Ghi nhận hơn nữa đóng góp của người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số

25/07/2013 13:07

(Baonghean) - Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

P.V: Xin đồng chí cho biết một số kết quả về thực hiện chỉ đạo của các cấp đối với nhiệm vụ ổn định, phát triển vùng miền núi dân tộc tỉnh nhà?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Nghệ An có 11 huyện, thị xã miền núi và 6 huyện có xã miền núi với 248 xã, thị trấn; có 83 xã khu vực III, 1 xã an toàn khu và 180 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II; 27 xã tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài 419 km đường biên. Diện tích tự nhiên vùng dân tộc miền núi là 13.745 km2, chiếm hơn 83% diện tích cả tỉnh. Dân số vùng dân tộc miền núi có hơn 1,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 43 vạn người, gồm các dân tộc chủ yếu: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ đu.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, dự án đầu tư các nguồn lực cho vùng miền núi và dân tộc. Hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư khá lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội (giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm xá, nước sạch...). Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực do ngành quản lý như: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công nghệ - Thông tin, điện, giao thông nông thôn… tạo ra một hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến của cá nhân và tập thể, hộ gia đình làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi. Đời sống tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể, hệ thống chính trị được củng cố xây dựng, dân chủ cơ sở ngày càng được thực hiện tốt hơn và quốc phòng - an ninh cơ bản đảm bảo.



Ông Vừ Chông Pao nói chuyện với bà con bản Na (xã Hữu Lập, Kỳ Sơn).
Ảnh: Công Kiên

P.V: Để giành được kết quả trên, trong nỗ lực chung của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, có đóng góp đáng ghi nhận của đội ngũ già làng, người có uy tín. Đồng chí có thể cho biết cụ thể về việc phát huy vai trò của họ?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của người uy tín trong việc vận động, giáo dục, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; thực hiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở vùng miền núi - dân tộc, sau khi có Chỉ thị 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thường trực UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã xây dựng Đề án số 07/ĐA/MTNA ngày 28/3/2008 về “Xây dựng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An” được Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, nhằm quán triệt, triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đến tận các chi bộ đảng, Ban công tác mặt trận các bản, làng vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh bình bầu, suy tôn được 1.241 người có uy tín vùng miền núi dân tộc.

Trong những năm qua, các già làng, người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước đến các làng bản, gia đình, họ tộc; giáo dục con cháu và mọi người thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không vi phạm pháp luật, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống truyền đạo trái phép, cảnh giác với mọi âm mưu của các thế lực thù địch, tích cực học tập nâng cao trình độ mọi mặt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Họ thực sự là điểm tựa tinh thần cho bà con thôn bản trong việc giải quyết các thắc mắc hay hòa giải các mâu thuẫn nội tại ở cộng đồng. Những dấu ấn mà người có uy tín để lại có thể kể đến trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống.

Trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, già làng, người có uy tín luôn được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách tham gia vào các ban giám sát đầu tư cộng đồng. Nhiều người đã có những tư vấn thiết thực trong phương hướng phát triển của địa phương, góp ý về đạo đức, lối sống, phẩm chất của cán bộ, đảng viên, thể hiện cao tinh thần trách nhiệm trong đánh giá chất lượng, uy tín cán bộ. Những người uy tín còn luôn dẫn đầu trong phong trào xây dựng phát triển kinh tế, thay đổi các phương thức sản xuất, cải tạo các tập tục canh tác sản xuất lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh, tăng năng suất.

Nhiều già làng, người uy tín đã đi đầu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, vận động nhân dân thực hiện đa dạng hóa các mô hình kinh tế. Đến nay, trong vùng đồng bào các dân tộc đã có trên 500 mô hình thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm, chưa kể đến các mô hình trồng rừng 50 năm và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm ở vùng dân tộc thiểu số.

Trong phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, các già làng, người có uy tín cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu gương mẫu thực hiện quy ước, hương ước, xây dựng các thiết chế văn hóa, xóa bỏ tập tục lạc hậu; đồng thời tích cực vận động bà con xóm giềng thực hiện. Đặc biệt, phong trào lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đã hình thành được những Câu lạc bộ chữ Thái, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian người Thổ, khôi phục Đội cồng chiêng... gắn với tên tuổi những già làng, người có uy tín.

Đối với công tác tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, người có uy tín trên địa bàn giúp nhân dân nhận thức và hiểu được âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, vận động nhân dân tham gia phát hiện các loại tội phạm. Nhờ đó, đã cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều nguồn tin quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, xử lý vi phạm và tội phạm ở khu vực biên giới; giúp đỡ cơ quan chức năng và nhân dân xóa bỏ được gần 2.000m2 tái trồng cây thuốc phiện, vận động gần 100 đối tượng ký cam kết không tham gia buôn bán trái phép chất ma túy, giao nộp hàng trăm khẩu súng các loại, hằng trăm hộ từ bỏ ý định di cư sang Lào. Thông qua con đường thăm thân, các già làng đã giáo dục, vận động đồng bào Mông cư trú trái phép trên đất nước bạn Lào trở về với bản làng ổn định nơi ăn chốn ở.

P.V: Xin đồng chí chia sẻ về kinh nghiệm và giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các già làng, người có uy tín?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Thực tế cho thấy, nhiều người có uy tín, mặc dù chăm chỉ, cần cù chịu khó nhưng những kiến thức, chính sách mới của Đảng và Nhà nước chưa thực sự nắm rõ, thường chỉ gương mẫu trong lối sống, trong công tác sản xuất, trong dòng họ. Nắm bắt được vấn đề đó, Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách như: Tổ chức cho già làng, người có uy tín đi tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong và ngoài tỉnh, mở các lớp tập huấn tại địa phương và tỉnh, cụ thể trong năm 2012 tỉnh đã dành một phần kinh phí không nhỏ để tổ chức tập huấn cho người có uy tín, cho đến thời điểm này 1.175 người có uy tín được bình xét năm 2012 đã được tham gia ít nhất một lớp tập huấn.

Tỉnh cũng đã kịp thời bố trí ngân sách hơn 800 triệu đồng để mua báo cấp cho người có uy tín để hàng ngày người có uy tín cập nhật được thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội… từ đó tạo cho mình một kho dữ liệu tuyên truyền hiệu quả và thiết thực. Hằng năm, nhằm động viên người có uy tín, các cấp, các ngành thường lồng ghép vào các sự kiện như Ngày hội Đại đoàn kết ở các thôn bản, các cuộc hội nghị tập huấn để tuyên dương khen thưởng, làm cho người uy tín phấn khởi, đã uy tín rồi muốn uy tín hơn, chưa uy tín mong được uy tín, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi khắp các bản làng miền núi.

P.V: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số 5 tỉnh vùng Tây Bắc được tổ chức ở Nghệ An lần này?

Đồng chí Lê Xuân Đại: Hội nghị được tổ chức tại tỉnh ta lần này đã trở thành sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa lớn không chỉ với đại biểu là người có uy tín tham dự mà còn vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà. Hội nghị với sự có mặt của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, của Ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể khác đã thể hiện sự quan tâm hết mức chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác Dân tộc, khẳng định rõ vai trò to lớn của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Không chỉ là chuyện tôn vinh, biểu dương người có uy tín, tiếp tục phát huy vai trò của họ trong thời gian tới, hội nghị còn là nơi giao lưu, học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm giữa những người có uy tín trên mọi vùng, miền, thuộc mọi dân tộc, góp tiếng nói, nguyện vọng của mình và địa phương mình đến với Đảng, Nhà nước.

Hy vọng và tin tưởng rằng, qua hội nghị này, vai trò của người có uy tín sẽ ngày càng phát huy tốt hơn, sự đóng góp của người có uy tín ngày càng cao hơn trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo; tiếp tục tạo dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện tốt hơn nữa phương châm: “Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”; thực hiện tốt hơn nữa chính sách của Đảng và Nhà nước.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


T.V (thực hiện)

Ghi nhận hơn nữa đóng góp của người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO