Giá sữa trong nước "án binh bất động" bất chấp giá nguyên liệu giảm
Thị trường sữa trong nước vẫn “án binh bất động” bất chấp giá nguyên liệu sữa trên thế giới đã giảm mạnh từ 30 - 35%.
Hiện nay, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, đặc biệt là tại thị trường Châu Úc, với biên độ giảm từ 30 đến 35%. Tuy nhiên, điều đáng nói là thị trường sữa trong nước hầu như “án binh bất động”, đặc biệt là những sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, vốn là mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn giá của Chính phủ.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương), từ tháng 4 đến nay, giá nguyên liệu sữa bột gầy, sữa nguyên kem của thị trường Tây Âu, Châu Úc giảm khoảng 20%. Ngược với xu hướng giảm giá này, từ hơn nửa năm nay, trên 700 loại sữa tại Việt Nam gần như không có sự giảm giá đáng kể nào, dù sữa nội địa phụ thuộc đến 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành thông báo trong đó đính kèm bảng giá bán buôn tối đa và giá kê khai đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mead Johnson Nutrition (Việt Nam).
Theo đó, giá sữa Enfamil A+ Gentle Care 900gr niêm yết là 543.488 đồng/hộp, Enfamil A+ Gentle Care 3 900gr là 525.008 đồng/hộp, Enfagrow A+ Gentle Care 4 900gr là 488.356 đồng/hộp.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên VOV, tại một số cửa hàng sữa trên phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), Hàm Long (quận Hoàn Kiếm), Sơn Tây (quận Đống Đa), giá sữa được bày bán không chênh so với mức giá trần. Thậm chí, giá một số sản phẩm sữa còn tăng.
Người tiêu dùng chọn mua sữa ở cửa hàng sữa trên phố Nguyễn Sơn, Long Biên. |
Chị Trịnh Thị Vân (ở quận Hà Đông) và chị Nguyễn Thị Hằng (quận Long Biên) cho biết gia đình mình dùng sữa Similac cho con nhỏ. Thời gian gần đây, giá sữa cũng không khác so với trước đây, thậm chí một số sản phẩm còn tăng lên 5.000 - 10.000 đồng/hộp. Chị Vân và chị Hằng mong muốn giá sữa sẽ giảm một chút để nỗi lo kinh tế gia đình bớt gánh nặng.
Nghịch lý giá sữa
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm trong khi giá sữa trong nước vẫn không có sự điều chỉnh đang là nghịch lý gây sự không đồng tình với người tiêu dùng. Giá nguyên liệu đầu vào đối với ngành sữa chiếm từ 40 đến 45%. Về nguyên lý, khi giá nguyên liệu giảm thì kéo theo chi phí, giá thành phải hạ. Các chuyên gia lo ngại, mặt hàng sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: Với cơ chế quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, nguyên tắc là áp dụng giá trần. Đây thực chất là cái neo, mà trong bối cảnh hiện nay cái neo đó chưa thay đổi thì chắc chắn doanh nghiệp kinh doanh sữa không hạ.
Theo ông Long, muốn có chế tài xử phạt thì cần phải thanh tra, kiểm tra, có nguồn thông tin tin cậy, chứng minh được việc đó hoàn toàn vi phạm thì mới có khả năng xử lý. “Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan chức năng không có đầy đủ thông tin, đồng thời với neo giá trần thì đây là điều kiện để các hãng sữa không bình ổn. Cho nên thực trạng sữa hiện nay mặc dù trong diện bình ổn giá nhưng thực tế giá luôn luôn bất ổn định, bất bình ổn,” chuyên gia này lưu ý.
Lý giải về nghịch lý này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng, nguyên liệu sữa nhập khẩu về Việt Nam của các công ty trong nước gồm rất nhiều loại được nhập từ 25 quốc gia. Các nguyên liệu nhập khẩu không chỉ để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mà còn để sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả. Riêng với nguyên liệu nhập khẩu dùng trong việc sản xuất sữa, có loại giảm, có loại tăng.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá thành phẩm sữa nhập khẩu vào Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 65 đến 70% và có xu hướng ổn định từ tháng 6 năm 2014 đến nay. Do vậy, giá sữa nhập khẩu thành phẩm khi nhập về Việt Nam không tác động đến giá bán trong nước. Bên cạnh đó, mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, gây tác động tăng giá như: tăng lương tối thiểu vùng, tỷ giá, chi phí quảng cáo, khuyến mại, giá điện. Bởi vậy, cùng lúc nhiều yếu tố tác động đến giá sữa thì việc giảm giá nguyên liệu đối với giá sữa thành phẩm là không đáng kể để giá sữa giảm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Tài chính đang quản lý giá sữa tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường Việt Nam.
Không biết đến khi nào giá sữa bột dành cho trẻ em từ 1 đến 6 tuổi mới thực sự bình ổn? Chỉ biết rằng, trong khi giá nguyên liệu sữa giảm thì người tiêu dùng vẫn đang phải mua sữa cho con với giá cao./.
Theo VOV