Giải “bài toán” cây trồng hiệu quả cho vùng cao

25/07/2013 20:14

Mặc dù tiềm năng và lợi thế về đất đai ở các huyện miền tây xứ Nghệ rất phong phú, đa dạng, nhưng đến nay vẫn tồn tại nhiều mô hình cây trồng kém hiệu quả, lãng phí nguồn đất đai. trồng cây gì, nuôi con gì để người dân vùng cao nhanh chóng thoát nghèo luôn là “bài toán” nan giải đối với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

(Baonghean) - Mặc dù tiềm năng và lợi thế về đất đai ở các huyện miền tây xứ Nghệ rất phong phú, đa dạng, nhưng đến nay vẫn tồn tại nhiều mô hình cây trồng kém hiệu quả, lãng phí nguồn đất đai. trồng cây gì, nuôi con gì để người dân vùng cao nhanh chóng thoát nghèo luôn là “bài toán” nan giải đối với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

Trước tiên là cây vải trên đất Con Cuông được Dự án VQG Pù Mát và Ngân hàng Chính sách Xã hội đưa vào hỗ trợ bà con trồng từ năm 2003-2007 khoảng gần 30 ha ở các xã Châu Khê, Yên Khê (vùng đệm VQG Pù Mát). Chúng tôi về bản Châu Sơn (Châu Khê) thấy có khá nhiều các sạp nhỏ bán quả vải ven Quốc lộ 7. Chị Vi Thị Tình ở xã Châu Khê than thở: Ngồi từ sáng đến giờ mà chẳng thấy ai mua anh ạ. Chị Tình cho biết, chị mua vải của các hộ với giá 5.000 đ/kg rồi đưa ra bán với giá 7.000 đ/kg, song ít người mua, lý do là vải ở Châu Khê vừa chua vừa nhỏ. Chúng tôi ghé vào thăm nhà ông Vi Khai ở Châu Sơn.

Vườn vải của gia đình ông được trồng trên bãi đất bằng, hàng nối hàng thẳng tắp, cây tốt tươi nhưng quả ít và nhỏ. Ông Vi Khai than thở: Trồng 2 ha vải từ những năm 2007, ngoài tiền dự án hỗ trợ gia đình còn phải vay mượn đầu tư trên 100 triệu đồng. Chỉ được năm đầu tiên bán với giá 15.000 đ/kg, sau đó không bán được, chẳng hiểu sao nhãn ra quả ít, lại thường xuyên bị sâu bệnh. Mấy năm tiếp theo vải chỉ bán được từ 5000đ-7.000 đ/kg mà cũng ít người mua. 7 năm đổ công sức và tiền của vào vườn vải kết quả nhận được là… thua lỗ. Chưa kể trong 7 năm đó còn bị lãng phí nguồn đất. Ông Khai nói thêm: Tính tổng thu nhập trong năm 2012 trên 2 ha vải của tôi chỉ được gần 10 triệu đồng, còn thua 1 cây cam ở Quỳ Hợp. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư chuyển hướng trồng cam. Được biết toàn xã Châu Khê hiện có trên 15 ha vải không mang lại hiệu quả kinh tế, xã đang tìm hướng chuyển đổi sang cây khác có giá trị hơn.

Xã Yên Khê trước đây trồng khoảng trên 15 ha vải, đến thời điểm này chỉ còn 5 ha, do bà con đã phá vải trồng cam. Theo ông Lang Anh Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông thì: Số diện tích vải trên chưa phát huy hiệu quả, cần phải chuyển đổi sang vải đặc sản như vải Lục Ngạn, hoặc sang trồng cam, vì hiện nay cây cam đang rất tiềm năng.


Vườn vải 2 ha của nhà ông Vi Khai ở Châu Khê (Con Cuông) năm 2012 chỉ thu được gần 10 triệu đồng.

Đối với cây sở trên địa bàn tỉnh ta có một thời bà con gọi là cây “khổ sở”. Cây sở được đầu tư từ những năm 2002, chủ yếu ở các huyện Nghĩa Đàn, Tương Dương, Kỳ Sơn trên 1.000 ha, với trị giá đầu tư trên 10 tỷ đồng. Loại cây này mau chóng chết yểu trên những cánh rừng. Riêng năm 2002, Nghĩa Đàn được dự án giao trồng 500 ha sở, nhiều người dân nơi đây cho hay: Diện tích trồng sở hầu hết bị chết, số còn lại sống còi cọc muốn thay thế trồng cây khác có hiệu quả hơn nhưng không dám vì đất của dự án.

Tại địa bàn huyện Kỳ Sơn, cây mận tam hoa được đưa vào trồng từ những năm 1996 của Dự án UNICEF. Diện tích thời cao điểm đạt trên 200 ha, mỗi năm thu trên 1.000 tấn quả, tuy nhiên, cũng không mang lại hiệu quả. Ông Lỳ Chò ở bản Trung Tâm –Mường Lống – Kỳ Sơn tâm sự: Gia đình trồng gần 1 ha mận tam hoa, thời gian đầu còn bán được 10.000 đ/kg, nhưng sau bán chẳng ai mua, nên có những năm mận chín thối cả vườn. Ông Lỳ Pá Chò - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống chia sẻ: Đến thời điểm này diện tích mận tam hoa ở Mường Lống vẫn đang còn trên 100 ha. Hiện đường giao thông đã được nhựa hóa vào trung tâm xã, vấn đề vận chuyển không đáng ngại nhưng giá mận quá rẻ nên vào mùa thu hoạch vẫn bị ứ đọng. Mường Lống đang rất cần thay thế cây mận tam hoa bằng loại cây khác nhưng chưa tìm được loại cây phù hợp.

Ngoài ra, ở huyện Kỳ Sơn đang còn một số cây chưa phát huy hiệu quả như cây hồng và giống thông đỏ. Riêng cây hồng chủ yếu trồng ở xã Tây Sơn 15 ha, nhưng do chất lượng cây giống không đồng đều, kỹ thuật canh tác của bà con hạn chế nên năng suất thấp, chưa kể là đầu ra sản phẩm rất khó nên hiện nay người dân không chăm sóc. Khoai sọ ở Kỳ Sơn lâu nay là cây đặc sản, toàn huyện có hàng trăm ha. Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian đầu khoai sọ ở Kỳ Sơn có khoảng trên 250 ha ở các xã Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ… mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng 2 năm trở lại nay khoai sọ không tiêu thụ được. Lý do khoai sọ là giống trồng tự nhiên ăn thì rất bùi và thơm ngon, nhưng thời gian gần đây người dân trồng khoai sọ sử dụng phân bón nên khoai bị sượng, người tiêu dùng chê.

Anh Lô Khăm Kha – Phó phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Riêng ở Tương Dương năm 2003 Chương trình 135 hỗ trợ giống cho bà con trồng được khoảng trên 7 ha măng bát độ ở các xã Thạch Giám, Tam Thái… Hy vọng đây sẽ là mô hình hiệu quả để nhân rộng. Tuy nhiên, chỉ được thời gian đầu, nhiều hộ dân trồng xong không bảo vệ được nên để trâu, bò phá hoại, chưa kể là loại măng này khó tiêu thụ nên bà con không mặn mà trồng. Đến thời điểm này toàn huyện Tương Dương chỉ còn 2 hộ ở xã Tam Thái trồng khoảng trên 60 gốc tre bát độ.

Để trồng các loại cây khai thác được tiềm năng đất đai phát triển kinh tế ở vùng cao có nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư dài hơi và đồng bộ, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con. Trong đó, đặc biệt quan tâm họn giống cây phù hợp chất đất, nhu cầu thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm khi thị trường gặp khó khăn. Có như vậy mới hy vọng giải được “bài toán” cây trồng hiệu quả cho bà con vùng cao.


Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Giải “bài toán” cây trồng hiệu quả cho vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO