Giá mía thấp, người trồng gặp khó

09/05/2013 14:37

(Baonghean) - Vụ ép 2012-2013 được đánh giá là vụ mía có sản lượng dồi dào, năng suất khá. Tuy nhiên, tiến độ thu hoạch chậm, thời gian thực ép kéo dài, tâm lý nhà máy ngại thu mua mía cho dân đang đặt ra nhiều khó khăn trong công tác trồng mía cho niên vụ mới tại vùng nguyên liệu mía đường Sông Lam.

Thời điểm này, hơn 200 ha mía của người dân Hoa Sơn (Anh Sơn) đã được Nhà máy đường Sông Lam thu mua hết. Trên các ruộng mía, số diện tích thu hoạch sớm phần nhiều được người dân lưu gốc, trồng lại, mía bắt đầu quá trình lên dóng. Tuy nhiên, có nhiều diện tích mía thu hoạch muộn mới chỉ bắt đầu lên mầm, thậm chí có số vừa được cày cỏ, làm đất. Chị Phan Thị Mùi, xóm 3 - Hoa Sơn gắn bó với 7 sào mía đã gần 10 năm nay, cho biết: “năm nay chỉ 4 sào mía được nhà máy thu mua hồi đầu vụ thu hoạch (tháng 10 năm trước), bán được với giá 900 ngàn đồng/tấn, 3 sào còn lại sản lượng đạt trên 15 tấn, năng suất 5 tấn/ha, do phải nằm chờ thu hoạch quá lâu trên ruộng nên mía ra hoa, mọc nánh, tạp chất nhiều, cuối cùng chỉ bán được giá 860 ngàn đồng/tấn.

Các năm trước, 3-4 tháng là nhà máy thu mua hết mía, năm nay kéo dài gần 7 tháng nên đầu tư và chăm sóc mía vụ mới rất tốn công và không đều”. Theo anh Nguyễn Văn Đức, xóm 3 Hoa Sơn, thì giá mía thấp, có một số hộ mía bán chậm, chỉ được 810 ngàn đồng/tấn, trong khi giá vật tư phân bón đầu tư cho trồng mía ngày càng cao. So với vài năm về trước, chi phí phân vi sinh tăng lên gần gấp đôi, từ 180 ngàn đồng/tạ nay tăng lên 300 ngàn đồng/tạ. Đặc biệt, thu hoạch mía chậm rất khó khăn trong việc huy động nhân công. Nhiều hộ không triển khai trồng mía được theo kế hoạch sẽ bố trí chuyển sang trồng các cây khác có chu kỳ sinh trưởng ngắn.



Người dân xã Thành Sơn (Anh Sơn) chăm sóc mía vụ mới.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ- Trưởng ban nông nghiệp xã Hoa Sơn, cho biết: Tính chung trong vụ thu hoạch mía vừa qua, mía nằm chờ xe nhà máy từ 10-16 tháng (trước đây tối đa 12 tháng), gần 40/200 ha mía của dân đã ký kết ban đầu theo hợp đồng lúc thu hoạch chậm mất 10 ngày. Đặc biệt, tại các xóm 1, 4, 5, 7 và xóm 10 mía trổ cờ, chất lượng mía giảm nhiều. Do thời gian thu hoạch mía kéo dài nên hiện nay, một số diện tích như ở xóm 6, mía vụ mới đã phát triển lên dóng, trong khi đó tại các xóm khác, bà con mới chính thức cày vun. So với tiến độ trồng mía chung như lâu nay thì các diện tích này chậm mất mấy tháng. Điều này làm cho các vùng mía phục vụ niên vụ mới phát triển lệch nhau, cây mía phát triển không đều. Vùng trồng mía muộn để có năng suất được đẩy lên, đòi hỏi bà con phải quan tâm đầu tư lớn. Hiện nay, đối với 30ha đất bãi trong quy hoạch chuyển đổi trồng mía cho niên vụ mới người dân không triển khai được theo kế hoạch.

Tại xã Thành Sơn - vùng nguyên liệu mía trọng điểm của Nhà máy đường Sông Lam, có trên 110 ha mía kinh doanh, hiện, dọc theo tuyến đường nguyên liệu, bà con đang trồng sắn và ngô thay thế mía. Ông Hồ Ngọc Nhượng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, cho biết: Vụ thu hoạch vừa rồi, điều bà con băn khoăn nhất đó là cơ chế thu mua mía của nhà máy thiếu công bằng. Thu mua mía theo trữ đường, trừ tạp chất quá nhiều, việc thanh quyết toán cho dân chậm hơn… đã ảnh hưởng đến tâm lý trồng mía của bà con. Hiện nay, toàn xã có trên 15 ha mía nguyên liệu trên các vùng vệ thôn 5, thôn 3 và thôn 7 đã được bà con bố trí trồng ngô, sắn. Cũng theo ông Nhượng, nếu giá mía không lên, chắc chắn người trồng mía sẽ còn thu hẹp dần diện tích trong các vụ mía tiếp theo.

Trao đổi về những khó khăn trên, ông Lê Thanh An - Phó Giám đốc Công ty CP mía đường Sông Lam, chia sẻ: Vụ ép 2012- 2013, vùng nguyên liệu nhà máy có trên 1700 ha mía kinh doanh, sản lượng mía đạt 100 ngàn tấn, tăng so với kế hoạch và cùng kỳ. Tuy nhiên, giá đường xuống thấp 14 ngàn đồng/kg. Hai năm trở lại đây, đường rất khó tiêu thụ, cộng với vốn lưu động của nhà máy không có, là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy phải điều chỉnh giá mía xuống. Trong khi tâm lý nông dân lại chưa quen với quy luật giá mía theo giá đường. Cùng bà con tháo gỡ khó khăn, Nhà máy có chủ trương rà soát lại diện tích trồng mới của những hộ năm ngoái không trồng, kể cả việc hỗ trợ phân vi sinh, cày, giống mía. Cho bà con vay phân hữu cơ vi sinh không tính lãi suất, những hộ trồng mới ban đầu có diện tích mía lớn được vay ngọn giống để trồng kịp thời vụ.

Điều bà con mong muốn là trong thời gian tới, Nhà máy tính toán để có kế hoạch thu mua mía kịp thời, đảm bảo công bằng cho người trồng mía. Tránh tình trạng mía chặt phải chờ xe lâu ngày trên ruộng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và nhất là sự phát triển bền vững vùng nguyên liệu trong tương lai.


Bài, ảnh: Lương Mai

Mới nhất
x
Giá mía thấp, người trồng gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO