Ghi nhận từ Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ 2012

02/07/2012 15:43

Bao đời nay, dân ca Ví Dặm đã là tài sản tinh thần vô giá và độc đáo của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, luôn được bảo tồn, phát triển một cách bền vững. Việc tổ chức liên hoan dân ca Ví, dặm Xứ Nghệ 2012 của UBND 2 tỉnh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong việc phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Liên hoan đã thành công trên nhiều mặt…

(Baonghean) Bao đời nay, dân ca Ví Dặm đã là tài sản tinh thần vô giá và độc đáo của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, luôn được bảo tồn, phát triển một cách bền vững. Việc tổ chức liên hoan dân ca Ví, dặm Xứ Nghệ 2012 của UBND 2 tỉnh là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong việc phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Liên hoan đã thành công trên nhiều mặt…

Có thể nói, liên hoan lần này đã huy động được sức mạnh tổng lực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và những người yêu mến dân ca… Toàn tỉnh Nghệ An đã có 52 câu lạc bộ đàn và hát dân ca với khoảng 2000 thành viên, trong đó có 8 người đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tham gia liên hoan từ vòng cụm đến liên hoan cấp tỉnh. 52 câu lạc bộ này từ trước đến nay vốn hoạt động trong điều kiện kinh phí khó khăn, bởi thành phần chủ yếu là những người nông dân, lao động phổ thông nhưng với niềm đam mê dân ca ví, dặm quê nhà họ vẫn hăng say, nỗ lực tập luyện và tham gia liên hoan một cách nhiệt tình, tâm huyết.



Tiết mục công diễn của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) Ảnh: T.H

Việc tổ chức liên hoan lần này của UBND 2 tỉnh là một chủ trương, hướng đi đúng đắn đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, do đó công tác tổ chức liên hoan đã được quan tâm, chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá với những hệ thống bảng biển tấm lớn, tranh cổ động, băng cờ khẩu hiệu rực rỡ sắc màu ở khắp các đường phố và nơi diễn ra liên hoan. Các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương đã dành nhiều thời lượng để đưa tin về liên hoan.

Lễ khai mạc đã thu hút trên 1 vạn người dân đến xem và cổ vũ. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ, các nhạc sỹ, văn nghệ sỹ nổi tiếng Trung ương và địa phương, đại diện lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều có mặt. Chương trình khai mạc liên hoan hoành tráng diễn ra trong 90 phút thật sự để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu đậm trong lòng khán giả, các du khách gần xa, đặc biệt là khán giả xem truyền hình và bạn bè quốc tế. Chương trình giao lưu dân ca ví, dặm xứ Nghệ tại 4 điểm là Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Kim Liên (Nam Đàn), Nghi Hương (TX Cửa Lò), Nghi Liên (TP Vinh), với sự tham gia nhiệt tình của các CLB đã thu hút hàng ngàn người xem…

Vòng chung kết Liên hoan dân ca ví, dặm Xứ Nghệ năm 2012 có 22 câu lạc bộ tham gia, trong đó tỉnh Nghệ An có 17 CLB (13 CLB thông qua vòng thi tuyển ở 3 cụm cơ sở, 4 CLB của ngành Giáo dục được tuyển chọn từ phong trào đưa dân ca vào trường học suốt 10 năm qua), tỉnh Hà Tĩnh có 5 CLB. Tại liên hoan, 22 câu lạc bộ đã biểu diễn 76 tiết mục với sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân và nhạc công. Nghệ nhân cao tuổi nhất đến với liên hoan là 82 tuổi, nghệ sỹ ít tuổi nhất là 8 tuổi, câu lạc bộ có hội viên đông nhất là gần 40 người…

Những người tham gia liên hoan đều là những nghệ sỹ không chuyên, hằng ngày gắn bó với đồng ruộng, họ đã đến với liên hoan dân ca ví, dặm bằng cả tấm lòng yêu mến, quý trọng, bằng tinh thần trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống có từ lâu đời … Chị Trần Thị Hương đến từ Câu lạc bộ xã Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cho biết: “Vì lòng đam mê nên tôi tham gia câu lạc bộ này đã được 7 năm. Công việc gia đình hiện cũng khá vất vả vì có nhiều ruộng vườn, chuồng trại, ao hồ chăn nuôi, song những lúc mệt mỏi đến với dân ca ví, dặm thì cảm giác đó như tan biến hết. Dân ca đã như nguồn động viên lớn trong cuộc sống. Từ những điều đó nên tôi thường tập luyện, luyện giọng hát”. Em Phạm Thị Xoan – Câu lạc bộ xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương chia sẻ: “Dù đang là học sinh nhưng em vẫn dành thời gian để hát, tham gia câu lạc bộ dân ca, bởi đây là truyền thống của gia đình”.

Tại liên hoan, các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân ca đều thực hiện đúng thể lệ của liên hoan, từ cấu trúc chương trình đến thời gian và đối tượng tham gia. Số lượng tiết mục tự biên tự diễn khá nhiều đã phản ánh được không gian và môi trường diễn xướng mang sắc thái của địa phương và tính chất nghề nghiệp. Mỹ thuật và trang phục, đạo cụ sử dụng trên sân khấu đã thể hiện rất rõ nét bức tranh dân gian về đất và người xứ Nghệ. Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Tiến Dũng - Trưởng Ban giám khảo Liên hoan cho biết: “Các câu lạc bộ đã chú trọng đến việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc như nhị, sáo, đàn bầu, trống làm người nghe rất xúc động. Nhiều nghệ nhân dân ca đã rất chú ý đến giọng hát, kỹ thuật hát, nhấn nhá, ngân nga theo đúng nhịp phách âm nhạc, bên cạnh đó đã có những sáng tạo riêng thể hiện âm ngữ, giai điệu của từng địa phương, từng thể loại hò, ví và dặm. Cách trình diễn linh hoạt, thông mình và hóm hỉnh kết hợp với sự triết lý hồn nhiên đã hấp dẫn được khán giả…”.

Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ cho rằng: “Dân ca xứ Nghệ nói chung và ví dặm nói riêng là sản phẩm tinh thần, đó là hồn cha ông, các giá trị sáng tạo vô cùng to lớn do cha ông để lại. Với nhân dân xứ Nghệ, các giá trị ấy nuôi dưỡng tinh thần, làm nên tính cách” – Liên hoan lần này đã giới thiệu thành công tầng sâu văn hóa và nhân cách người xứ Nghệ… Các nghệ nhân có dịp gặp gỡ, trao đổi với nhau các kinh nghiệm, giới thiệu các làn điệu mới, là nơi hội tụ tình cảm của những người sáng tạo nghệ thuật quần chúng của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, qua đó đẩy mạnh phong trào phát triển câu lạc bộ dân ca ví, dặm đến tận làng, khối, xóm, thôn và các cơ quan đơn vị, trường học để nhà nhà, mọi người dân hai tỉnh đều yêu mến và biết hát dân ca. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng dân ca ví, dặm xứ Nghệ.


Thành Chung

Mới nhất
x
Ghi nhận từ Liên hoan dân ca ví, dặm xứ Nghệ 2012
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO