Giấc mơ đất và chữ
(Baonghean) Đời sống xã hội đang từng ngày đổi thay, khởi sắc nhưng cuộc sống của những xóm chài trên sông vẫn lam lũ, quẩn quanh. Người dân vạn chài đang hàng ngày đối mặt với cảnh đói nghèo, lạc hậu và cả những rủi ro đang rình rập. Báo Nghệ An cuối tuần ra ngày 1/7/2012 có bài "Nổi nênh một khúc sông này" về cuộc sống một xóm chài trên sông Cửa Tiền (Thành phố Vinh). Số báo này, chúng tôi tiếp tục phản ánh cuộc sống của người dân xóm chài Tam Sơn (Anh Sơn) với mong muốn các cấp chính quyền cần quan tâm nhiều hơn nữa tới các xóm chài và giúp họ sớm thực hiện "khát vọng lên bờ"...
Cảnh sống lênh đênh, tạm bợ của người dân xóm chài Tam Sơn (Anh Sơn)
Hơn 3 năm rồi tôi mới có dịp trở lại thăm xóm chài nhỏ bé nép mình bên tả ngạn dòng Lam, thuộc địa bàn xã Tam Sơn (Anh Sơn). Nói là xóm nhưng thực ra chỉ khoảng gần10 hộ dân có gốc gác từ vùng hạ lưu vềđây cùng mưu sinh. Triền sông ấy vẫn hoang sơ, xóm chài ấy vẫn lặng lẽ, hiu hắt. Vẫn là những gương mặt năm xưa, chỉ có điều dòng chảy thời gian đã làm họ thêm già nua, nét lam lũ, khổ sở càng hằn sâu trên khuôn mặt. Bước xuống từ triền sông, các cư dân xóm chài nhận ra người quen và chào tôi bằng lời than thở kèm theo những tiếng thở dài: "Cuộc sống vẫn thế, chưa có gì đổi thay cả chú ạ! Cái đói, cái nghèo và thất học cứ bám riết chúng tôi mãi...".
Những phận đời!
Người đầu tiên tôi muốn gặp khi đến xóm chài này là cụ Nguyễn Thị Mỹ, người có con trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ởđộ tuổi 90, người mẹ liệt sỹấy không nhớ nổi người khách đã từng trò chuyện với mình hơn 3 năm trước. Ngày ấy, tuy tuổi đã cao, cụ Mỹ vẫn một mình chèo con thuyền nhỏ xuôi ngược đoạn sông này để quăng chài, buông lưới. Cụ từng chia sẻ: "Dù được hưởng chính sách, chếđộưu đãi của Nhà nước nhưng một đời lênh đênh sông nước đã quen nên tôi vẫn bám lấy con thuyền. Nhưng điều quan trọng hơn cả là thương con cháu, chúng đang hàng ngày bám lấy mặt nước để mưu sinh, cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên tôi vẫn "trụ" lại đây để giúp đỡđược phần nào hay phần đó".
Giờđây, trong con thuyền nhỏ năm xưa, dáng vẻ của cụ không còn được nhanh nhẹn như trước. Không biết gánh nặng thời gian, tuổi tác hay suốt đời nép mình trong khoang thuyền chật chội mà cái lưng của cụ Mỹđã còng rạp. Đôi bàn tay, bàn chân gần trọn một thế kỷ gắn bó với chiếc bai chèo giờđây đã bị mắc chứng tê buốt, trời không rét vẫn run lập cập. Và đôi mắt của người mẹ liệt sỹ giờđây đã nhuốm màu sương khói. Suốt hành trình 90 năm lênh đênh trên dòng sông Lam, đến nay, cụ Nguyễn Thị Mỹđã "có quyền" mệt mỏi.
Cụ Nguyễn Thị Mỹ (90 tuổi), mẹ liệt sỹ, sống một mình trong con thuyền chật chội.
Khi tôi có mặt trong khoang thuyền chật chội ấy, người con dâu đang cho cụ uống thuốc, vì mấy ngày nay đau buốt, tê nhức khắp người. Chợt giữa dòng, một chiếc thuyền máy lướt qua tạo nên những làn sóng dạt vào bờ. Chiếc thuyền nhỏ bỗng dưng chao đảo, lắc lư, những viên thuốc cụ Mỹđang nắm trong tay chợt rơi vãi khắp sàn. Toàn thân cụ run rẩy như sắp lên cơn co giật, đôi mắt nhắm nghiền trông rất đỗi thương tâm. Một lúc sau, con thuyền trở lại bình yên, cụ Mỹ gượng dậy vừa nhặt tìm những viên thuốc rơi vãi vừa như nói một mình: "Thếđó, cuộc sống lênh đênh cực vậy đó!". Niềm an ủi của cụ bấy nay là những dịp lễ, tết, ngày Thương binh liệt sỹđược các đoàn thểđến tận thuyền thăm hỏi, tặng quà. Đó là lúc con thuyền nhỏ bỗng đông vui, nhộn nhịp.
Nằm cách con thuyền nhỏ của cụ Mỹ không xa là thuyền của vợ chồng ông Trần Văn Dương và bà Phạm Thị Huệ. Họ là những cư dân mới gia nhập xóm chài chưa lâu. Trước đó, cặp vợ chồng này đã từng phiêu dạt gần như toàn bộ chiều dài của dòng sông Lam để buông câu, giăng lưới. Cũng có quãng thời gian ông Dương- bà Huệ rẽ ngược theo dòng sông Con để kiếm kế sinh nhai. Những dòng sông vẫn miệt mài xuôi về biển, con nước hết vơi lại đầy, sức lực con người ngày càng giảm sút. Qúa nửa đời xuôi ngược, nay chuẩn bị bước vào độ tuổi "xưa nay hiếm", tay chân đã bắt đầu mỏi mệt, ông bà phải neo đậu lại chốn này để cậy nhờ hai người con mỗi khi trái gió trở trời. Một tay ông Dương bị cụt nên lúc ông ghé chiếc thuyền con vào sát thuyền lớn để cất đặt đồ nghề và "chiến lợi phẩm" sau gần một ngày lao động cực nhọc, tôi thấy ông hoạt động rất khó khăn. Nhìn người khách lạ, ông lắc đầu: "Được có 2 con chạch chừng 5 lượng, vậy là ngày mai không có gạo ăn rồi!".
Thấy tôi vẫn nhìn chằm chặp vào cánh tay cụt, dường nhưđoán được sự tò mò của khách, ông Dương phân trần: "Không giấu gì chú, tay tôi bị thế này không phải do làm việc gì phi pháp, không phải nổ mìn đánh cá đâu! Ngày nhỏ, vào mùa nước lũ, tôi chẳng may đứt tay rồi bị nhiễm trùng. Do chủ quan, không chạy chữa, thuốc thang gì, hàng ngày vẫn dầm mình giữa dòng nước lũ. ít ngày sau, tay sưng vù, vết thương bắt đầu thối và lan dần ra. Đến nước ấy buộc phải đi bệnh viện, các bác sỹ nói rằng muốn cứu lấy mạng sống phải cưa tay. Từđó, cánh tay trái của tôi chỉ còn đoạn gần khuỷu trở lên, có cũng như không, hoàn toàn vô dụng...".
Đang mải trò chuyện, chợt thấy một chiếc thuyền nhỏ rẽ nước rồi ghé sát vào chiếc thuyền lớn nằm cạnh thuyền ông Dương. Một cậu bé trạc 3 tuổi từ khoang thuyền lớn bước ra, nhanh tay với lấy dây neo rồi buộc chặt để bố mẹ bước lên. Cậu làm việc ấy nhanh, gọn và chắc chắn như một người đàn ông thực thụ của làng chài. Hỏi chuyện, mới biết tên cậu bé là Nguyễn Văn Sửu (SN 2009). Ở lứa tuổi này, hầu hết trẻ em đã được đến lớp học mầm non, được ca hát, vui chơi nhưng bé Sửu vẫn phải quanh quẩn trong khoang thuyền chật chội, hàng ngày ngóng bố mẹ trở vềđể buộc dây neo.
Giấc mơ đất và chữ
Từ bao đời nay, những cư dân của xóm chài Tam Sơn đều phải sinh sống trong những con thuyền chất hẹp. Phía dưới là những chiếc lồng nuôi cá được làm bằng tre nên có lúc mọi người gọi nơi che mưa, tránh nắng của mình là "lồng". Cái nghiệp mưu sinh "cha truyền con nối" của cư dân vạn chài không có gì hơn là câu tôm, chài cá. Nhưng trong điều kiện nguồn nước hiện nay, cá tôm có vẻ ngày càng khan hiếm, cá lồng cũng càng khó nuôi. Anh Trần Văn Hùng (con trai ông Dương) than thở: "Chài suốt một ngày, có khi không được nổi cân cá.
Đặc biệt, vào những ngày lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn và đột ngột thì cá tôm trốn hết sạch, không chài được con nào và hôm sau xem như cả nhà phải nhịn đói. Nước sông có vẻ nhưđang bị ô nhiễm, tôi nuôi 100 con cá dưới lồng, trong vòng hơn 10 ngày chết đến 60 con. Cứ theo đà này, sắp tới chắc không còn đường sống". Rồi vợ chồng anh Hùng thay nhau kể tôi nghe về những khổ cực, gian nan và bao nỗi lo âu trong mùa nước nổi. Có lần lũ thượng nguồn tràn về lúc nửa đêm, khi cả xóm chài đang vùi trong giấc ngủ say sau một ngày mưu sinh vất vả. Con thuyền đột nhiên chao đảo mạnh. Mọi người tỉnh giấc trong cảnh gió mưa sầm sập, thuyền bị sóng đánh dạt nằm nghiêng ven bờ. Trong khoang thuyền, nước bắt đầu xăm xắp, rều rác bắt đầu vây kín chung quanh. Một con rắn không biết từđâu bò vào khoang thuyền... Đất trời tối đen như mực, chỉ nghe thấy tiếng thét ầm ào của cơn lũ dữ, cả gia đình anh gần như tuyệt vọng. Thức trắng đêm, vợ chồng anh bàn bạc với nhau rằng phải lên bờ thuê nhà ở, như thế này có khi bị lũ cuốn phăng khi nào không hay. Nhưng rồi khi cơn lũđi qua, lại mải miết ngược xuôi trong cuộc mưu sinh, ý định ấy dần rơi vào quên lãng.
Vợ chồng anh Hùng có chút hãnh diện, vì 2 đứa con tốt nghiệp THCS. Điều đó được xem là "kỳ tích" ở xóm chài nhỏ bé này. Bởi lẽ, con em xóm chài Tam Sơn học đến lớp 6 hoặc lớp 7 đều "đứt gánh nửa chừng". Nguyên nhân không có gì ngoài cuộc sống khó khăn, thiếu thốn buộc phải nghỉ học đểđỡđần bố mẹ hoặc vào miền Nam tìm kế sinh nhai. Để rồi, một thời gian sau lại trở về "nối nghiệp" chài lưới của bố mẹ. Đứa con trai út của anh Hùng vừa tốt nghiệp THCS cách đây vài tháng. Hồi tháng 2, khi đang học dở lớp 9, nó đã có ý định nghỉ học để vào miền Nam tìm việc. Thầy giáo chủ nhiệm, rồi thầy hiệu trưởng đến tìm hiểu nguyên nhân và động viên nhưng nó không nói một lời nào vì e ngại. Thầy hiệu trưởng gợi ý nếu không muốn nói thì viết lý do nghỉ học vào giấy để thầy xem. Nó viết rằng: "Thưa thầy! Em phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ em suốt ngày chài lưới vẫn không đủăn. Em phải nghỉ học để giúp đỡ bố mẹ, khi nào có điều kiện em sẽ học tiếp". Đọc xong, ai nấy đều rưng rưng... Rồi thầy hiệu trưởng hứa sẽ tìm cách giúp đỡđể em học hết mấy tháng còn lại, để có được tấm bằng THCS. Và ngày hôm trước lấy được bằng, hôm sau nó đã bắt xe vào miền Nam để xin làm phụ hồ. Sau những giây phút trầm ngâm, ông Trần Văn Dương chợt nói: "Với thế hệ chúng tôi giờ không nói làm gì, chỉ mong cho con em xóm chài này được học hành để có được cái chữ, thoát được cuộc sống vất vả, đói nghèo và quẩn quanh trên sông nước, đừng lặp lại con đường của ông bà, bố mẹ...".
Cuộc đời sông nước lênh đênh, thường ngày đối mặt với bao khó khăn, vất vả cùng không ít hiểm nguy đang rình rập nên niềm mong ước, khát khao lớn nhất của tất cả cư dân xóm chài là có được "tấc đất cắm dùi". Chỉ tay về phía triền sông, anh Trần Văn Sỹ bộc bạch: "Hàng chục năm nay, chúng tôi đều mong được cấp khoảng 100m2 đất dựng tạm cái nhà và thoát khỏi cảnh lênh đênh, chật chội nhưng vẫn có điều kiện gắn với sông nước để mưu sinh. Và để tránh nỗi phấp phỏng, lo âu khi mùa mưa lũ tràn về. Nếu nhà nước không cấp thì bán cho chúng tôi với giá ưu đãi cũng được". Lúc nãy đến giờ ngồi im, đến đây bà Huệ mới góp lời phụ họa: "Nghe nói ở Hưng Nguyên, Nam Đàn và Đô Lương, các xóm chài đã được lên bờđịnh cư. Không biết khi nào đến lượt xóm chài Tam Sơn này?".
Rời xóm chài khi ánh chiều tà đã lặn xuống đáy sông, những con thuyền nhỏ bé khuất dần sau những rặng cây và sương chiều mờảo. Cư dân xóm chài tiễn khách bằng ánh mắt ngập tràn hy vọng. Và tôi nhớ mãi ánh mắt mờđục của cụ Mỹ và ánh mắt trong veo của bé Sửu khi nói lời chào tạm biệt. Mong sao giấc mơđất và chữ của xóm chài Tam Sơn sớm trở thành hiện thực để thế hệ của bé Sửu không bị neo chặt vào con thuyền nhỏ bé và quẩn quanh tại bến sông này.
Công Kiên