"Giặc nội xâm" mới

05/02/2015 16:26

(Baonghean) - Kết thúc tháng đầu tiên của năm 2015, có một tin rất không vui vẻ mà ngược lại, đầy đau thương, tang tóc. Đó là trong tháng 1 vừa rồi, cả nước xảy ra 2 nghìn 169 vụ tai nạn giao thông, làm chết 781 người và 2 nghìn 047 người bị thương. Chết dễ, chết nhiều, bất ngờ và tức tưởi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những con số đó cho thấy rõ ra một điều là tất cả các biện pháp giảm thiểu tai nạn mà các cơ quan chủ quản đưa ra trong thời gian qua, tuy đã có tác dụng nhưng hiệu quả chưa cao. Và cái chính là ý thức của dân ta khi tham gia giao thông vẫn chưa đâu và đâu cả. Tuyên truyền, vận động bằng đủ mọi hình thức, phương tiện rồi đưa cả vào giáo trình, trường học để giảng dạy mà vẫn chưa chuyển được bao nhiêu. Xem ra, cần phải có một vài phát kiến mới hay và mạnh hơn may ra có thể thay đổi được tình thế. Có người đề xuất ý kiến là cần coi tai nạn giao thông như một loại giặc. Nghe cũng rất có lý. Vì rằng, giặc ác, cỡ như khủng bố quốc tế cũng làm chết và bị thương nhiều người, tất nhiên là không nhiều như tai nạn giao thông ở ta. Còn tai nạn giao thông thì cũng vậy thôi, làm chết và bị thương nhiều người, có khác gì đâu. Nên nếu coi đó là một loại giặc thì cũng chẳng có gì khập khiễng và... oan ức cả.

Mà ngược lại còn nêu cao được ý chí của toàn dân trong việc diệt loại giặc mới này. Hơn nữa, truyền thống đẹp của dân ta là trước mọi loại giặc giã bao giờ cũng đồng tâm, nhất trí, đoàn kết một lòng đánh cho tới thắng lợi cuối cùng mới thôi. “Còn cái lai quần cũng đánh” cơ mà! Nhờ thế mà trong lịch sử cổ, cận và hiện đại chúng ta đã đánh thắng không biết bao nhiêu là giặc ngoại xâm. Việc này, cả thế giới đều công nhận. Còn nhớ, sau cách mạng tháng Tám (1945) thành công, nước ta đã trở thành một nước độc lập. Chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta ra đời trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” vừa “thù trong, giặc ngoài” vừa nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt. Để đoàn kết toàn dân, nếu cao ý chí quyết tâm của đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó với cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời đã liệt đói nghèo là một loại giặc nguy hiểm như giặc ngoại xâm.

Theo Người: ''Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Người đã nêu 6 vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách hàng đầu Người nói: “Nhân dân đang đói... Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này... Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”. Người nêu ra biện pháp khắc phục: “Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất... Tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Người đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào hũ gạo cứu đói, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa, cùng với phong trào ''Tuần lễ vàng''. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, ở khắp các địa phương trên cả nước, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi. Một mặt gia tăng sản xuất, mặt khác phát động phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”... sâu rộng trong các địa phương trong cả nước.

Nhờ đó, chỉ 3 tháng sau ngày lập nước, nạn đói đã được đẩy lùi. Trước Cách mạng Tháng Tám, hơn 95% dân ta mù chữ. Để nhanh chóng xóa mù chữ cho nhân dân, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV) quyết định thành lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào ra sức “diệt giặc dốt”. Việc có dốt nát là một loại giặc đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc, khơi dậy sự quyết tâm cao độ và thấy rõ trách nhiệm của mình là chỉ trong vòng một năm, ai ai cũng phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Những nhà có nhà ở rộng rãi mở lớp học tư gia cho bà con xóm giềng, nhiều hoà thượng, linh mục cho mượn chùa, nhà thờ để làm lớp. Dùng cánh cửa, chiếu trải xuống đất cho học viên ngồi... Lớp học khắp nơi, học trưa, học chiều, học tối. Lớp đông giáo viên, lớp một thầy một trò. Chữ viết sẵn trên bảng, treo trên khóm tre, bụi chuối, bờ ao để bà con học tập. Để tăng cường và đẩy mạnh việc học, việc hỏi chữ được thiết lập. Những người nào đọc được các chữ viết trên các bảng đen dựng bên các bến đò, cổng làng, cổng chợ... thì được đi qua cổng trang trí đẹp gọi là “Cổng vinh quang” để đi vào chợ, sang sông, về làng... chỉ sau một năm đã có hơn 10% dân chúng trong tổng số 22 triệu người thoát nạn mù chữ. Mấy năm sau, hầu hết người dân biết đọc, biết viết. Thành công đó, có lẽ đến từ việc biến những thứ cần phải triệt tiêu, xóa sổ vĩnh viễn thành một loại giặc. Qua đó, đoàn kết được toàn dân, thống nhất ý chí, hành động để đạt được mục tiêu đã định

Rút kinh nghiệm từ đó, có lẽ chúng ta cũng nên xếp tai nạn giao thông là một loại giặc cần phải diệt trừ tận gốc rễ, như đã từng làm với “giặc đói”, “giặc dốt” để toàn dân cùng đoàn kết một lòng tiêu diệt loại giặc mới và rất nguy hiểm này. Nên coi tai nạn giao thông là một loại giặc nội xâm mới?!

Bụt Sơn

"Giặc nội xâm" mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO