Giá gốc ụ nổi chỉ 2,3 triệu USD
Sáng nay 29/4, phiên xử phúc thẩm vụ án Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Cty Hàng hải Việt Nam sang ngày xét xử thứ 6.
Bị cáo Trần Hải Sơn |
TIN LIÊN QUAN |
---|
8h00', tòa tiếp tục công bố tài liệu mới nhận được từ Nga chuyển sang Việt Nam chiều 28/4. Trong đó có kết quả điều tra tại Nga. Toà nhận được tài liệu xác minh tại Nakhodka (Nga), do phòng Nội vụ tại Nakhodka, một nhân chứng và một biên bản thẩm vấn nhân chứng khác, một kết quả điều tra tại Công ty Nakhodka và Công ty AP và các Cty khác năm 2007-2008, một giấy chứng nhận ghi vào đăng ký pháp nhân đối với công ty cổ phần Nakhodka của Nga; hợp đồng Nakhodka và AP, thuế liên quan mua bán, bản ghi nhớ hợp đồng mua ụ nổi; bảng tính toán theo hợp đồng mua bán giữa AP và Nakhodka theo đó tính 2,3 triệu USD, giấy chứng nhận xoá đăng kiểm tàu Nakhodka, biên bản kiểm tra chi tiết hàng hoá…
Cty Nakhodka khẳng định nhân chứng người Nga không phải là người của cty này. Ông A - na – vic, Tổng giám đốc Cty Nakhodka khẳng định không biết gì về việc thỏa thuận số tiền 1,666 triệu USD. Giá quyết toán ụ nổi là khoảng 20 triệu rúp (tương đương 2,3 triệu USD) nhận tiền mua vào tháng 7/2008. Người đại diện bên mua và ký hợp đồng là ông Goh (Cty AP, Singapore). Liên quan đến các chứng từ mua bán thì ông này không cung cấp do hết thời gian quy định lưu giữ.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy băn khoăn tính xác thực của văn bản, bởi nhiều văn bản không có chứng thực, không có bản gốc. “Nếu tòa có bản gốc để gửi cho luật sư thì tôi cam đoan với tòa tôi sẽ dịch được, vì 10 năm tôi ở Nga và nói tiếng Nga không khác gì tiếng Việt Nam cả”.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị, HĐXX xem xét điều 24 Luật Tương trợ tư pháp về mặt hợp thức hóa tài liệu được trao đổi giữa 2 quốc gia. Các tài liệu này không thỏa mãn dấu hiệu đầu tiên về hình thức nên không được sử dụng làm chứng cứ.
Luật sư Trần Đình Triển đề nghị: "HĐXX phải có bản gốc tiếng Nga để đối chiếu.
VKSNDTC Nga chuyển tài liệu này từ ngày 12/3/2014 kàm theo bản khai của ông Aprikhodka tức là tài liệu này có từ rất lâu, dù tài liệu này có lợi cho thân chủ của tôi, đó là ông Dũng không liên hệ gì đến Nga nhưng tôi vẫn đề nghị HĐXX xem xét".
Luật sư Nguyễn Huy Được cho rằng tất cả hợp thức hóa phải được dịch tại cơ quan lãnh sự Việt Nam, tài liệu này không có giá trị xem xét như chứng cứ dù tài liệu này có lợi hay bất lợi cho các bị cáo.
Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị HĐXX triệu tập 1 số người nước ngoài liên quan đến vụ án.
Chủ tọa thẩm phán Nguyễn Văn Sơn nêu rõ: Tài liệu này do VKSNDTC chuyển cho tòa nên đề nghị VKSNDTC làm rõ tính hợp pháp của tài liệu.
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa cho biết: Tài liệu này do Vụ 1B chuyển sang Viện phúc thẩm và được chuyển cho HĐXX chiều 28/4. Còn việc luật sư cho rằng phải phô tô bản gốc kèm theo bản dịch thì sẽ phô tô. VKS cho rằng các tài liệu này đã đủ tính hợp pháp. Quan điểm của VKS là nếu không đủ chứng cứ để buộc tội các bị cáo phạm tội tham ô thì VKS không thể truy tố các bị cáo về tội này.
8h50’, trả lời HĐXX về việc khi đưa tiền cho Phúc, Dũng đều có lái xe Quỳnh đưa đi thì Cty ký hợp đồng lao động mấy tháng với Quỳnh, bị cáo Trần Hải Sơn khai bị cáo có ký hợp đồng lao động 6 tháng đối với anh Quỳnh.
Tại tòa đại diện giám định viên Bộ Tài chính, ông Trần Thái Sơn cho biết: chúng tôi chỉ xem xét làm theo yêu cầu giám định, còn thiệt hại của việc mua ụ nổi trước tiên phải giám định xem ụ nổi còn được 2,3 triệu USD như giá bán của Cty Nakhodka cho Cty môi giới Nga và Cty AP, sau đó Cty AP mới bán cho Vinalines giá 9 triệu USD. Tạm thời chúng tôi vẫn tính ụ nổi là 2,3 triệu USD, công thêm tiền lai dắt,... Tổng số thiệt hại là gần 367 tỷ đồng.
"Trong thành phần giám định ụ 83M là tàu hay ụ thiếu giám định của Bộ GTVT thì do cơ quan công an nếu thấy cần thiết thì yêu cầu tham gia, còn tổ giám định chúng tôi đã có 5 người đại diện cho 5 bộ ngành đủ năng lực để giám định thiệt hại của ụ 83M. Và đến nay cách hiểu khác nhau về ụ hay tàu nhưng đối với chúng tôi thì tôi vấn căn cứ vào Công ước HS" - ông Trần Thái Sơn nói.
Ông Trần Thái Sơn ví dụ: “Dứt khoát tên mã số và hàng hóa phải đồng nhất với nhau. Nếu bây giờ trả lại ụ nổi cho Nga mà ghi là tàu thì dứt khoát sẽ không được nước ngoài công nhận, vì Công ước HS có tính pháp lý quốc tế”.
Đại diện ngân hàng Maritime Bank cho biết về việc rà soát rút tiền mặt bằng chứng minh thư của Trần Hải Sơn: "Từ chiều tối hôm qua ngân hàng đã huy động những người tốt nhất để tìm các giao dịch liên quan đến ông Trần Hải Sơn nhưng không xác định được giao dịch nào liên quan đến ông Sơn trong năm 2008, đề nghị HĐXX cho thêm thời gian để ngân hàng tiếp tục tìm kiếm trong phần mềm và trong giấy tờ.
Tại Ngân hàng Hàng hải thì khi giao dịch rút tiền đi không buộc phải ghi chứng minh thư, nhưng phía nhận tiền thì buộc phải có. Khoảng năm 2008 có lưu trữ tài liệu nhưng nếu không tìm thấy trên phần mềm thì khó tìm được trên giấy".
9h25’ sáng 29/4, phiên tòa phúc thẩm vụ án Vinalines chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm về vụ án:
Đối với vấn đề luật sư Triển xuất trình vé máy bay của Dương Chí Dũng và cho rằng Dũng chưa vào TP Hồ Chí Minh được nên không có việc Sơn đưa tiền cho Dũng, phía VKS cho rằng việc này Sơn đã khai là khoảng thời gian 18 giờ thì trước hoặc sau chứ không ấn định cụ thể 18h. Vé máy bay của Dũng là 15h thì thời gian vào tới TP Hồ Chí Minh sẽ trùng khoảng thời gian này.
Về hợp đồng lao động của anh Quỳnh, luật sư xuất trình hợp đồng lao động vào tháng 9/2008 là vì Cty thành lập từ tháng 3/2008, do điều kiện khó khăn nên Cty ký nhiều hợp đồng, trong khi đó luật sư chỉ đưa ra được 1 bản hợp đồng thì không thể khẳng định được trước đó Quỳnh đã làm lái xe của Cty hay chưa.
Còn việc văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho việc chỉ định thầu cho Vinalines là đúng nhưng không liên quan đến việc mua ụ nổi vì văn bản này có sau khi Vinalines đã giao dịch và mua xong ụ 83M.
Về việc giao dịch rút tiền của Trần Hải Sơn, Ngân Hàng hàng hải Việt Nam đã có văn bản trả lời chính thức là chưa tìm thấy giao dịch rút tiền mặt bằng chứng minh thư nên chưa thể trả lời là có hay không.
Về thư chào giá của Cty AP đối với ông Trung thì ông Trung khai là không liên quan đến việc này.
HĐXX nhận được kết quả theo luật tương trợ tư pháp thì đây là tài liệu của VKS nhận được từ VKSDNTC Nga. VKS khẳng định tài liệu này là hợp pháp.VKS khẳng định có đầy đủ chứng cứ để buộc tội các bị cáo phạm tội Tham ô tài sản 1,666 triệu USD. Qua xét hỏi thêm tại tòa đã không làm thay đổi bản chất sự thật vụ án, không làm thay đổi nội dụng gì nên VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với các bị cáo tại phiên phúc thẩm.
9h45’, bị cáo Mai Văn Phúc đề nghị HĐXX xem xét việc Sơn khai đưa tiền cho bị cáo ở gian giữa thì nhà bị cáo không có ngăn phòng, còn việc Chiều khai: “Sơn bảo việc này em đã báo cáo anh Dũng và anh Phúc rồi bác cứ để em làm” thì đây mới chỉ nghe Sơn nói không có bằng chứng thể hiện việc bị cáo chỉ đạo gì trong việc mua ụ 83M. Chính Sơn mới là người tự thỏa thuận trong việc mua ụ 83M.
9h52’, bị cáo Trần Hữu Chiều đề nghị HĐXX xem xét việc Cty AP đã 2 lần nhận tiền của bên bán. Trang 44 của bản án sơ thẩm thể hiện ngày 18/6/2008, sau 5 ngày thanh toán xong tiền ụ 83M Cty AP và Cty Phú Hà đã dùng hóa đơn xuất nhập khẩu để nhận 1,666 triệu USD, anh Sơn khai là lập hợp đồng khống để nhận tiền thì sau khi nhận chỉ cần Cty Phú Hà làm bản thanh lý hợp đồng là được nhưng Cty Phú Hà lại 6 lần xuất hóa đơn là không phù hợp.
Cơ quan điều tra căn cứ 4 quy định để khẳng định ụ là tàu, còn Bộ Giao thông đã khẳng định ụ 83M là ụ nổi chứ không phải là tàu.
Bị cáo Mai Văn Khang đề nghị việc C48 loại bỏ hành vi phạm tội cố ý làm trái nhưng VKS cho rằng để buộc tội bị cáo thì VKS căn cứ vào nhiều chứng cứ khác.
Các bị cáo còn lại không có ý kiến gì thêm.
10h00 phút, Sau khi hỏi bị cáo Sơn, tòa tiếp tục hỏi bị cáo Khang: Bị cáo Khang có ý kiến gì tranh luận bổ sung gì thêm không?
Bị cáo Khang: Dạ có. Thưa HĐXX, sau khi nghe kết luận của VKS, bị cáo vẫn thấy rằng VKS không làm rõ được hành vi của bị cáo. Với bị cáo thì không có gì mới, vẫn là kết luận như vậy.
Thưa HĐXX, đến giờ phút này thì VKS vẫn chưa đưa ra được rằng bị cáo có hành vi làm trái ở chỗ nào. Bị cáo có đủ bằng chứng chỉ ra rằng, hành vi của bị cáo là vô tình làm sai chứ không cố ý, cố tình làm trái.
Tòa hỏi: Bị cáo Dương có ý kiến gì bổ sung không?
Bị cáo Dương: Bị cáo không.
10h05 phút, Các luật sư nêu ý kiến bổ sung về bản kết luận mới của đại diện VKS. Luật sư Thủy: Tôi băn khoăn rằng tại sao phần bổ sung chỉ có 1 vị đại diện VKS, vị còn lại vắng mặt. Như vậy thì có hợp pháp hay không?
Luật sư Thủy cho rằng: Việc anh Quỳnh lái xe cho Sơn, được Tòa sơ thẩm cho là người chứng kiến sự kiện đưa tiền. Việc này HĐXX cần thẩm định lại, lấy lại lời khai của anh Quỳnh để làm rõ hành vi lái xe đưa bị cáo Sơn đi đưa tiền. Cho đến giờ phút này, vị đại diện của Ngân hàng Hàng hải cũng chưa đưa ra được các giấy tờ, chứng từ cho thấy bị cáo Sơn rút tiền tại ngân hàng này.
Tiếp theo, luật sư Thủy nêu quan điểm về các tài liệu mới từ phía Nga cung cấp. Các tài liệu này cũng mới chỉ ra được một phần của vụ án. Chúng ta cần làm rõ có sự thỏa thuận giữa công ty GS và công ty AP về việc ăn chia tiền hoa hồng,..
Cần làm rõ ai là người quyết định việc ăn chia số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn trong quá trình xét hỏi, lúc thì khai là không nhớ, lúc thì khai là nhớ không rõ. Như vậy chưa đủ căn cứ để buộc tội chết cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Cuối cùng, luật sư Thủy kết luận: Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX hoàn trả hồ sơ cho cơ quan công an, điều tra lại vụ án này.
10h15 phút, Luật sư Triển nêu quan điểm tranh luận. Theo luật sư, bị cáo Dũng đi lúc 15h, máy bay cất cánh lúc 15h30 theo quy định của hàng không chứ không phải là lúc 15h. VKS cũng không căn cứ vào lời khai của lái xe Quỳnh để kết luận. Anh Quỳnh khai rằng, có một lần anh đến đón bị cáo Sơn (không nhớ thời gian, không nhớ rõ địa điểm) tại khách sạn và đưa anh đi ăn. Lời khai này của anh Quỳnh không rõ ràng, chưa đủ căn cứ làm chứng cứ.
10h30 phút, theo Công lý, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Mai Văn Phúc nêu quan điểm. Luật sư Thiệp xin bảo lưu những nội dũng đã bào chữa cho bị cáo Phúc vào chiều ngày 23/4. Ngoài ra, ông Thiệp nêu thắc mắc, tại sao các tài liệu mới mà phía Nga cung cấp có từ năm 2013.
Tuy nhiên, đến phiên tòa ngày hôm nay các tài liệu này mới được mang đến cho HĐXX phúc thẩm. "Đó là chưa kể những tài liệu mà phía Nga cho biết họ sẽ tiếp tục chuyển đến sau", luật sư Thiệp nói. Luật sư Thiệp cũng thắc mắc về hình thức, giá trị pháp lý và người dịch các tài liệu mới này. "Về hình thức đã không đảm bảo, về nội dung lại không có gì chứng minh tính xác thực thì không thể đưa ra làm chứng cứ được", luật sư nói.
Luật sư Thiệp cho rằng, tất cả các khâu ban đầu từ việc nhận chào giá, liên hệ, thỏa thuận và trao đổi, kể cả việc nhận khoản tiền 1,666 triệu USD đều là bị cáo Trần Hải Sơn chứ không phải hai bị cáo lãnh đạo (Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc).
11h3. Dương Chí Dũng xin có ý kiến bổ sung. Anh Quỳnh là người làm chứng cho anh Sơn, bị cáo có anh Việt, lúc đó là trợ lý cho bị cáo đón bị cáo và hai anh em đi ăn với nhau nên không thể gặp Sơn được. Bị cáo trông cậy vào tính chính xác, công minh của HĐXX.
Dũng cũng cho rằng nhà Dũng ở Hà Nội, tại sao Sơn không đưa ở HN mà đưa ở SG. Năm tỷ đồng, bị cáo mang ra HN kiểu gì?
11h8. Luật sư Nguyễn Chiến đề nghị có đủ căn cứ để tuyên bị cáo nhóm hải quan không phạm tội cố ý làm trái. Tuy nhiên, để cẩn trọng hơn thì đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung, trưng cầu giám định bổ sung.
11h10. Đại diện VKS: Dù VKS có ý kiến bổ sung hay không có ý kiến bổ sung thì HĐXX vẫn phải xem xét toàn diện, khách quan toàn bộ các vấn đề. Tại phiên tòa, luật sư có những nhận định: VKS cố tình bỏ ngoài hồ sơ, VKS không khách quan… Thủ tục tố tụng qua rất nhiều trình tự, đôi khi các quan điểm đưa ra trái ngược nhau, có thể cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm… đó là việc diễn ra không phải ít. Khi đưa ra quan điểm, VKS cũng chỉ nói đó là nhận định của VKS, đề nghị các luật sư không có những nhận định chủ quan như vậy.
Chúng ta ngồi đây để nói về sự kiện đã xảy ra cách đây 5 năm, điều này không phải dễ. Nếu các bị cáo nhận tội mà không có những nguồn chứng cứ khác thì đó cũng không phải là căn cứ để buộc tội các bị cáo.
Gần 7.000 bút lục, không phải cái gì VKS cũng đưa ra ở phiên tòa hôm nay, nên luật sư Triển không nên quy kết tài liệu này, tài liệu khác VKS để ngoài hồ sơ.
11h17. Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng
Dương Chí Dũng: Với cương vị Bí thư, CHủ tịch HĐQT, để xảy ra sai phạm tại Vinalines, bị cáo nhận tội, không chối cãi. Bị cáo trông cậy vào tâm từ đức độ, sự công minh của HĐXX để không xảy ra tình trạng "quýt làm cam chịu".. Nếu chưa chứng minh được bị cáo vô tội thì xin cho bị cáo được sống. Nếu có tội bị cáo có chết cũng phải chịu, nhưng oan mà chết thì không nói với ai được. Đây là món quà của Đảng, nhà nước, nhân dân.
Mai Văn Phúc: Đề nghị minh oan cho bị cáo ở cả hai tội. Bị cáo xin cam đoan toàn bộ các nội dung trong đơn và trình bày của bị cáo hoàn toàn là sự thật, nếu sai bị cáo xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bị cáo nhận chức chỉ có một động cơ duy nhất là củng cố và phát triển Tổng công ty, dù bị cáo đã cố gắng nhưng việc đó vẫn xảy ra, bị cáo xin nhận trách nhiệm. Bị cáo sẽ tiếp tục động viên gia đình khắc phục hậu quả cho bị cáo.
Trần Hải Sơn: Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo đã nhận thức được sai phạm của mình. Bị cáo mong muốn trong thời gian tới, gia đình bị cáo sẽ giúp bị cáo khắc phục hậu quả. Chỉ mong HĐXX và pháp luật lượng hình xét xử cho bị cáo một bản án đúng người, đúng tội cũng như các bị cáo khác trong vụ án này.
Trần Hữu Chiều: Bị cáo đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm về tội cố ý làm trái của bị cáo. Về tội tham ô tài sản, đề nghị HĐXX miễn truy cứu TNHS với bị cáo, bị cáo nhận thấy oan ức cho bị cáo. Bị cáo vay tiền của Sơn là có mục đích, bị cáo ngoài vay Sơn còn vay của nhiều người khác nữa… Về trách nhiệm dân sự, đề nghị HĐXX xác định rõ ụ không phải là tàu thì có thể xem xét miễn TNHS cho các cán bộ hải quan. Bản thân bị cáo có rất nhiều bệnh, từ tháng 4 mắc thêm bệnh cao huyết áp nữa, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bố mẹ bị cáo có thành tích trong kháng chiến, đề nghị HĐXX xem xét. Bố bị cáo 35 năm tuổi Đảng… Nếu điều kiện cải tạo khắc nghiệt quá không biết bị cáo còn cơ hội trở về với gia đình bằng đường dương hay không...
HĐXX nghị án và nghỉ làm việc. Tòa sẽ tuyên án vào 14h chiều ngày 7/5.
Theo Infonet/PLO/VTConline