Gia đình Việt ít nhiều biến đổi, nhưng đúng quỹ đạo

27/06/2012 17:50

Trải qua những đổi thay của cuộc sống, gia đình của người Việt đã được hiện đại hóa. Ở không ít gia đình, một số...

Trải qua những đổi thay của cuộc sống, gia đình của người Việt đã được hiện đại hóa. Ở không ít gia đình, một số chức năng giáo dục ít nhiều đã thay đổi. Dẫu có vậy, gia đình của chúng ta vẫn giữ được cái hồn cốt của gia đình Á Đông đó là trọng lễ nghĩa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau… PGS.TS Trịnh Hòa Bình - GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện KH & XH Việt Nam) đã khẳng định như vậy trong cuộc trò truyện với Đại Đoàn Kết nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6.



Hạnh phúc giản dị của một gia đình trên đảo Song Tử Tây -
quần đảo Trường Sa - Việt Nam. Ảnh: Hoàng Long



PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Cuộc sống là dòng chảy không ngừng, trong dòng chảy ấy, những gia đình Á Đông như Việt Nam cũng ít nhiều biến đổi. Theo ông, điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa gia đình truyền thống và hiện đại là gì?

Cuộc sống đã có những đổi thay và gia đình của những người Việt truyền thống đã không nằm ngoài quy luật chung đó. Thứ nhất, về cấu trúc gia đình, nếu trước đây gia đình Việt có rất nhiều thế hệ tam tứ đại đồng đường (ba bốn thế hệ cùng sống chung một mái nhà) thì giờ đây đa số là những gia đình hạt nhân (chỉ có hai thế hệ cùng chung sống). Về chất lượng gia đình có nhiều tiến bộ hơn trước, chẳng hạn cái gọi là gia đình gia trưởng đã giảm đi rất nhiều, bình đẳng về giới đạt được rất nhiều kết quả quan trọng. Về hàm lượng trí tuệ trong các gia đình đã tăng lên rõ rệt. Rõ ràng, khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường có một thực tế đó là sự trao đổi, tăng cường học vấn tri thức trong các gia đình của chúng ta tốt hơn trước… Đây là những điểm nhấn khiến gia đình của chúng ta khác hẳn gia đình chung của thiên hạ.

Ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này không, tại sao gia đình của những người Việt lại không giống "gia đình chung của thiên hạ”?

Theo cảnh báo của một số nhà xã hội học danh tiếng trên thế giới, sẽ có sự đổ vỡ, băng hoại của gia đình trong tương lai. Theo cảnh báo này, gia đình sẽ phát triển ra nhiều thứ quái chiêu, quái đản khác hẳn mô hình gia đình thông thường. Sẽ không dừng lại ở những gia đình khuyết thiếu mà ở đó chỉ có chồng hoặc vợ đơn thân nuôi con mà thậm chí còn tiến tới gia đình dị giới, đồng giới… Thậm chí, khái niệm gia đình trong tương lai méo mó tới mức chỉ có 1 người cũng gọi là gia đình, vì bản thân nó không muốn kết nạp thêm thành viên khác nữa. Tóm lại, xu hướng của gia đình của nhiều nước trên thế giới rất loạn nhịp. Để xảy ra tình trạng này là bởi các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình ngày một lỏng lẻo, vì cái cá nhân được giải phóng thổi phồng đến mức chúng ta không thể cắt nghĩa được.

Hiện tại, thế giới đã xuất hiện những gia đình khi mà dịch sang tiếng Việt không có một khái niệm nào giải thích được nội hàm của nó. Đó là những gia đình "sống riêng cùng nhau” khi mà rất nhiều người không biết có phải là vợ chồng không, nhưng có những giai đoạn nào đó trong 1 năm họ lại dọn đến ở với nhau rồi thực hiện những hành vi, những trách phận y hệt như 1 gia đình hoàn chỉnh. Để rồi sau đó họ lại giải tán mà không có bất kỳ sự chung đụng về kinh tế, quan hệ, thậm chí con cái mang họ ai cũng không thành vấn đề… Trên thế giới đã có những mô hình như thế, trong khi ở ta có thể xem là chúng ta chưa có loại gia đình đó. Thực tế xã hội chúng ta cũng có những gia đình được dựng lên theo kiểu hôn nhân sống thử. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một thứ luyến ái ngoài luồng không ai xếp nó vào thành mô hình gia đình. Hay đã xuất hiện một số bà mẹ sống đơn thân tự nuôi con một mình nhưng số đó cũng chưa nhiều. Có thể nói, mô hình gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức do có sự thay đổi, nhưng so với thế giới còn khá lành mạnh.

Sở dĩ còn một số người cho rằng họ không cảm thấy hạnh phúc và thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình là bởi gia đình Việt Nam đã và đang chịu sự biến đổi của kinh tế thị trường. Có một điều chúng ta dễ dàng nhận ra đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã lỏng lẻo, thậm chí sẽ lỏng lẻo hơn trước. Đó là sự công phá của kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa với nước ngoài trong trào lưu hội nhập mở cửa…

Vậy vì lý do gì khiến gia đình Việt không "chảy” chệch hướng theo xu hướng của các gia đình hiện đại trên thế giới?

Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan trong quá trình hội nhập và vẫn giữ được những truyền thống quý báu của gia đình Việt là bởi Việt Nam vốn theo truyền thống phương Đông trọng đạo nghĩa. Ở trong những gia đình Việt luôn có sự ấm áp, những giá trị truyền thống nhân bản của dân tộc được bảo lưu, phát huy. Chính những điều này đã giữ được con người không sơ sẩy, không để diễn ra những thứ quái chiêu, dị biệt. Qua quá trình phân tích cho thấy, con người Âu - Mỹ duy lý đến mức tuyệt đích. Họ đưa cả lý thuyết sơ cứng vào trong gia đình. Những cái lý đó quy trách nhiệm rất rõ ràng cho từng thành viên, điều đó thiếu đi những sợi dây tình cảm buộc các thành viên trong gia đình xích lại với nhau… Chúng ta đều ý thức rằng trong gia đình không thể chỉ bàn đến trách nhiệm mà phải bàn đến quyền: quyền được yêu thương, chăm sóc - điều này luôn có trong những gia đình Á Đông.

Liệu ông có quá lạc quan về mô hình gia đình của chúng ta hay không trong khi rất nhiều người than phiền rằng họ không hạnh phúc, họ đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình? Vậy nghĩa của cụm từ hạnh phúc gia đình ở đây nên được hiểu thế nào?

Theo Chiến lược quốc gia về gia đình, đến 2020 gia đình Việt Nam phải là gia đình ít con, có cuộc sống đầy đủ, con cái được học hành… Nếu hiểu hạnh phúc theo nghĩa này thì nó có nghĩa là con người có tri thức, sống đầy đủ hơn… Tuy nhiên, nếu xét ở phương diện khi mà nhu cầu cá nhân hóa mạnh mẽ hơn, yêu cầu thỏa mãn những nhu cầu bình thường của đời sống trở nên mãnh liệt hơn trước thì chắc chắn chiếc "áo cũ” - khái niệm hạnh phúc trước đây sẽ trở nên chật hẹp. Sở dĩ còn một số người cho rằng họ không cảm thấy hạnh phúc và thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình là bởi gia đình Việt Nam đã đang chịu sự biến đổi của kinh tế thị trường. Có một điều chúng ta dễ dàng nhận ra đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã lỏng lẻo, thậm chí sẽ lỏng lẻo hơn trước. Đó là sự công phạt của kinh tế thị trường, sự giao thoa văn hóa với nước ngoài trong trào lưu hội nhập mở cửa… Đó là mặt trái nhưng tôi đã khẳng định, gia đình Việt có những biến đổi nhưng vẫn theo đúng quỹ đạo.

Một số chức năng của gia đình đã suy giảm

Có một thực tế mà ai trong số chúng ta cũng có thể cảm nhận được đó là một số chức năng của gia đình đã bị suy giảm, chẳng hạn chức năng giáo dục các thành viên trong gia đình đã bị các thành viên chính trong gia đình phó mặc cho nhà trường và các thiết chế xã hội khác?

Cái đó tạm gọi là cái "hơn” của gia đình hiện đại, dù so với thế giới sự suy giảm của chức năng này ở gia đình Việt chưa đến mức báo động. Như tôi đã nói ở trên, gia đình Việt hòa chung dòng chảy của thế giới tất nhiên cũng chịu tác động và có sự biến đổi. Có nhiều lý do khiến mối quan hệ của các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo vì các thành viên chính đang gắng gỏi kiếm thật nhiều tiền. Đó là nguyên nhân chính khiến sự quan tâm của họ đến gia đình giảm sút. Tuy nhiên, cũng có những lý do khác chủ quan hơn đó là không ít thành viên chính trong gia đình đã mải mê chạy theo các giá trị ảo. Cái mà chúng ta cần phê phán là hầu hết các gia đình mặc định chức năng giáo dục con em mình cho nhà trường và các thiết chế xã hội khác. Họ nghĩ rằng cho con đủ tiền là hoàn thành trách nhiệm rồi. Tôi xem đó là một thứ lệch lạc. Cái lệch lạc đó xuất phát lắm khi rất hồn nhiên là cha mẹ vẫn kiểm soát được con cái nhưng chúng đã thay đổi từ lúc nào mà họ không biết. Nhưng cái gốc của vấn đề khiến các gia đình phát triển chệch hướng đó là họ quá để ý đến cái tôi cá nhân, quên đi trách nhiệm với tổ ấm của mình. Nếu những người trong gia đình quá đề cao cái tôi cá nhân để thỏa mãn nhu cầu của riêng lẻ từng người thì rất nhiều chức năng của gia đình sẽ bị suy giảm chứ không riêng gì giáo dục.

Không chỉ giáo dục mà một số chức năng khác của gia đình đã bị suy giảm, liệu điều này có đáng lo ngại hay không khi mà trong xã hội đã xuất hiện một số hành vi khá tiêu cực? Chúng ta cần có hành động mang tính cảnh báo để tránh những đổ vỡ không đáng có?

Cảnh báo là tốt, là cần thiết. Hiện nay, chúng ta đối mặt nhiều thách thức cả mặt kinh tế lẫn xã hội. Chẳng hạn các mục tiêu kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội khó đạt, nhiều vấn đề đất đai chưa giải tỏa được… làm gia tăng ẩn ức. Giờ một số người ra ngoài đường dễ bị kích động, thậm chí người ta còn mang vũ khí nóng trong người cho phép mình thiết lập 1 trật tự mới… Điều này có nguồn cơn từ sức khỏe của xã hội, của nền kinh tế. Tôi cho rằng, nếu những tế bào của xã hội làm trọn những chức năng của mình, mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Không có chỗ cho cái tôi tuyệt đích

Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về gia đình Việt bởi đã có Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam rất đúng, trúng nếu được thực hiện tốt. Vấn đề còn lại là làm sao phổ quát được và đưa nó vào cuộc sống mà không phải là những văn bản sơ cứng.

Nhưng nếu chúng ta cứ suốt ngày sống cho người khác theo những đạo lý trước đây như kiểu tam tòng, tứ đức thì liệu các thành viên trong gia đình có hạnh phúc? Theo nguyên lý, khi các nhu cầu cá nhân được giải phóng đó mới là hạnh phúc?

Cái gì cũng có 2 mặt, giải phóng nhu cầu cá nhân là rất tốt nhưng đừng đòi hỏi một cái tôi tuyệt đích. Ta nói gia đình là bến cảng bình yên, là nơi chia sẻ cho những tâm hồn. Dù trong bữa ăn vẫn có lời mắng mỏ, có lời dạy bảo… người nghe bực dọc đấy nhưng vẫn nồng đượm tình yêu thương thắm thiết của các thành viên trong gia đình. Nếu ở một gia đình, chính những điều đó không tồn tại, mọi người chỉ biết đến cái tôi vị kỷ thì nó sẽ trở thành dị biệt và biến thành những thứ quái chiêu. Tôi rất ủng hộ cái tôi cá nhân cần giải phóng nhưng nó phải chung sống hòa thuận với ta.

Làm thế nào để dung hòa cái tôi và ta trong gia đình hiện nay để tất cả các thành viên trong gia đình đều thấy họ có khoảng trời riêng nhưng không trái với quỹ đạo của gia đình truyền thống thưa ông?

Phải thắp lửa trở lại trong các gia đình thôi. Đây là nhiệm vụ của các thành viên chính trong gia đình. Chúng ta phải khôi phục lại những chức năng đã bị suy giảm. Quan trọng là ở các thành viên chính trong gia đình phải luôn làm được điều này để giữ lửa cho gia đình họ. Nếu tất cả thành viên trong gia đình đều hiểu, thông cảm cho nhau, đối xử với nhau bằng tình yêu thương, mọi nút thắt sẽ được giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!


Theo Đaiđoanket - MD

Mới nhất
x
Gia đình Việt ít nhiều biến đổi, nhưng đúng quỹ đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO