Giấc mơ “xa bờ” vẫn xa

04/03/2012 14:50

(Baonghean.vn) - Sản lượng thủy sản của cả  tỉnh Nghệ An tập trung chủ yếu vào các huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Riêng Diễn Châu năm 2011, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản đạt trên 18.000 tấn, nhưng lực lượng chủ yếu làm nên thành tích này  là đội thuyền nhỏ, thậm chí là bè mảng hoạt động gần bờ. Nguồn hải sản gần bờ  đang dần cạn kiệt, chỉ có hướng ra khơi mới có cơ khấm khá. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu từ tàu thuyền nhỏ sang tàu công suất lớn ở huyện biển Diễn Châu đang gặp nhiều khó khăn…

(Baonghean.vn) - Sản lượng thủy sản của cả tỉnh Nghệ An tập trung chủ yếu vào các huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Riêng Diễn Châu năm 2011, sản lượng đánh bắt thủy, hải sản đạt trên 18.000 tấn, nhưng lực lượng chủ yếu làm nên thành tích này là đội thuyền nhỏ, thậm chí là bè mảng hoạt động gần bờ. Nguồn hải sản gần bờ đang dần cạn kiệt, chỉ có hướng ra khơi mới có cơ khấm khá. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu từ tàu thuyền nhỏ sang tàu công suất lớn ở huyện biển Diễn Châu đang gặp nhiều khó khăn…


Ngư phủ “cổ lai hi”


Ông Thạch Đình Nghĩa, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Diễn Bích, từng đi biển từ năm 16, 17 tuổi cho biết, toàn xã có trên 5000 lao động, chỉ có 860 người theo nghề biển, số còn lại làm những dịch vụ liên quan đến nghề cá, chủ yếu là buôn bán hải sản. Một số đông lao động dôi dư thì tìm đến các khu công nghiệp trong Nam, ngoài Bắc làm công nhân, hoặc theo cai thầu đi phụ hồ. Cũng có người tìm đến với những miền “đất hứa” bằng cách đi xuất khẩu lao động sang Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc...




Chuẩn bị thả lưới

Trai miền biển lên 14, 15 đã được cha mẹ cho theo lên thuyền đi biển học bài vỡ lòng về nghề cá. Lúc đầu phải làm quen với việc không bị say sóng, sau rồi đến những công việc phụ như thả lưới, thu lưới, rồi phục vụ nấu ăn cho cả tốp thợ đánh cá. Ngư dân Diễn Châu gọi những người học việc đó là “liền em”. Ngày khi mới học việc, con trai biển đã phải học cả cách đối mặt với rủi ro. Để rồi về sau khi đã trưởng thành, họ biết chấp nhận nó một cách bình thản. Rủi ro trong nghề đi biển không chừa một người nào khi họ đã chọn lựa công việc đầy vất vả này.

Ông Thạch Đình Nghía kể: Mới hồi năm ngoái thôi, ở Diễn Bích có đến 4 tàu lớn gặp nạn, trong đó có một tàu mắc cạn không thể sử dụng lại nữa. Những sự cố như thế thường là cú sốc rất lớn về kinh tế đối với ngư dân. Phần lớn họ sẽ không thể vực dậy để tái sản xuất, nếu không nhận được sự giúp đỡ kịp thời họ dễ lâm vào cảnh nợ nần, phá sản.

Nhưng những rủi ro đó dường như không đủ sức làm nản lòng những ngư dân có gan bám biển. Chính nguồn lợi từ hải sản đã khiến ngư dân Diễn Châu muốn vượt sóng ra khơi. Nhiều người chia sẻ: Nếu có cơ hội vay vốn đóng tàu, họ không ngại ra khơi, bởi mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 5 – 7 ngày, trừ hết chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhiều ngư dân nhìn thấy nguồn lợi này nhưng lại thiếu vốn đóng tàu lớn nên đành chấp nhận chỉ về lộng chứ chưa thể ra khơi. Dù vậy, con người vẫn tiến ra khơi với chiếc thuyền nhỏ 48 sức ngựa, như ông Vũ Thế Quảng (Thôn Quyết Thành – Diễn Bích – Diễn Châu) một số vì ít vốn nên chạy ra Thanh Hóa hay vào các tỉnh phía Nam mua lại những chiếc tàu đã qua sử dụng với giá 200 – 400 triệu đồng để có phương tiện bám biển. Thôi thì đến khi nào có đủ vốn sắm tàu to sau vậy.

Những ngư dân có điều kiện để sắm tàu cũ, thậm chí là thuyền máy công suất nhỏ cũng không phải là nhiều. Phần lớn ngư dân các xã Diễn Kim, Diễn Ngọc, Diễn Hải, Diễn Bích vẫn dùng những chiếc thuyền chèo tay, thậm chí là ra biển đánh cá bằng bè tre. Đi suốt chiều dài bãi biễn Diễn Kim, Diễn Hải, chúng tôi thấy thuyền bè đậu san sát, phần lớn đều thô sơ, không trang bị máy móc.

Thuyền máy và tàu lớn đều đậu trong những con lạch cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trên bãi biển, chúng tôi gặp ngư dân trẻ Phạm Văn Nam. Biết đi biển từ năm lên 10 tuổi, từng bỏ làng đi vào khu công nghiệp làm công nhân vì thấy đi biển quá cực nhọc, nhưng rồi anh thanh niên 19 tuổi vẫn phải quay về với biển. Với chiếc bè nhỏ của mình, anh vẫn không ngại tiến xa cách bờ cả chục hải lý kiếm hải sản với mong muốn sớm có tiền để sắm tàu. Nhưng với thu nhập khoảng 400 - 500 nghìn mỗi ngày thì đó vẫn là ước mơ xa vời. Ông Phạm Văn Mại (thôn Yên Thịnh – Diễn Kim) đã gần 80 tuổi, vẫn phải đi biển kiếm cá nuôi thân vì con cái cũng khó khăn không giúp gì được nhiều.

Ông tâm sự: “Có lẽ cả đời này tui cũng không mơ có được chiếc tàu để đi khơi nữa.” Ông lão có kinh nghiệm trong nghề đi biển trên 60 năm, không nhớ mình đã phải thay bao nhiêu chiếc bè tre, vì mỗi chiếc đóng mới giỏi lắm cũng chỉ “thọ” được nửa năm thôi. Về Diễn Châu, đi dọc bãi biển, phần lớn những cụ ông này đều phải lao động nuôi thân bởi họ không có lấy một chỗ dựa khi về già.

Riêng lão ngư Vũ Văn Nử (thôn Quyết Thắng – Diễn Bích) lại coi biển cả như người bạn tri âm. Đã 77 tuổi, ông vẫn sống trên thuyền, lênh đênh trên sóng biển nhiều hơn trên đất liền. Tuổi đã cao, lại không có thuyền của riêng mình, ông phải theo phụ giúp trên tàu thuyền của bà con trong xã. Ông hiểu về biển như hiểu bạn tri âm, cả khi buồn vui, giận dữ.

Có ông Nử đi cùng thuyền, ai cũng thấy yên lòng, bởi ông có tài xác định hướng gió, nhìn con sóng mà biết được khi nào trời yên biển lặng hay khi sắp có bão tố, biển động. Ông bảo rằng, mình sinh ra để gắn bó với biển nên cảm thấy rất buồn khi đời sống của ngư dân ngày càng trở nên khó khăn. Làm ăn thua lỗ đã khiến những chủ thuyền máy cũng có xu thế co cụm lại đánh bắt gần bờ. Những chiếc lưới luôn rà sát mặt bùn kéo lên tất cả tôm, cá, cua, ốc trên đường di chuyển. Kiểu đánh bắt này khiến nguồn hải sản gần bờ có nguy cơ cạn kiệt. Những chiếc thuyền máy về gần bờ cũng là mối lo mất chỗ làm ăn của những chủ thuyền chèo và bè nhỏ. Nhiều thuyền nhỏ đã bị chân vịt thuyền máy cuốn rách lưới, thậm chí làm lật thuyền?!


Nỗi buồn đi lộng


Tự hứa với bản thân sẽ sớm có chuyến đi biển đầu tiên của mình, nhưng sau cả chục lần “dự định”, rồi ước mơ đi biển để tận mắt chứng kiến nỗi vất vả những ngư dân của tôi cũng thành hiện thực. Đó là một ngày đầu tháng 2 âm lich năm Nhâm Thìn (2012), khi mùa lễ hội đã vãn và những con thuyền đã thực sự vào mùa làm ăn mới. Tôi được dịp theo chân những ngư dân xã Diễn Bích – Diễn Châu lên thuyền ra biển đánh cá.


Phải đến chiều muộn, “thủy thủ đoàn” gồm 4 người chúng tôi mới xuôi hết con lạch Vạn qua bãi Ngang Diễn Thành để đi ra biển. Trước đó, vì một dịp tình cờ tôi quen được ngư dân Vũ Thế Quảng (48 tuổi) đã có trên 30 năm trong nghề đi biển. Khi tôi gọi điện đặt vấn đề muốn được cùng đi xem đánh cá một chuyến thì ông bảo: “Chỉ có đi lộng thôi chú nhé, không ra khơi đâu”. Gạn hỏi thêm, nghe giọng ông trầm buồn: “Năm rồi mần ăn thua lỗ, phải nghỉ đi khơi một thời gian đã”. Ngư ông có khuôn mặt sắc cạnh gấp nếp như những ngọn sóng này từng nuôi mộng làm giàu từ nghề biển. Sau nhiều năm bám biển, vẫn chỉ có được một con thuyền nhỏ 48 sức ngựa. Ông Quảng đã nhiều lần ra khơi với chiếc thuyền nhỏ ấy. Dù chưa có điều kiện sắm tàu lớn, nhưng ông không muốn chịu kém cạnh những chiếc tàu có công suất gấp đôi, gấp ba chiếc thuyền nhỏ của mình.

Có lần ông nói: "Phải đầu từ lớn, chịu khó mới có lãi. Mình thiếu vốn, phải liều thôi mới may có cơ khấm khá”. Thế nhưng cuối năm, tính toán lại thấy cả năm lỗ trên hai chục triệu, ông chặc lưỡi: “Về lộng thôi, ra khơi kiểu này “chết” mất”! Thế là lời hứa đưa tôi ra khơi đành phải gác lại: “Chú chịu khó chờ khi mô tui mua tàu thì cho chú ra khơi.” – Ông cười khùng khục, nói. Nhưng chính ông cũng không biết bao giờ sắm được cho mình một con tàu để yên tâm ra khơi. Bây giờ, để đóng mới một chiếc tàu khoảng 90 mã lực cũng phải tốn trên 1 tỷ đồng. Trước đây còn đi khơi, có chuyến kiếm lãi cả chục triệu đồng, nhưng về lộng rồi, một chuyến đánh cá hai ngày may mắn cũng chỉ lãi khoảng 1 – 2 triệu đồng. Tuy nhiên cũng có chuyến đi về thua lỗ nặng. Dân đi biển đã quen với những thiệt hại như thế. Họ chỉ còn biết cách chấp nhận nó và trở về bờ, chuẩn bị cho những chuyến đánh cá sau.


Cùng chuyến đi lộng với chúng tôi có ông Thái Bá Lực (Diễn Bích – Diễn Châu) cũng góp chuyện: “Đối với dân đi lộng bầy tui, cứ cho rằng mỗi năm trừ ăn uống, sinh hoạt, trừ ngày mưa bão biển động phải ngồi nhà, mỗi năm kiếm được chừng trăm triệu đi thì cũng phải chục năm nữa mới sắm được tàu to”. Đã gần 50 tuổi, trên 30 năm gắn bó với nghề cá, nhưng đến lúc này ông Lực vẫn chưa sắm được chiếc thuyền cho riêng mình. Ông chỉ còn cách đi theo làm thuê phụ việc trên tàu thuyền của người khác.


Câu chuyện giữa chúng tôi chấm dứt khi chủ thuyền phát lệnh kéo lưới. Và tôi được chứng kiến thêm một điều rủi ro nữa mà các ngư dân thường gặp phải. Lưới rách, lượng cá thu được chỉ có vẻn vẹn một mớ chưa đến 1kg! Một chiếc lưới dự phòng vốn chỉ để đánh tôm được thả xuống. Qua vài đợt buông lưới rồi thu lưới chỉ thu về được vài mớ cá và ốc, chủ thuyền cho bẻ lái quay vào bờ.

Trong khi chờ con nước lên để lái thuyền vào bến, những ngư phủ ngồi lại cạnh nhau dưới ánh sáng yếu ớt của chiếc bóng đèn chạy ắc quy. Sau vài chén rượu, ngư dân Vũ Thế Quảng kể: Ngày trước, ông từng dắt díu vợ con tha hương vào tận Hàm Tân (Bình Thuận), cuối cùng vẫn phải trở về với nghề biển. Dẫu biết rằng đây là nghề nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro, tai ương, nhưng nó như cái “nghiệp” đã vận vào cuộc đời của người đàn ông có vóc dáng dạn dày sương gió này.


Đêm ấy cũng là lần đâu tiên tôi ngủ lại trên khoang thuyền của những ngư dân. Sau một ngày vật lộn chao đảo, tôi ngủ thật ngon giấc. Tôi tỉnh giấc khi trời vừa sáng. Những người trong tốp đánh cá đêm của tôi đã dậy từ bao giờ và đang thu dọn lưới về để vá lại, chuẩn bị cho chuyến đi sau. Ông Quảng cho biết, chuyến đánh cá này thua lỗ ít ra cũng trên 1 triệu đồng. Với riêng tôi, trong chuyến đi biển đầu tiên ấy đã không được hưởng trọn niềm vui. Nhưng tôi chợt nghĩ, những ngư dân nơi đây đã quen với những chuyến đánh cá đi tay không lại trở về tay không, điều quan trọng là họ vẫn luôn nung nấu ý chí bám biển, vượt sóng ra khơi. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền đối với những ngư dân can đảm và cũng nhiều kiên nhẫn này!


Hữu Vi

Mới nhất

x
Giấc mơ “xa bờ” vẫn xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO