũng nơi đây ngập tràn sắc màu các loài hoa, nhiều nhất là hoa ban trắng. Vì thế, bà con các dân tộc đặt tên cho vùng đất này là Đoọc Mạy.

Cụ già người Mông này cho biết thêm, hàng năm hoa ban thường bắt đầu nở vào đầu tháng hai âm lịch, tức là khi hơi hơi ấm mùa Xuân đã lan tỏa đến những cánh rừng quanh năm mây phủ. Hoa ban nở rộ trong tháng ba, và sang đầu tháng tư bắt đầu tàn. Người dân nơi đây còn dựa vào mùa hoa ban để làm lịch thời vụ. Lúc hoa ban hé nụ, bà con bắt đầu phát rẫy. Mùa hoa ban tàn cũng là lúc hạt giống được tra vào đất. Dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ vùng cao, cánh hoa ban có thể chế biến thành những món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như canh, nộm hoặc hông với xôi. Vị ngọt của hoa ban đã đem lại hương vị những món ăn thêm phần đậm đà, khách xa thưởng thức một lần nhớ mãi.

Đoàn xe tiếp tục xuống “cổng trời”, qua bản Huồi Lê, Huồi Phuôn 2 rồi rẽ vào Đồn Biên phòng Keng Đu. Bước vào khuôn viên của đồn, một không gian với một vẻ đẹp sinh động, hài hòa chợt hiện ra. Phía trước khuôn viên được chia thành các lô theo tiêu chí độ cao và được trồng các loài hoa theo từng luống một. Chung quanh là những cây đào đang vào độ dạt dào sức sống và cùng nhau nở hoa đua sắc. Mới thấy, ở nơi biên cương xa ngái và điều kiện thời tiết khắc nghiệt này, người lính biên phòng vẫn giữ được vẻ lãng mạn và một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Phía sau khuôn viên được dành một khoảng để làm vườn thuốc Nam. Phần còn lại được dùng cho việc tăng gia sản xuất. Đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, Keng Đu đang thiếu nguồn nước sạch nhưng vườn bắp cải, su hào, rau cải của đồn vẫn giữ được một màu xanh tươi. Cán bộ, chiến sỹ ở đây còn nuôi cả một đàn gà, đàn lợn, tự chế biến đậu phụ để đảm bảo nhu cầu thực phẩm hàng ngày.

Sau bữa cơm tối thân mật là chương trình giao lưu văn hóa - văn nghệ. Cùng với anh em cán bộ, chiến sỹ và thành viên đoàn công tác, thầy cô giáo các trường mầm non, tiểu học, THCS và bà con nhân dân bản Huồi Phuôn 1, Huồi Phuôn 2 và Kẹo Cơn cùng đến chung vui. Những ca khúc thắm tình quân dân, những điệu múa gắn kết hai miền xuôi - ngược rộn vang khắp cả núi rừng. Rượu cần được mang ra, điệu lăm vông, lăm tơi trong hơi men chếnh choáng…

                  Chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu (Kỳ Sơn) tăng gia sản xuất.

Trưa hôm sau, khi dự buổi tọa đàm và bữa cơm trưa với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu kết thúc, đoàn công tác tiếp tục ngược đường trở lại phía bên kia “cổng trời” Pà Tạc để ra chia vui cùng anh em cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Na Loi. Ấn tượng nhất khi bước chân vào đây là được nhìn thấy những cành ban hoa trắng trang hoàng trên sân khấu của đêm giao lưu với chủ đề “Tiếng hát biên cương”. Ngồi cạnh cụ Lô Văn May, bản Na Khướng (Na Loi), chúng tôi được nghe câu chuyện truyền thuyết về loài hoa ban. Chuyện kể rằng, ngày xưa ở một bản nọ có chàng trai tên Khum và cô gái tên Ban yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng, cha của nàng Ban tham bạc nén, vàng ròng nên hứa gả nàng cho con trai của một phìa tạo trong vùng. Người con trai này vừa lưng gù, mặt đầy sẹo, lại lười biếng. Nàng Ban van xin hết lời nhưng người cha không những không từ bỏ ý định mà còn tiến hành nhanh việc tổ chức đám cưới cho con gái. Không còn cách nào khác, nàng chạy đến nhà người yêu với mong muốn kể hết sự tình và tìm cách giải quyết. Nhưng chàng Khum lúc này lại theo cha đi mua trâu ở bản xa nên nàng cởi chiếc khăn piêu buộc vào cầu thang và lên đường tìm chàng. Nàng Ban qua hết ngọn núi này đến cánh rừng khác, băng qua bao suối sâu, đèo cao, gọi tên người yêu đến khản cả giọng nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng, tăm hơi của chàng. Rồi nàng kiệt sức và gục ngã trên một dãy núi cao. Nơi nàng Ban nằm xuống, loài cây nở hoa búp trắng nhu búp tay người con gái, chẳng bao lâu sau loài cây này mọc lan khắp các cánh rừng. Từ đó, người dân lấy tên người con gái ấy để đặt tên cho loài hoa trong trắng, tinh khôi của núi rừng. Còn chàng Khum, sau khi biết rõ sự tình, chàng lại băng rừng đi tìm người mình yêu thương nhưng càng đi càng vô vọng. Cuối cùng, chàng gục ngã và hóa thành một con chim lẻ loi bay khắp các cánh rừng. Mỗi khi mùa hoa ban nở, con chim lẻ loi ấy lại cất lên những tiếng hót thiết tha như tiếng gọi người yêu. Như vậy, những cánh hoa ban đã được khoác lên một sắc màu huyền thoại,  thấm đẫm tính nhân văn, trở thành biểu tượng về tấm lòng thủy chung của tình yêu đôi lứa.

Hôm sau, chúng tôi rời Na Loi để trở ra Mường Xén. Không khí lạnh tràn về, trời đổ mưa, tuyến đường trở nên lầy sục và trơn như rải mỡ. Xe trầy ngang trượt dọc, cô bạn đồng nghiệp lại nhiều phen “thót tim”. Ai cũng thấm mệt nhưng đều có chung một niềm vui và một niềm tin về một ngày không xa tuyến đường này sẽ được nâng cấp để Na Loi, Đoọc Mạy và Keng Đu sẽ gần hơn.

Công Kiên

tin mới

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

Nhà hát Chèo Quân đội biểu diễn phục vụ chiến sĩ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Tối 6/4, tại Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà hát Chèo Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại'

(Baonghean.vn) - Sáng 27/3, tại thủ đô Hà Nội, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Báo Quân đội Nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, động viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ tại tỉnh Xiêng Khoảng

(Baonghean.vn) - Sáng 21/3, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã đến thăm, động viên cán bộ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

Những hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thường xuyên phải gác lại nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ, các nữ chiến sĩ Công an Nghệ An luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vượt gian khổ, tận tụy phụng sự tổ quốc và nhân dân. Họ không quản ngại mưa gió, nắng cháy, hiểm nguy để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Chiều 22/2, đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh do đồng chí Đại tá Đinh Bạt Văn – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ giao nhận quân tại huyện Nam Đàn và Đô Lương.