Gia đình - Tổ quốc

(Baonghean) - Mấy mươi năm đi qua, biết bao khúc thăng trầm địch họa thiên tai… Tôi vẫn hình dung đất nước như gia đình tôi xưa trong mái nhà tranh vách đất.

Đất nước tôi là thuở ông bà ngựa đá kinh thành cũng lấm bùn lấm đất, là làng xóm tôi đầy bóng giặc, du kích nằm hầm dưới những rặng tre.

Đất nước là ngày xưa mấy anh chị em tôi như lũ chó con chui rúc trong cái ổ rơm mẹ trải dưới nền nhà. Tất cả cứ tranh nhau co kéo tấm chăn đơn vá chằng vá đụp để đi qua những mùa đông giá rét. Cha tôi là người lính một đời biền biệt chiến trường xa, mẹ tôi nhu mì nền nã quanh năm suốt tháng như thân cò cõng nắng đội mưa nơi đồng sâu ruộng cạn. Chẳng thể nghĩ được gì hơn ngoài miếng cơm manh áo cho lũ con trông đợi từng ngày mà nào đã đủ, đồng đất phì nhiêu chiêm mùa đôi vụ mà vẫn rau cháo qua ngày những khi giáp hạt.

Rồi lại tiếp chiến tranh, những ngày ngồi ngoài hiên nhà đếm những chùm bom từ những chiếc máy bay phản lực thả xuống, lửa ngút trời từ phía những đoàn tàu. Đêm đêm lại thích thú rủ nhau cùng ngắm những luồng đạn pháo cao xạ bắn lên bầu trời đỏ như những chùm hoa cải. Rồi bộ đội về làng tạm dừng chân trên những chặng hành quân, nhà đã chật nhưng mẹ tôi vẫn dồn cả lũ con vào một chỗ để dành cho một tiểu đội ở nhờ. Hình ảnh người lính ngày xa ấy cứ oai phong và thân thiện như những thần tượng trong cái đầu thơ bé của tôi.
Minh họa:  Hồng Toại
Minh họa: Hồng Toại
Tuổi thơ tôi là những năm tháng mò cua bắt cá, lưng trâu trở thành bàn học có khi còn là giường ngủ, quanh năm quần một chiếc áo một manh, chân đất, đầu đội mũ rơm, một năm học phải chục lần chuyển chỗ, nay ngồi trong lớp mai có thể trong hầm hoặc có thể nhà dân. Mỗi giờ học hai ba lần phải nhảy xuống hào chạy ra hầm trú ẩn, có những lớp học trúng bom cả cô giáo và học sinh chết không sót một người, những tấm bia căm thù mỗi ngày lại được dựng thêm.
Năm tháng đi qua dẫu mẹ cha có nghèo nàn lũ chúng tôi vẫn khôn lớn trưởng thành. Chị tôi đi lấy chồng, anh tôi vào lính rồi hy sinh. Anh em tôi rồi cũng mỗi người có một gia đình, có một cõi riêng, có kẻ sang giàu, có người nghèo khó, kẻ đi xa người ở gần.
Thế rồi chiến tranh cũng đã qua, đất nước yên hàn, nơi nơi thay đổi, cuộc sống xóm làng ai nấy khá lên, gia đình tôi cũng không còn nghèo đói. Dù có khi mặn nhạt, dù có lúc đủ đầy, có đận điêu linh nhưng mỗi khi vui buồn lễ tết hoặc ma chay hiếu hỉ thì dù đang còn hờn dỗi, dù có đang chạnh chọe với nhau nhưng ai nấy vẫn tụ về. Bàn thờ tổ tiên luôn là một hướng niệm về của cháu con đối với ông bà tiên tổ, cũng từ nơi ấy mà anh em mỗi người một chốn song vẫn luôn biết giữ gìn rường cột gia phong, có thứ có ngôi, có trên có dưới. Người khá giả biết giúp người thiếu thốn tạo nên cuộc sống hài hòa, trên bảo dưới nghe. Đất đai hương hỏa cha ông để lại anh em chia nhau có thể người hơn người thiệt, có thể nặng nhẹ bất đồng nhưng hàng xóm lấn sang dù một tấc cũng không nhường được, đấy là xương máu tổ tiên làm sao có thể bỏ đi.
Gia đình lớn của tôi bây giờ đã thành những gia đình nhỏ nhưng chỉ một nơi để tất cả hướng về đó chính là tiên tổ, là gia phong, là nếp nhà không thể có gì so sánh và đánh đổi. Tôi chả nghĩ được những điều cao siêu xa lắc. Tôi chỉ mong Tổ quốc tôi như một gia đình.
Trịnh Đình Nghi

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.