Giá dầu thế giới chịu "cú đấm" từ thỏa thuận Iran – P5+1

03/04/2015 15:53

Thỏa thuận khung giữa Iran và nhóm P5+1 ngày 2/4 khơi thông “nút thắt” cho hoạt động khai thác dầu mỏ của Iran, khiến giá dầu bất ngờ lao dốc.

MarketWatch dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2/4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4%. Giá dầu thô Brent của Biển Bắc giao tháng 5 giảm 2,15 USD, tương đương với 3,8%, xuống còn 54,95 USD. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ trong ngày cũng giảm thêm 0,95 USD, tương ứng với 2,0%, xuống còn 49,14 USD/thùng.

Giá dầu biến động trong phiên giao dịch 2/4
Giá dầu biến động trong phiên giao dịch 2/4

MarketWatch cũng dẫn lời chuyên gia phân tích tài chính của hãng AvaTrade, ông Naeem Aslam cho rằng, thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân giữa Iran và P5+1, sẽ mở đường cho phép Iran tăng số lượng khai thác dầu thô. “Với nguồn cung dư thừa, lẽ đương nhiên giá dầu “tuột xích” và rơi xuống nhanh chưa từng có”.

Ông Aslam đưa ra dự báo: “Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến giá loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này dễ dàng lao dốc xuống mức 30 USD/thùng”.

Hiện nay, do lệnh cấm vận, Iran chỉ có thể xuất khẩu 1 triệu thùng dầu so với 2,5 triệu thùng/ngày của thời điểm trước khi có lệnh cấm. Với tiềm năng của mình, Iran trong vòng vài tháng có thể tăng lượng xuất khẩu dầu thô thêm từ 600.000 đến 800.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, ông Bob McNally, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W. Bush, hiện là cố vấn của công ty nghiên cứu năng lượng Rapidan Group, cho rằng khả năng trên chưa thể trở thành hiện thực ngay lập tức vì các biện pháp trừng phạt kinh tế “không thể được dỡ bỏ trước cuối năm 2015, thậm chí đầu năm 2016”.

Thỏa thuận làm hài lòng số đông

Sau 8 ngày thương lượng thâu đêm, ngày 2/4 nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran. Các bên đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc ngày 30/6.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại họp báo công bố kết quả đàm phán (ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại họp báo công bố kết quả đàm phán (ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết các cuộc đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1 đã đạt được một bước đột phá đáng kể: “Những kết quả đạt được 2/4 rất quan trọng vì nó là cơ sở cho một thỏa thuận đầy đủ. Bây giờ các bên có thể bắt đầu chuẩn bị một dự thảo thỏa thuận cuối cùng với các điều khoản có liên quan, dựa trên các giải pháp mà chúng tôi đã đạt được trong vài ngày qua. Iran sẽ có thể tiếp tục chương trình hạt nhân hòa bình của mình nhưng sẽ có những hạn chế về mức độ và thời gian của chương trình làm giàu urani cũng như số lượng nguyên liệu hạt nhân được lưu trữ”.

Ngoại trưởng Iran cho biết thêm, Natanz sẽ là cơ sở duy nhất để làm giàu urani theo một thời gian biểu mà hai bên đã thống nhất. Cơ sở Fordow sẽ được chuyển đổi thành trung tâm nghiên cứu hạt nhân và nguyên tử. Lò phản ứng nước nặng Arak với sự giúp đỡ và hợp tác của quốc tế sẽ được xây dựng lại, sao cho tại đây không còn khả năng sản xuất plutoni.

Thỏa thuận khung đạt được đêm 2/4 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) sẽ hạn chế được khả năng làm giàu urani của Tehran, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này. Đó là đánh giá mà hai phát ngôn viên của cuộc đàm phán tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), là Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Zavad Zarif đưa ra sau khi ký kết thỏa thuận lịch sử chấm dứt 12 năm đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả đây là một thỏa thuận “lịch sử”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định 2/4 là một “ngày vĩ đại”. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết các bên sẽ lập tức thảo một hiệp ước toàn diện.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tỏ ra thận trọng khi tuyên bố phương Tây có thể nối lại các biện pháp trừng phạt nếu Tehran không thực hiện đầy đủ các cam kết. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng cộng đồng quốc tế “chưa bao giờ tới gần hơn một thỏa thuận ngăn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân như bây giờ”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc là sự công nhận quyền phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran. Moscow cũng đánh giá thỏa thuận này sẽ có tác động tích cực tới tình hình chính trị Trung Đông đang có nhiều căng thẳng.

Nhưng… làm mất lòng một số quốc gia dầu mỏ

Theo các nhà phân tích, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đối mặt thâm hụt hàng trăm tỷ USD từ Thỏa thuận hạt nhân Iran. Dự báo của Business Insider trước thời điểm Thỏa thuận khung Iran – P5+1 được thông qua, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Arab thâm hụt ngân sách ít nhất là 122 tỷ USD trong năm 2015.

Một cơ sở lọc dầu (ảnh: AFP)
Một cơ sở lọc dầu (ảnh: AFP)

Con số này dựa trên tình hình giá dầu trên dưới 49 USD/thùng cũng như khả năng duy trì mức giá này, để không bị tụt xuống sâu hơn nữa ít nhất trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, trước thông tin mà chuyên gia phân tích tài chính Naeem Aslam đưa ra: khả năng giá dầu còn xuống tới 30 USD/thùng thì thiệt hại với các nước vùng Vịnh còn “kinh khủng” hơn nhiều.

Giá dầu bắt đầu giảm từ mức 100 USD/thùng kể từ tháng 6/2014 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sản lượng dư thừa khi công nghệ khai thác khí đá phiến của Mỹ bùng nổ và nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm sút. Giá dầu tiếp tục đà rơi tự do kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác hồi tháng 11/2014. Ngày 26/3, sau thời điểm các nước Arab tiến hành không kích ở Yemen, giá dầu đột ngột tăng vọt tới 6%, ở mức trên 51 USD/thùng.

Nhà phân tích kinh tế chính trị thế giới Tyler Richey có phân tích ngắn trên trang7:00’s Report: Việc đưa Thỏa thuận khung này đi đúng hướng hay nói cách khác là bảo vệ nó sẽ không đơn giản ở ngay chính cộng đồng các quốc gia Vùng Vịnh lắm dầu mỏ, khi bản thân Iran vốn là một quốc gia còn phải đối mặt với sự hiềm khích của một số nước đầu tàu OPEC. Không chỉ thế, về phía Mỹ, Tổng thống Obama sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thỏa thuận này trước sự đe dọa phá hoại của Đảng Cộng hòa./.

Theo VOV

Mới nhất

x
Giá dầu thế giới chịu "cú đấm" từ thỏa thuận Iran – P5+1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO