Gia đình biển đảo

27/06/2014 18:16

(Baonghean) - Tôi tạm gọi như vậy đối với những gia đình có thành viên đã hoặc đang đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, Hoàng Sa, như cái cách mà những người trong khu phố tôi ở vẫn gọi các gia đình có chồng, cha, hoặc con thường xuyên phải xa tổ ấm gia đình của mình để tham gia canh giữ biển đảo Tổ quốc nơi muôn trùng sóng gió. Dường như, mỗi lần có họp hành, hội nghị, hoặc trong sinh hoạt thường nhật, mỗi khi nhắc đến “gia đình biển đảo”, từ các cụ già đến các em nhỏ ở khu phố tôi đều hướng về họ bằng sự trìu mến, ghi nhận và trân trọng!

Trao quà cho gia đình cán, bố chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa
Lãnh đạo TX Hoàng Mai trao quà cho gia đình cán bộ chiến sỹ đang công tác tại Trường Sa. Ảnh: T.N

Những ngày này, nhất là từ đầu tháng 5/2014, khi có thông tin phía Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 và kéo đội quân tàu biển các loại vào vùng biển Việt Nam, hình ảnh và hoạt động của cán bộ chiến sĩ Trường Sa và Hoàng Sa, của cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân Việt Nam trở nên đậm nét và dày đặc hơn lúc nào hết trên phương tiện thông tin truyền thông, thì tình cảm của mọi người dành cho các “gia đình biển đảo” càng sâu đậm hơn. Lúc này, mọi người mới có dịp nhìn rõ hơn, thấu hiểu hơn hoàn cảnh, nhiệm vụ và công việc của những người trực tiếp gánh vác trách nhiệm canh giữ bảo vệ biển đảo. Và cũng từ đó, như một lẽ tự nhiên, mỗi người cũng dành nhiều hơn tình cảm, sự sẻ chia, cảm thông đối với gia đình biển đảo. Chính thời gian này, mọi người đều hiểu hơn rằng các gia đình biển đảo không chỉ phải sống trong hoàn cảnh xa cách, thiếu thốn về tình cảm, hơi ấm, sự gần gũi đời thường, mà hơn thế, chồng, cha hoặc con của gia đình biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió thầm lặng gánh chịu những vất vả, gian lao, đối mặt với mọi hiểm nguy, bất trắc. Trước sự hung hăng, khiêu khích ngang ngược của kẻ thù, họ không chỉ phải mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, mà còn phải biết chịu đựng, nhẫn nhịn, kiềm chế...

Chưa lúc nào, hình ảnh cuộc sống và chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đang có mặt tại biển đảo để đấu tranh đẩy đuổi ý đồ và hành động xâm lược, lại hiện lên một cách đậm nét với nhiều nét đẹp, nhiều phẩm chất cao quý, hội tụ và kết tinh nhiều phẩm chất tốt đẹp của cả dân tộc như bây giờ. Nếu trong thế kỷ XX, lúc hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”, “Cả nước thi đua giết giặc Mỹ”, thì sự hy sinh, chịu đựng thiệt thòi và mất mát chia đều cho mỗi nhà, mỗi người, cả dân tộc và toàn dân phải gánh chịu. Còn bây giờ, trong bối cảnh vừa kiên quyết đấu tranh vừa phải giữ vững môi trường hòa bình; vừa thực hiện bằng được nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất, tấc biển, tấc đảo, vừa phải đảm bảo cho mọi mặt đời sống diễn ra một cách bình thường, tốt đẹp, ổn định và phát triển... thì tất yếu sẽ có sự song hành của những căng thẳng, cam go, thử thách có lúc đến cao độ, quyết liệt ở nơi biển đảo, đồng thời diễn ra với cuộc sống bình yên, ấm áp, thảnh thơi trong những ngôi nhà, những tổ ấm... từ phố thị đến vùng làng mạc thôn dã. Do đó, sẽ không tránh khỏi những cảnh, những sự khác nhau giữa các gia đình bình thường và gia đình biển đảo. Tuy nhiên, đó không phải là nghịch cảnh, là sự đối lập, đó là sự vượt lên để chấp nhận, chịu đựng, vì những điều cao cả, lớn lao, do đó gia đình biển đảo xứng đáng nhận được sự quan tâm, sẻ chia, và ghi nhận. Những tổ ấm gia đình được sum họp vui vầy, được sống gần gũi để trực tiếp chăm sóc lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ với gia đình, vừa thụ hưởng các quyền lợi từ gia đình, chắc chắn cũng thấu hiểu hơn, cảm thông hơn, và biết ơn những thiệt thòi, thiếu vắng mà gia đình biển đảo đang trải qua.

Đã có rất nhiều những hình ảnh cảm động về các hoạt động thể hiện sự quan tâm, tri ân với các gia đình biển đảo của các cấp, của các tổ chức và cá nhân, và chắc chắn hoạt động này cần trở thành một việc làm thường xuyên, ổn định và hiệu quả hơn. Bởi sự bù đắp để lấp đầy khoảng cách, sự khác nhau trong hoàn cảnh của các gia đình bình thường và gia đình biển đảo luôn rất cần thiết và là việc làm hợp đạo lý. Việc tuyên truyền, nhân lên sự quan tâm, chia sẻ với các gia đình biển đảo là một nội dung quan trọng, cần thiết để khơi dậy ý thức chung sức chung lòng vì quê hương, vì đất nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Hậu phương vững chắc thì nơi hải đảo các cán bộ, chiến sĩ, ngư dân sẽ an tâm, vững vàng, mưu trí và gan dạ để đấu tranh và giành thắng lợi trong cuộc chiến vốn nhiều khó khăn, đầy thử thách, không dễ giải quyết trong ngày một ngày hai.

Mặt khác, ai cũng hiểu nơi đất liền mọi mặt của cuộc sống vẫn phải diễn ra, vẫn phải học tập, lao động và sáng tạo, vẫn phải sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ. Thậm chí các mặt đó đều phải làm tốt hơn để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển ổn định và bền vững, đặc biệt là phải vươn lên thoát khỏi mọi sự lệ thuộc về kinh tế và văn hóa từ bên ngoài. Các quy luật thị trường, quy luật phát triển xã hội vẫn phải được duy trì và bảo đảm để tạo động lực, tiềm lực và sức mạnh, là cơ sở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tốt hơn... Đó là điều các thành viên trong xã hội cần ý thức rõ để thực hiện tốt, đồng thời có trách nhiệm tuyên truyền để các gia đình biển đảo hoàn toàn yên tâm, thấu hiểu để tiếp tục động viên các thành viên trong gia đình vươn lên để xứng đáng với sự ghi nhận, trân trọng của mọi người!

Ngô Kiên

Mới nhất
x
Gia đình biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO