Giá thấp, khó tiêu thụ, nhiều nơi ở Nghệ An ngừng khai thác mủ cao su
(Baonghean.vn) - Do giá cao su quá rẻ lại khó tiêu thụ, thời gian gần đây tại nhiều cánh rừng cao su ở Nghệ An phải ngừng khai thác mủ vì thu hoạch không đủ trả chi phí thuê nhân công.
Đang là mùa cao điểm khai thác mủ cao su, nhưng thời điểm này về những cánh rừng cao su ở địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ thấy vắng bóng lao động khai thác.
Anh Văn Hữu ở xã Tân Phú, trồng 1,2 ha cao su chia sẻ: Nếu như năm trước giá 23.000 đồng/kg, thì thời điểm này xuống chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg . Với mức giá bán như hiện nay người trồng cao su thua lỗ, nên chúng tôi phải tạm ngừng khai thác để chờ giá. Quan sát tại địa bàn xã Tân Phú cho thấy một số hộ dân đã thanh lý cây cao su, chuyển đổi sang trồng na, mía, keo...
Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Sông Con cho biết: Đơn vị chúng tôi hiện có trên 700 ha cao su, chủ yếu tập trung ở các xã Tân Phú, hàng tháng thu mua cho người nhận khoán trên 20-30 tấn mủ. Tuy nhiên, do giá thấp, nên hiện nay đơn vị chỉ thu mua từ 10-15 tấn mủ/tháng. Thị trường tiêu thụ cao su chủ yếu là Trung Quốc, nhưng nay họ mua “nhỏ giọt”, nên chúng tôi đang phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước.
Do khó về đầu ra, nên hiện nay có gần 150/700 ha cao su phải ngừng khai thác mủ cao su, khiến cho dây chuyền chế biến cao su phải hoạt động cầm chừng. Hiện nay, Công ty CP Nông nghiệp Sông Con đang còn tồn đọng khoảng trên 30 tấn cao su thành phẩm chưa tiêu thụ được.
Cũng lâm vào tình cảnh trên, Công ty CP Nông nghiệp 3/2, ở xã Minh Hợp, huyện Quỳnh Hợp, hiện có 480 ha cao su ở địa bàn xã Minh Hợp, tuy nhiên, đầu ra rất khó khăn. Hàng tháng đơn vị đang gắng gượng chế biến, bao tiêu sản phẩm từ 70-100 tấn cao su cho các hộ nhận khoán và của nhân dân quanh vùng. Nhưng với mức giá tiếp tục thấp như hiện nay, thì đơn vị đang phải tính toán hoạt động cầm chừng để chờ giá.
Ông Nguyễn Nam Thuyên - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp 3/2, thừa nhận: Do công nghệ chế biến của nhà máy còn lạc hậu, nên sản phẩm cao su khi chế biến ra chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, một số lô hàng khi xuất bán đi các nước đã bị trả lại từ 2-3 tấn, chủ yếu cao su bị lỗi dính tạp chất. Để xuất bán được cao su, thì cần phải đầu tư công nghệ, sản phẩm đạt chất lượng may ra mới tiêu thụ được.
Địa bàn Nghệ An hiện có trên 10.000 ha cao su, tập trung chủ yếu ở các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quế Phong, hàng năm sản xuất được khoảng trên 6.000 tấn cao su sơ chế. Hiện nay, do giá quá thấp nên hầu hết các nhà máy dây chuyền chế biến cao su đều phải hoạt động cầm chừng. Chưa kể có khá nhiều diện tích cao su, ở các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp đã bị người dân thanh lý, để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như keo, mía và cây ăn quả…
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Nghệ An hiện chưa có nhà máy chế biến sâu sản phẩm cao su, chủ yếu là các cơ sở sơ chế cao su dưới dạng nguyên liệu thô, nên giá trị kinh tế không cao. Các nhà máy sơ chế cao su chủ yếu vẫn áp dụng công nghệ trong nước. Rất nhiều thiết bị của các nhà máy chế biến đã đầu tư quá lâu, máy móc cũ kỹ và lạc hậu làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm.
Chưa kể toàn bộ các diện tích cao su của Nghệ An, đến nay chưa có diện tích nào đạt chứng chỉ FSC. Trong khi đó, trình độ lao động và khâu quản lý chất lượng của các cơ sở sản xuất không đồng đều, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp xuất khẩu luôn bị động vào giá từ các đối tác, tính rủi ro của ngành ngày càng gia tăng.
Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp sơ chế cao su, phải theo dõi sát tình hình thị trường, tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt, ngoài tìm kiếm các thị trường để xuất khẩu, cần tìm kiếm thêm thị trường trong nước. Về lâu dài để ngành cao su phát triển bền vững, Nghệ An cần có các nhà máy chế biến sâu cao su, đảm bảo chất lượng vừa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước.