Giải Bài toán "ly nông bất ly hương"

07/02/2014 15:07

(Baonghean) - Do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ hạn chế và tâm lý muốn ly nông, thích đi xa nên nhiều thanh niên nông thôn đã chọn con đường ly hương để lập nghiệp, đổ xô vào các KCN ở Miền Nam làm thuê. Không có nghề trong tay, trình độ hạn chế nên hầu hết lao động thu nhập bấp bênh, thậm chí chẳng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

(Baonghean) - Do điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ hạn chế và tâm lý muốn ly nông, thích đi xa nên nhiều thanh niên nông thôn đã chọn con đường ly hương để lập nghiệp, đổ xô vào các KCN ở Miền Nam làm thuê. Không có nghề trong tay, trình độ hạn chế nên hầu hết lao động thu nhập bấp bênh, thậm chí chẳng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Ly hương… vẫn nghèo

Khi về bất cứ xã nào ở xứ Nghệ cũng tìm thấy cảnh làng xóm đìu hiu, chủ yếu người già và trẻ con ở nhà còn thanh niên đa phần vào Nam tìm việc. Điều này cũng dễ hiểu bởi hiện nay, muốn tìm một việc làm ở nông thôn lúc nông nhàn thật khó, cộng thêm tâm lý không thích làm nông của lao động trẻ, trong khi đó ở các nhà máy phía Nam nhu cầu lao động luôn cao. Thế nhưng, để tìm một cuộc sống ổn định ở nơi “đất khách quê người” không phải dễ bởi chi phí ở những thành phố lớn thường đắt đỏ. Riêng tiền trọ, tiền sinh hoạt, tiền xăng xe đi lại… cũng đã chiếm một khoản không nhỏ trong tổng thu nhập hàng tháng của người lao động.

Nghề đóng tàu đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở Nghi Thiết - Nghi Lộc.
Nghề đóng tàu đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở Nghi Thiết - Nghi Lộc.

Gặp chị Lê Thị Ngọc ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu khi chị đang lên Trung tâm Giới thiệu việc làm để đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp sau 12 năm làm việc ở công ty da giày ở Bình Dương, chị thở dài cho biết: “Làm ở miền Nam, không ăn thua đâu em ạ, vất vả và truân chuyên lắm”. Tìm hiểu được biết, thời điểm năm 2002, khi mới vào Nam lương khởi điểm của chị Ngọc là 600.000 đồng/tháng, khi đó vàng cũng chỉ khoảng 400 – 600.000đồng/chỉ. Với thu nhập trên, chắt bóp một năm chị cũng còn cất được vài chỉ vàng. Nhưng hiện tại mặc dù có tháng thu nhập lên đến 4 triệu đồng chị cũng chẳng tiết kiệm được bao bởi giá cả ngày càng đắt đỏ. Chị tính nhẩm: 1 tháng, 3 chị em thuê một phòng trọ cũng mất hơn 1 triệu đồng, rồi tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt hàng ngày. Nếu cố hết sức, một năm cũng chỉ dành dụm được 15 – 20 triệu đồng. Xa nhà đã 12 năm, nhẩm tính lại số tiền tiết kiệm của chị cũng chẳng được bao. Tuổi xuân cũng trôi qua mà chị chưa lập gia đình. Lo cho con gái, về nghỉ tết đợt này bố mẹ bảo chị ở nhà, làm ruộng dù có thu nhập thấp hơn nhưng ít nhất không phải xa gia đình “thân gái dặm trường”.

Theo bà Lâm Thị Quế, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp – Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh: Thời điểm cuối năm bao giờ số người đăng ký thất nghiệp cũng đông hơn những ngày bình thường, đa phần trong đó là công nhân làm việc ở miền Nam về. Điều đó cũng cho thấy, người lao động hiện nay không còn mặn mà với việc làm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, một phần có thể vì thu nhập ở trong đó thấp quá. Tuy không có số liệu thống kê nhưng chị lấy dẫn chứng: Theo quy định, một người lao động sau khi nghỉ việc nếu có giấy tờ đầy đủ sẽ được hưởng lương thất nghiệp trong vòng 6 tháng với mức bằng 60% lương thực nhận ở đơn vị cũ. Tuy vậy, qua theo dõi, hiện tại đa phần người lao động chỉ được nhận từ 1, 5 – 2 triệu đồng, số được 3 – 4 triệu đồng rất ít. Như vậy, trung bình một tháng làm công nhân, người lao động chỉ được từ 2, 5 – 3 triệu đồng.

Về xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), anh Hoàng Văn Thái, Bí thư Đoàn xã đưa chúng tôi đến gia đình em Nguyễn Thị Hà, một nạn nhân sau 2 năm làm công nhân ở miền Nam. Nhà Hà ở xóm Bắc Thịnh, nơi xa xôi và khó khăn nhất của xã, ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, xung quanh chỉ toàn là ao hồ nên càng heo hút. Bố Hà, ông Nguyễn Văn Đông năm nay chưa đến 50 tuổi mà đã hom hem như người già. Hà ngượng ngịu bồng con. Nhìn cô bé mặt còn búng ra sữa không ai nghĩ em đã làm mẹ được hơn một năm nay. Hỏi đến con, ông Đông rơi nước mắt.

Ông kể: Vợ chồng ông chỉ có duy nhất là Hà, nhưng vì nhà nghèo nên có cố bao nhiêu cũng chỉ nuôi con học đến lớp 5, rồi khi Hà được 15 tuổi mẹ em mất vì bệnh tim. Vợ không còn, hai bố con sống dựa vào nhau, song vì ông có bệnh thần kinh, một tháng chỉ tỉnh táo đôi lần còn lại là lên cơn co giật nên chẳng làm được gì, cũng không ai muốn thuê ông vì sợ ông lên cơn bất ngờ. Thương bố, nghe theo mấy chị trong xóm, Hà vào Bình Dương xin làm công nhân ở công ty da giày Đức Thành. Cuộc sống cơ cực, để tiết kiệm tiền, 8 chị em thuê chung một phòng trọ. Thế mà làm hai năm, chưa chắt bóp được bao Hà lại bị một người cùng làm trong công ty lừa cho có bầu. 19 tuổi đã làm mẹ, chẳng biết dựa vào đâu, Hà lại xách con về quê. Từ bấy đến nay, gần một năm, mỗi lần nhắc đến chuyện đi làm ở miền Nam là bố của Hà lại lên cơn, sợ hãi. Còn Hà, nghĩ đến chuyện đó là lại nghĩ đến kẻ bội bạc, nghĩ đến những ngày chạy xuyên ca, vất vả đủ bề.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Xóm trưởng xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết cho hay: Do đặc thù của làng Bắc Thịnh nửa nông, nửa ngư, trong đó đất nông nghiệp rất ít nên đa phần thanh niên trong làng lớn lên là đi làm ăn xa. Có những khi đi gần hết làng, chỉ còn người già và trẻ con ở nhà. Tuy nhiên, do làm ăn ở Nam vừa xa, vừa thu nhập thấp nên gần đây xu hướng đi Nam giảm dần. Thay vào đó họ sang Thái, sang Lào buôn bán. Hiện cả xóm có khoảng 60 người đang lao động ở nước ngoài, nhưng việc đi cũng chủ yếu là tự phát, đi theo con đường tiểu ngạch chứ không phải qua công ty. Do đó, cũng không thể lường hết những rủi ro.

Và còn rất nhiều những câu chuyện buồn của những lao động trẻ chọn con đường ly hương để lập nghiệp, nhiều thanh niên học xong phổ thông là “Nam tiến” để rồi một năm có 365 ngày quần quật tăng ca, tăng buổi nhưng họ vẫn không đủ để trang trải cho những khoản chi tiêu ngày thường và vô số những khoản chi “không tên” khác. Nhiều người, khi về tết họ vẫn phải nhờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tỉnh, thành đoàn phía Nam.

Những “triệu phú” làng quê

Trong khi nhiều thanh niên nông thôn bỏ quê vào Nam, ra Bắc tìm việc làm, những năm gần đây có rất nhiều người với quyết tâm “bất ly hương” đã vươn lên trở thành “triệu phú” nông dân góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Điển hình như anh Hoàng Minh Khánh, sinh năm 1982, ở xóm 12, xã Hưng Long, Hưng Nguyên người vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ và cũng được suy tôn là gương mặt trẻ Nghệ An tiêu biểu. Là con độc nhất trong gia đình nông thôn nghèo, bố mẹ đau yếu thường xuyên, không có khả năng lao động nên học hết THPT, Khánh đành gác lại việc học hành để tập trung lao động sản xuất, nuôi sống gia đình và tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương.

Trước làn sóng “ly hương” của bạn bè cùng trang lứa, là bí thư chi đoàn lại là đảng viên, Khánh luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để xóa đói, giảm nghèo cho bản thân và tạo việc làm cho lao động trẻ tại địa phương? Mới đầu Khánh ý định học nghề cơ khí gò hàn về mở xưởng cơ khí, nhưng một lần tình cờ đi qua các cửa hàng bán hoa tươi ở Thành phố Vinh, thấy nhiều người dân Hà Tây chở các mặt hàng mây tre đan làm phụ kiện cắm hoa như đôn lẵng hoa, vòng hoa và giỏ đựng quà… vào bán, trong đầu chàng trai trẻ nảy ra ý tưởng mở cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ. Từ hai bàn tay trắng, với sự phấn đấu nỗ lực hết mình, Hoàng Minh Khánh đã vươn lên trở thành “triệu phú” trẻ ở làng quê. Đến nay cơ sở sản xuất của anh có tới 16 chủng loại hàng, thu hút hàng chục lao động làm tập trung với mức lương từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng/người/tháng; chưa kể lực lượng đông đảo lao động thường xuyên là những người trong xóm, trong xã nhận hàng về nhà làm. Mỗi năm, cơ sở của Hoàng Minh Khánh sản xuất ra từ 200.000 - 250.000 sản phẩm các loại với tổng doanh thu từ 3,5 - 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng 500 triệu đồng. Ngoài việc phát triển cơ sở sản xuất, anh còn đầu tư kinh doanh buôn bán thêm một số mặt hàng liên quan như: Nhập khẩu xốp bọt cắm hoa từ Malayxia; các sản phẩm hoa lụa, giấy màu bó hoa từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định…

Hay như anh Trần Song Thành (Nghĩa Bình – Nghĩa Đàn) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế bằng việc xây dựng mô hình trang trại VAC. Với tổng doanh thu hàng năm trên 300.000.000 đồng, đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 – 7 thanh niên lao động địa phương. Còn anh Lê Công Thuận xóm Kỳ Sơn (Tân Kỳ) sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp khoa hệ thống điện Trường Đại học Điện lực Hà Nội, nhờ khả năng nói tiếng Anh lưu loát, anh được nhận vào làm tại một công ty nước ngoài ở Đồng Nai, công việc nhẹ nhàng thu nhập ổn định, đó là niềm mơ ước của nhiều người khi đó nhưng anh nhận ra “dù có làm tốt đến đâu cũng chỉ là làm thuê” và anh đã quyết định trở về quê xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp bắt đầu từ nuôi nhím, cầy hương, nuôi heo rồi ấp trứng và kinh doanh giống gia cầm, gà thịt, tổng doanh thu hằng năm trên 300 triệu đồng, lãi ròng khoảng 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 2 lao động thời vụ. Hay như anh Nguyễn Văn Hiếu (Hưng Xá – Hưng Nguyên), bản thân tốt nghiệp loại giỏi ngành Kỹ sư nông học Trường Đại học Vinh và được đào tạo 1 năm về quản lý trang trại tại Israel. Hiếu quyết định xây dựng trang trại cây trồng bằng cách áp dụng các công nghệ sinh học, khoa học kỹ thuật. Mỗi năm cho thu nhập khoảng 575 triệu đồng… Họ là những thanh niên nông thôn với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, đang từng bước vượt qua những khó khăn, bằng ý chí, nỗ lực cùng với sức sáng tạo, sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Lời giải nào cho bài toán “bất ly hương”?

Hiện nay thanh niên tỉnh ta từ 16 đến 30 tuổi có hơn 1 triệu người, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm 48,83%. Theo anh Đặng Hồng Thăng - Bí thư Huyện đoàn Nam Đàn thì để giải bài toán việc làm cho lao động nông thôn, các địa phương phải thực hiện tốt vấn đề quy hoạch nông thôn và có những chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về hoạt động tại địa bàn. Thực tế trên địa bàn huyện Nam Đàn nhờ có 2 Nhà máy may HAIVINA Kim Liên và Nhà máy Dệt may Hanosimex đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức mở các HTX tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề địa phương vừa có thể sử dụng người lao động ở địa bàn, vừa tận dụng những nguyên liệu sẵn có để khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương.

Như ở HTX đóng tàu Trung Kiên (Nghi Thiết, Nghi Lộc) những năm gần đây nhờ nghề đóng tàu phát triển mạnh đã giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động nông thôn, chủ yếu là nam giới làm nghề trực tiếp. Một số người sau nhiều năm ly hương thất bại đã chấp nhận quay về quê lập nghiệp như trường hợp của anh Phan Văn Công, sau 10 năm lăn lộn ở các xưởng đóng tàu ở Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, hai năm nay anh về tổ hợp đóng tàu Lữ Hiền làm việc. Vì có kinh nghiệm nên anh được trả mức lương 300.000 đồng/ngày. Anh Công cho biết: “Làm ở nhà dù sao vẫn hơn, vì được ở gần vợ gần con, không phải một nhà “ba bốn niêu”, cũng không tốn tiền đi lại và các khoản chi phí khác”.

Còn anh theo Đặng Minh Chính - Trưởng ban Thanh niên công nhân đô thị Tỉnh đoàn thì: Tỉnh ta có thế mạnh về nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, nếu những thanh niên chưa có việc làm hoặc những thanh niên đang đi làm thuê ở những địa phương khác được đào tạo, hướng nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn vay để đầu tư trang, thiết bị sản xuất thì những thanh niên nông thôn sẽ không phải vất vả bươn chải trên “đất khách quê người” mà thay vào đó họ sẽ có cơ hội làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Trong những năm qua, đoàn thanh niên đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành hỗ trợ thanh niên nông thôn trong các hoạt động như chuyển giao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trẻ. Mỗi năm, các cấp bộ đoàn đã tạo điều kiện cho 7.000 thanh niên tìm được việc làm trong và ngoài nước, trên 15.000 bạn trẻ được định hướng nghề nghiệp, hơn 26.890 thanh niên và hộ gia đình thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ đạt gần 600 triệu đồng. Thông qua các nguồn vốn ưu đãi đã giải quyết việc làm mới cho 10.250 thanh niên. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi được nhân rộng. Hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 trang trại thanh niên tại gia, vùng chiêm trũng, gò đồi có qui mô từ 1 - 15 ha, thu nhập từ 30 - 100 triệu đồng/ năm. Tính từ 2008 - 2013 tỉnh ta có 33 gương thanh niên tiêu biểu được tuyên dương và nhận Giải thưởng Lương Định Của dành cho các nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc. Họ đều là những điển hình thanh niên trực tiếp phát triển kinh tế với mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt ở địa phương… Điều này chứng minh nếu thanh niên nông thôn có kiến thức, tay nghề, nghị lực và khát vọng vươn lên làm giàu thì họ chính là lực lượng tiên phong trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của quê hương để phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay việc thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn chưa nhiều. Chính sách vay vốn còn bị bó hẹp và chưa thực sự cởi mở cả về nguồn vốn và hình thức cho vay. Do đó, cần có phương hướng cụ thể để đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, phát triển mô hình mới, ngành nghề mới nhằm nâng cao thu nhập, giúp thanh niên nông thôn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Tổ chức Đoàn, Hội cần phát huy vai trò cầu nối trong việc phát triển mối liên kết 4 nhà “Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích các hình thức liên kết đỡ đầu, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nhân trẻ với các ý tưởng sản xuất, kinh doanh mới, nhất là sản phẩm sau thu hoạch. Hướng dẫn xây dựng và phát triển Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi cấp xã để liên kết, tập hợp những thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tham gia phát triển KT-XH. Công tác đào tạo nghề cũng phải đổi mới theo hướng gắn với chương trình qui hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhu cầu xã hội, nguyện vọng của người lao động; đào tạo phải gắn với giới thiệu, tìm kiếm việc làm.

Nhưng điều quan trọng nhất là lao động trẻ ở nông thôn phải tự thân vận động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, xác định, lựa chọn đúng hướng đi phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân, của gia đình cũng như tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để quyết tâm làm giàu chính đáng ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Bài ảnh: Khánh Ly - Mỹ Hà

Giải Bài toán "ly nông bất ly hương"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO