(Baonghean) Theo thống kê của Sở Công thương, 6 tháng đầu năm, hàng hóa của Nghệ An xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm 53% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đạt 64 triệu USD. Như vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, chủ lực của hàng xuất khẩu Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Nhưng thực tế cho thấy, khi thị trường này “trở chứng” thì nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thô dạng tiểu ngạch của chúng ta lao đao, lâm vào tình cảnh đọng hàng và không điều tiết được giá bán.
Trong số sản phẩm xuất bán sang Trung Quốc nhiều phải kể đến các nông – lâm sản như bột sắn, lạc, dăm gỗ... và kế đó là các sản phẩm hải sản qua chế biến như mực, cá... Chúng tôi có mặt ở khối 6, phường Nghi Tân (TX.Cửa Lò) khi từng đoàn xe container đang nối đuôi về “ăn” hàng hải sản. Từ tờ mờ sáng, không khí đã rất khẩn trương; người rửa cá, người cân, đóng gói, xếp cá vào khay, chuyển vào kho cấp đông, rồi từ đây lại chuyển vào kho bảo quản.
![]() |
Phần lớn lạc nhân của Nghệ An được xuất bán sang Trung Quốc.
Tại kho đông của gia đình chị Thóa vừa nhập hàng từ Quảng Bình ra, số cá tạp sẽ được cấp đông, bảo quản để chờ xe xuất cho chủ hàng. Chị cho biết, gia đình làm kho đông từ năm 2004 đến nay nhưng chưa có thời điểm nào tư thương Trung Quốc lại “ăn” hàng nhiều như hiện nay, sản lượng thu mua và xuất bán gấp đôi mọi năm. Mỗi ngày, riêng địa bàn khối 6 có khoảng 5-6 xe về “ăn” hàng từ tháng 3 âm lịch lại nay có 5.000-6.000 tấn hàng được xuất bán với giá từ 6.000-8.000 đồng/kg. Riêng cơ sở của chị những ngày này luôn thu hút trên 30 lao động làm việc. Cá đánh bắt tại biển Cửa Lò chỉ có khoảng 30%, số còn lại được thu mua từ Quảng Bình và cả Quỳnh Lưu, Diễn Châu về, rồi từ đây xuất bán sang Trung Quốc. Còn anh Chu Văn Dương, khối trưởng khối 6, cũng là chủ kho đông cho hay, năm nay mặc dù đầu ra khó khăn ở thị trường nội địa, nhưng bù lại thuận tiện hơn những năm trước vì làm hàng (cá nhỏ, cá tạp) cho chủ hàng Trung Quốc.
Về Diễn Châu khi nhộn nhịp tư thương đổ về “ăn” hàng, lạc nhân là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, chủ lực của Nghệ An, trước đây chủ yếu được xuất sang các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì hiện nay hầu hết là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đến ngày 30/7/2012, mới chỉ có 1 doanh nghiệp (Công ty CP Intimex Nghệ An) xuất khẩu lạc nhân sang thị trường Thái Lan với số lượng 38 tấn, đạt kim ngạch 72.200 USD với giá xuất khẩu 1.900 USD/tấn CIF.
Bên cạnh lạc xô, loại lạc lọt sàng, kém chất lượng dùng để ép dầu cũng được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Giá loại lạc này khá thấp chỉ khoảng 1.230 USD/tấn CNF. Tổng lượng xuất bán tính đến thời điểm hiện nay là 40.140 tấn, tương đương kim ngạch 49.372 USD. Một điểm đáng chú ý là năm nay do giá lạc Nghệ An cao hơn so với giá lạc Ấn Độ, nên một số doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu lạc từ Ấn Độ để xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc. Giá lạc nhập khẩu Ấn Độ là 1.550 USD/tấn (CNF Hải Phòng) và được tái xuất sang Trung Quốc với giá khoảng 33.690.000đồng/tấn, tương đương 1.604 USD/tấn.
Ngoài số lượng lạc xuất khẩu chính ngạch khá khiêm tốn đó, lạc nhân Nghệ An hiện vẫn được thu gom và xuất bán cho thương nhân vùng biên giới Việt – Trung, bình quân mỗi ngày khoảng 200 tấn, giá bán giảm so với đầu vụ, giao động trong khoảng 32.000 - 35.000 đồng/kg. Ước tính có khoảng 8.000 tấn lạc nhân xô đã được xuất bán cho tư thương vùng biên giới Việt – Trung tương đương khoảng 12,5 - 13 triệu USD.
Nhìn nhận một cách khách quan thì thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ lượng hàng đáng kể cho nông dân, doanh nghiệp của tỉnh. Về vấn đề này, anh Võ Minh Tuấn - Phó phòng Quản lý XNK Sở Công Thương thừa nhận, khi một số doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu lạc truyền thống chưa ký được hợp đồng nào vì giá lạc Nghệ An cao hơn giá lạc của Ấn Độ, và chưa thấy doanh nghiệp ngoại tỉnh nào vào Nghệ An khai thác lạc nhân xuất khẩu, thì chính tư thương Trung Quốc đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản của bà con.
Tuy vậy, hiện nay mua bán đang dựa vào chữ “tín” là chính. Bài học về phụ thuộc vào Trung Quốc đã nhãn tiền, bà con cần cảnh giác để không ở vào thế bị động khi chủ hàng Trung Quốc ngừng thu mua. Câu chuyện rớt giá, hàng ứ đọng đã xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, ngay tại Quỳnh Lưu, hàng trăm tấn hải sản qua chế biến tồn kho vì tư thương Trung Quốc ngừng thu mua. Ông Nguyễn Đức Xân- Trưởng Làng nghề Phú Lợi- Quỳnh Dị băn khoăn: Làng có hơn 400 hộ chuyên sản xuất mắm, ruốc và hấp, sấy cá khô, trong đó, nghề chế biến nước mắm và hấp sấy có 320 hộ, còn nghề hấp sấy cá có khoảng 80 hộ. Phần lớn sản phẩm, đặc biệt là cá cơm, cá nục hấp sấy đang tiêu thụ chủ yếu nhờ Trung Quốc. Thế nhưng, thời điểm này vắng bóng tư thương, chính vì vậy hàng trăm tấn cá khô của Quỳnh Dị, Quỳnh Phương đang bị ứ đọng.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Tân (TX.Cửa Lò) cho hay: Tư thương Trung Quốc vào “ăn” cá tạp tại Nghi Tân chúng tôi đã cảnh báo cho bà con. Vấn đề đặt ra là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể bán hàng sang Trung Quốc thay vì bán qua các thương lái nước này. Trước mắt chúng tôi khuyến cáo người dân nên chọn những đại lý có uy tín để bán hàng.
Từ những thực tế trên, vấn đề đặt ra là cần phải có những chính sách làm sao quản lý được những thương nhân Trung Quốc đến mua nông sản, hải sản trực tiếp từ người nông dân một cách chặt chẽ hơn, tránh trường hợp tự do đi lại mua nông sản, mặt khác phải có kế hoạch dài hơi cho đầu ra sản phẩm, không quá phụ thuộc vào thị trường vốn nhiều bất trắc từ Trung Quốc.
Ông Nguyễn Tài Dũng- Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Để người dân an tâm sản xuất, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học và hỗ trợ của Nhà nước. Thế nhưng hiện nay, chúng ta chưa làm tốt mối quan hệ của 4 nhà; mô hình liên kết này vẫn ở dạng thí điểm. Chừng nào chúng ta chỉ sản xuất mà không quan tâm tới đầu ra, nâng cao năng lực chế biến, đa dạng sản phẩm sau thu hoạch cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu thì chừng đó chúng ta còn bị động, chịu thua thiệt. Về vấn đề quản lý, chính quyền địa phương cần vào cuộc, tránh hiện tượng thất thu thuế VAT cục bộ.