Giá sữa trên thị trường: Điệp khúc tăng nhanh, giảm chậm

26/09/2015 18:02

Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới liên tục giảm, có thời điểm giảm gần 50% khiến người tiêu dùng (NTD) trong nước hy vọng về một đợt giảm giá sữa. Mặc dù sữa bột cho trẻ em là mặt hàng thuộc diện bình ổn và được giám sát chặt chẽ, thế nhưng, giá sữa trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu... giảm.

Tính bình quân đầu người, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 14 lít sữa/người. Mặc dù mức tiêu thụ này còn kém xa so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, song lượng sữa được tiêu dùng hàng năm tại nước ta là không nhỏ. Đối tượng sử dụng nhiều nhất mặt hàng sữa tại Việt Nam lại là trẻ nhỏ. Nhưng, tại Diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBF) diễn ra tháng 6-2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn cho rằng, giá sữa của Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Tính trung bình giá 1kg sản phẩm thì giá sữa của tất cả nhãn hàng tại Việt Nam đều đang cao hơn khoảng 14% so với Thái Lan, 24% so với Philippines, 46% so với Malaysia và 60% so với Indonesia…

Giá sữa tại thị trường trong nước chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Ảnh: Minh Nguyệt

Trong bối cảnh giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh 20-50% từ tháng 3-2015 tới nay, NTD trong nước hy vọng về việc giá sữa trong nước sẽ giảm. Song, thực tế lại trái ngược với kỳ vọng này. Trước những băn khoăn của dư luận, mới đây Bộ Tài chính đã có những thông tin chính thức xung quanh việc giá sữa thế giới giảm, giá trong nước vẫn "đứng im". Theo Bộ Tài chính, giá bán thành phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong nước đang được cung cấp từ hai nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập khẩu thành phẩm. Giá sữa sản xuất trong nước chịu tác động của giá nguyên liệu sữa thế giới, các chi phí đầu vào của sản xuất trong nước. Giá sữa nhập khẩu thành phẩm chịu tác động của giá nhập khẩu thành phẩm và các chi phí phân phối sản phẩm. Trong đó, nguồn nguyên liệu gồm sữa bột gầy, sữa nguyên kem đã giảm khoảng 20% từ tháng 4 đến nay, nhưng 3 tháng trước đó đã tăng liên tục. Tuy nhiên, mức giá nguyên liệu giảm nêu trên là mức giá chào bán, trên thực tế các DN sản xuất sữa phải giao dịch, đàm phán, ký hợp đồng, nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các DN từ tháng 6-2014 đến nay ổn định.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu chỉ chiếm 40-45% giá bán, trong đó loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem trong tùy loại sản phẩm sữa chiếm 20-25% giá bán. Để sản xuất ra sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ngoài nguyên liệu còn chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố gây tác động tăng giá, như lương tối thiểu vùng (tăng khoảng 14% trong năm 2015); tỷ giá đã được điều chỉnh 4% (3% năm 2015)... Mong muốn của NTD là cần quản lý chặt chẽ giá sữa, nhất là với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em. Chị Phạm Vân Anh, một phụ nữ đang nuôi hai con nhỏ trong độ tuổi 1-5 tuổi cho rằng, mặc dù sữa bột thuộc diện được Nhà nước bình ổn giá, song việc giá sữa tại Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực là bất hợp lý. Mặc dù DN sữa đã nêu nhiều yếu tố khiến giá sữa "khó giảm", song trách nhiệm của ngành chức năng tới đây là phải rà soát, xem xét để NTD trong nước mà ở đây chính là trẻ nhỏ không bị thiệt thòi khi phải mua sữa bột với giá cao.

Mặc dù NTD luôn mong muốn giá sữa sẽ hạ nhiệt song theo phản ánh của một số DN sản xuất sữa trong nước, hiện các DN này vẫn đang áp dụng chính sách ổn định giá thu mua cho nông dân, chưa giảm giá theo giá thế giới nhằm hỗ trợ nông dân và khuyến khích phát triển chăn nuôi trong nước. Điển hình là Vinamilk, DN duy nhất hiện bao tiêu thu mua nguyên liệu sữa bò tươi cho nông dân, khác với các DN sữa nước ngoài chỉ nhập khẩu sản phẩm về kinh doanh, hoặc chỉ nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất. Một số DN có thu mua nguyên liệu sữa từ nông dân cũng cho biết sẽ giữ ổn định giá từ nay đến hết năm 2015 nhằm giảm dần nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và phụ thuộc quá nhiều vào giá thế giới. Đại diện một số nhãn hàng sữa bột trong nước và nhập khẩu cũng đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi với những ưu đãi cho khách hàng. "Đây cũng là một cách để sản phẩm đến tay người tiêu dùng có mức giá hợp lý hơn" - đại diện một nhãn sữa bột cho biết.

Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ rà soát, xác định giá tối đa, kê khai giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa; đồng thời sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân tính toán, phân bổ chi phí hợp lý theo hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Cùng với đó, Bộ sẽ thường xuyên chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các DN sữa thực hiện các biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa và tăng cường kiểm tra, thanh tra kê khai giá, niêm yết giá bán lẻ của DN. Với những biện pháp trên, hy vọng giá sữa sẽ được quản lý chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi cho NTD trong nước.

Theo Hà Nội mới

Mới nhất

x
Giá sữa trên thị trường: Điệp khúc tăng nhanh, giảm chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO