Già hóa dân số và những thách thức
(Baonghean) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sắp chạm ngưỡng 10%, riêng nghệ an chiếm hơn 11%. Đây có thể xem là một thành tựu sau nhiều năm nỗ lực nâng cao chất lượng và tuổi thọ của người cao tuổi, nhưng đi kèm với đó là nhiều thách thức đặt ra…
(Baonghean) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sắp chạm ngưỡng 10%, riêng nghệ an chiếm hơn 11%. Đây có thể xem là một thành tựu sau nhiều năm nỗ lực nâng cao chất lượng và tuổi thọ của người cao tuổi, nhưng đi kèm với đó là nhiều thách thức đặt ra…
Nỗ lực vì người cao tuổi
Thật bất ngờ khi lần mới đây lên huyện vùng cao Tân Kỳ, nơi có đến hơn 20% là đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng lại có phong trào luyện tập dưỡng sinh Thức Vũ Kinh hết sức sôi nổi và phủ sóng đến 95% số xã trong toàn huyện. Hoạt động của hội người cao tuổi hết sức đa dạng, trong đó chú trọng đến những hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như chương trình khám sức khỏe định kỳ, thể dục dưỡng sinh, mắt sáng cho người cao tuổi… Xã Nghĩa Đồng, một xã bán sơn địa, cách trung tâm thị trấn Lạt gần 20 cây số, xã vừa được đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào hội.
Ông Trần Đình Lễ, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã dẫn chúng tôi xuống xóm 3 nơi các thành viên hội người cao tuổi đang phát động phong trào trồng dâu nuôi tằm. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao nhưng các cụ hồ hởi lắm vì đến tuổi này vẫn có thể giúp con cháu và tạo thu nhập, có thêm đồng ra đồng vào. Có điều kiện, các cụ lại bàn với nhau xây dựng phong trào “nuôi lợn nhựa” giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn hay thành lập các câu lạc bộ tình thương, câu lạc bộ tự chăm sóc nhau. Đặc biệt, các thành viên hội người cao tuổi là những người đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở xã. Ngoài tích cực tham gia nhiều ý kiến quy hoạch khoanh vùng mùa vụ, định loại cây trồng ngoài đồng ruộng, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở các khu dân cư theo nếp sống văn hóa… còn có 31 hộ người cao tuổi tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn với tổng diện tích gần 1.200m2. Sự đóng góp không nhỏ đó đã giúp Nghĩa Đồng trở thành đơn vị đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Tân Kỳ với 16/19 tiêu chí đã đạt.
Đánh giá về hoạt động của Hội Người cao tuổi huyện Tân Kỳ những năm trở lại đây, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội cho rằng: Hoạt động Hội ngày càng chú trọng về chất và nhờ đó đời sống tinh thần, tuổi thọ trung bình của người cao tuổi trong toàn huyện đã tăng rõ rệt với mức trung bình là 73,5 tuổi, trong đó có 43 cụ sống trên 100. Hội tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các hội viên mỗi năm hai lần. Riêng những người cô đơn, tàn tật được các y, bác sỹ đến tận nhà khám và cấp thuốc miễn phí, có 87% hội viên hội người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Về tinh thần, ngoài các câu lạc bộ Thức Vũ Kinh, xã nào cũng xây dựng được câu lạc bộ thơ, nhiều xã xây dựng được câu lạc bộ ném còn, cầu lông, xây dựng tờ báo tường.
Các thành viên của CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” xóm Tân Thiết, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn. |
Trên toàn tỉnh, hoạt động của hội người cao tuổi phát triển mạnh và đa dạng, trong đó 447/481 xã có câu lạc bộ hội người cao tuổi với gần 170.000 cụ tham gia và các hoạt động thể thao văn hóa và văn nghệ. Đặc biệt với sự giúp đỡ của dự án VIE 022 – Dự án Thúc đẩy quyền của người cao tuổi thiệt thòi Việt Nam đã có 81 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập ở ba xã thuộc các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương. Đến cuối năm 2013 đã giải ngân được 7 tỷ đồng cùng với nguồn vốn tích lũy của các câu lạc bộ gần 600 triệu đồng đã giúp gần 3.000 thành viên vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản, kinh doanh tạp hóa.
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của tổ chức Oxfam Hồng Kông, Hội LHPN tỉnh tại huyện Tương Dương đã thành lập 8 câu lạc bộ ở 2 xã Yên Hòa và Nga My (Tương Dương) và đang tiếp tục làm quy trình để thành lập thêm 42 câu lạc của 10 xã trong huyện. “Các câu lạc bộ này là mô hình tốt để tập hợp và giúp các hội viên sinh hoạt và hoạt động nhằm cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho thành viên câu lạc bộ, đặc biệt là người cao tuổi thiệt thòi ở cộng đồng. Đây còn là tổ ấm, nơi giao lưu tình cảm, gắn kết các thành viên của câu lạc bộ, góp phần chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng tổ chức hội vững mạnh” – ông Trần Văn Ích, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết.
Ngoài ra, hiện trên toàn tỉnh đã có 69.470/ 342.000 hội viên hội người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trên 70% hội viên có thẻ Bảo hiểm Y tế. Mỗi năm có khoảng 150.00 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và được lập sổ theo dõi sức khỏe. Toàn tỉnh, hiện có gần 900 cụ sống trên 100 tuổi, tuổi thọ trung bình của người cao tuổi Nghệ An xấp xỷ 73, gần với mức bình quân chung của cả nước.
Những thách thức
Việc tăng nhanh tuổi thọ của người cao tuổi có thể xem là một thành tựu lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, sự gia tăng số người cao tuổi đã tác động tới tất cả các mặt, từ tăng trưởng kinh tế nói chung đến thị trường lao động, lương hưu, hệ thống y tế, thiết chế văn hóa… và đặt chúng ta trước những thách thức to lớn khi cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số, nhất là khi thời gian để chuẩn bị chỉ có 6 năm, nhanh hơn rất nhiều so với các nước phát triển khác. Với khoảng thời gian chuyển tiếp khá ngắn ngủi, chúng ta không dễ có được sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, nguồn lực cũng như chính sách, cơ chế và như vậy, khó tránh khỏi sự lúng túng khi bước vào giai đoạn già hóa dân số nếu không có những giải pháp thích ứng kịp thời. Đặc biệt, cơ cấu dân số già đến sớm, khi nền kinh tế đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo, điều đó đặt ra bài toán khó về bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là với người cao tuổi.
Thực tế cho thấy, người cao tuổi ở Nghệ An khá đông, chiếm hơn 11% tổng dân số nhưng hiện nay ngoài những người thuộc các đối tượng như hưu trí, cựu chiến binh… thì chỉ khoảng 50% người già có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khá đông. Bên cạnh đó, do còn nhiều bất cập về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nên người dân, đặc biệt là người cao tuổi chưa có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, số người già đang phải sống chung với bệnh khá đông. Khảo sát 10 xã được hưởng Dự án VIE 022 tại huyện miền núi Thanh Chương cho thấy, trong tổng số 3.850 thành viên thì tỷ lệ người bị huyết áp chiếm 13,6%; xương khớp 11,84%; mắt chiếm 10,34% và các bệnh khác như tiêu hóa, tim mạch, thiếu cân…
Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu phối hợp Trạm Y tế xã Quỳnh Hồng khám bệnh cho các cụ cao tuổi trên địa bàn xã. Ảnh: Trần Tố |
Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các bệnh viện chưa thành lập được khoa lão khoa. Mặc dầu có chủ trương ưu tiên cho người cao tuổi khi vào các bệnh viện khám, chữa bệnh, nhưng các ưu tiên đó chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt do các bệnh viện quá tải. Do kinh phí hoạt động có hạn, các trung tâm học tập cộng đồng chưa có chuyên đề phù hợp với người cao tuổi; thiết chế văn hóa thôn, bản, khối phố chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ nhà văn hóa có sân tập chứa khoảng 70-100 người cao tuổi còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi… Một cuộc điều tra xã hội học cũng cho thấy, 70% người cao tuổi ở tỉnh ta phải sống phụ thuộc vào con cái, người già ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nhiều nơi vẫn còn phải sống trong cảnh nghèo khổ, chưa biết đến các sinh hoạt mang tính cộng đồng và chưa tiếp cận được các chương trình của hội người cao tuổi.
Ông Trần Văn Ích – Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng: Hiện, một số nơi vẫn còn tình trạng cấp ủy, chính quyền và xã hội nhận thức chưa đúng đắn về người cao tuổi, dẫn đến trong chỉ đạo chưa tích cực điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi và Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020. Chưa tuyên truyền, giáo dục nhân dân nhận thức đầy đủ cơ hội và thách thức khi đất nước ta bước vào già hóa dân số, tuyên truyền và đưa Luật Người cao tuổi vào cuộc sống; một số nơi khoán trắng cho hội người cao tuổi.
Để “đón đầu” và làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi trong giai đoạn “già hóa dân số”, thiết nghĩ thời gian tới các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có giải pháp hữu hiệu. Trong đó các cấp hội người cao tuổi cần tham mưu tốt cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác người cao tuổi và phối hợp với Ủy ban MTTQ và các ban, ngành liên quan triển khai tốt và làm nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT”. Tổ chức tốt phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” với ba nội dung: Chăm sóc, phát huy vai trò NCT và xây dựng Hội vững mạnh; góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mỹ Hà