Thị trường

Giá lúa gạo hôm nay 29/11/2024: Duy trì ổn định, giá gạo xuất khẩu Việt Nam giữ vững vị thế dẫn đầu

Quốc Duẩn 29/11/2024 07:48

Giá lúa gạo hôm nay 29/11/2024: Giá lúa gạo trong nước hôm nay giữ ổn định, giá gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Giá lúa gạo trong nước

Giá lúa hiện nay dao động như sau: lúa IR 50404 (tươi) từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, lúa OM 5451 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa OM 18 (tươi) từ 8.800 - 9.000 đồng/kg. Lúa Nhật và Đài Thơm 8 (tươi) có giá từ 7.800 - 8.000 đồng/kg và 8.800 - 9.100 đồng/kg.

Tại nhiều địa phương, giao dịch lúa diễn ra chậm, với lượng ít và giá ổn định. Tại Long An và Đồng Tháp, nhu cầu mua lúa Thu Đông chậm, giá vẫn giữ vững. Ở An Giang và Kiên Giang, giao dịch lúa thơm lai rai, trong khi Sóc Trăng có thu hoạch khá hơn nhưng giao dịch không sôi động.

Giá lúa gạo hôm nay 29/11/2024: Duy trì ổn định, giá gạo xuất khẩu Việt Nam giữ vững vị thế dẫn đầu

Giá gạo nguyên liệu IR 504 giảm nhẹ, dao động từ 10.200 - 10.300 đồng/kg, còn gạo thành phẩm IR 504 ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg.

Tại các địa phương, lượng gạo ít, giao dịch ổn định. Gạo thường có giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen cao nhất 28.000 đồng/kg, gạo thơm từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, gạo Jasmine từ 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Với các mặt hàng phụ phẩm, giá dao động từ 5.700 - 9.400 đồng/kg. Giá tấm thơm giảm 100 đồng/kg, dao động từ 9.200 - 9.400 đồng/kg, trong khi giá cám dao động từ 5.700 - 5.800 đồng/kg.

Giá lúa gạo xuất khẩu

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay giữ ổn định. Gạo 100% tấm hiện có giá 410 USD/tấn, gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 520 USD/tấn và gạo 25% tấm giá 485 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có khoảng 395 nghìn ha đất trồng lúa, chiếm 62% diện tích tự nhiên. Lúa từ lâu đã là cây trồng chủ lực, với sản lượng hàng năm đạt trên 4,4 triệu tấn. Riêng năm 2024, sản lượng lúa của tỉnh ước đạt 4,6 triệu tấn, chiếm gần 20% sản lượng lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những năm gần đây, Kiên Giang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Những yếu tố này, cùng với các hạn chế trong liên kết sản xuất nông nghiệp, đã khiến tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa” diễn ra thường xuyên. Điều này trở thành gánh nặng lớn cho người dân và chính quyền địa phương.

Quyết định số 1490 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được kỳ vọng sẽ giúp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án này hướng tới áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập và đời sống người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khuôn khổ Đề án, Kiên Giang đã triển khai hai mô hình thí điểm trên hai vùng sinh thái khác nhau theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp. Một mô hình được thực hiện tại huyện Tân Hiệp cho kết quả tích cực. Năng suất đạt từ 5,0 đến 5,43 tấn/ha tùy phương pháp, cao hơn đối chứng (4,89 tấn/ha) khoảng 340 kg/ha. Chi phí giảm 3,3 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha, và giảm phát thải từ 7,56 đến 8,11 tấn CO2eq/ha.

Một mô hình khác với diện tích 10 ha trên vùng đất tôm-lúa tại xã Đông Thạnh, huyện An Minh, hiện đang trong giai đoạn lúa làm đòng và trổ bông, với tình hình sinh trưởng phát triển tốt. Điểm đặc biệt của mô hình là trình diễn cơ giới hóa đồng bộ trong quá trình gieo sạ lúa.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện Đề án với diện tích đạt 100.000 ha và mở rộng lên 200.000 ha vào năm 2030. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu này sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Mới nhất

x
Giá lúa gạo hôm nay 29/11/2024: Duy trì ổn định, giá gạo xuất khẩu Việt Nam giữ vững vị thế dẫn đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO