Giải bài toán rác thải y tế?

24/05/2011 10:23

Nghệ An hiện có 27 bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 2 trung tâm tuyến tỉnh có giường bệnh là Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Mắt, một Trung tâm y tế huyện có giường bệnh chuẩn bị hoạt động Trung tâm y tế Nghĩa Đàn, 8 bệnh viện tư nhân với tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 5.419.

Nghệ An hiện có 27 bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện tuyến tỉnh, 17 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 2 trung tâm tuyến tỉnh có giường bệnh là Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Mắt, một Trung tâm y tế huyện có giường bệnh chuẩn bị hoạt động Trung tâm y tế Nghĩa Đàn, 8 bệnh viện tư nhân với tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 5.419.

Do chưa được đầu tư đúng mức về hệ thống xử lý rác thải nên trong thời gian qua, chất thải ở nhiều cơ sở y tế đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Chỉ tính trung bình ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện thì mỗi ngày cũng thải ra lượng rác từ 30-50 kg.

Qua khảo sát, có thể thấy, đến nay, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đã có lò đốt chất thải rắn, một số đơn vị chưa có lò đốt nhưng đã tiến hành thu gom tập trung tại địa điểm quy định.

Lò đốt Hoval của Bệnh viện Hữu nghị ĐK NA hiện là nơi xử lý chất thải rắn
cho nhiều bệnh viện trong khu vực


Điều đáng lo ngại là hiện nay, hầu hết các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng. Một số bệnh viện đã được phê duyệt hạng mục đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng hiện đang tạm dừng lại vì lý do lạm phát, một số bệnh viện tư nhân đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa hoàn chỉnh.


Mới đây, đoàn kiểm tra công tác xử lý chất thải ở các bệnh viện đã tiến hành kiểm tra tại 4 cơ sở, trong đó đặc biệt có 3 cơ sở y tế vốn đã được xếp trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/CP-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ là Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh, và một cơ sở y tế tư nhân là Bệnh viện đa khoa Thái An.


Đối với loại chất thải sinh hoạt, ở cả 4 cơ sở đều có hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị thành phố để xử lý hàng ngày. Đối với loại chất thải rắn, nguy hại, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh và BV Thái An sử dụng lò đốt Hoval của Áo, đưa vào sử dụng từ năm 2001, đặt tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Công suất lò đốt này là 400-500 kg/ngày, xử lý rác thải cho nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn thành phố.

Do sử dụng đã trên 10 năm, có lúc ở tình trạng quá tải nên lò đốt đã xuống cấp, được bệnh viện tiến hành sửa chữa khắc phục, đến nay vẫn hoạt động được.

Bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh trước đây cũng sử dụng lò đốt này nhưng từ tháng 4, bệnh viện đã được đầu tư lò đốt bằng nguồn kinh phí trái phiếu Chính phủ với công suất 20kg/h, đã được Sở Tài nguyên Môi trường kiểm định đo lượng khói bụi và xác định đạt tiêu chuẩn yêu cầu.

Riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, lò đốt được đầu tư lắp đặt từ năm 2008, được kiểm định tiêu chuẩn kỹ thuật với công suất 20kg/h, tuần đốt 2 lần, nhưng đến nay đang có biểu hiện nhiều khói. Bệnh viện đang có đề xuất với cơ sở lắp đặt lò đốt kiểm tra lại tiêu chuẩn kỹ thuật và mời cơ quan quan trắc môi trường tới kiểm định.


Còn với loại chất thải lỏng, hiện cả 4 bệnh viện này đều được đầu tư hệ thống xử lý nhưng việc hoạt động trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc. Bệnh viện đa khoa TP Vinh có hệ thống xử lý chất thải lỏng theo công nghệ vi sinh của Viện Khoa học công nghệ môi trường TP Hồ Chí Minh, sử dụng từ năm 2005 với công suất 100m3/ngày, đêm.

Đến năm 2008, do vận hành không đúng quy trình nên dừng hoạt động. Đến nay đã khắc phục, sửa chữa, đưa vào hoạt động và được Sở Tài nguyên Môi trường công nhận đạt tiêu chuẩn xả thải. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có hệ thống xử lý chất thải lỏng theo công nghệ bùn hoạt tính lọc vi sinh cao tần của Viện Khoa học công nghệ TP Hồ Chí Minh, công suất 100m3/ngày, đêm, sử dụng từ 2008 nhưng chưa được cấp phép xả thải vì chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện khẩn trương mời chuyên gia kỹ thuật kiểm định và khắc phục sửa chữa hệ thống này.

Ở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, chất thải lỏng được xử lý bằng công nghệ yếm-hiếu khí kết hợp khử trùng bằng clo của Bộ Khoa học Công nghệ với tổng kinh phí 7,7 tỷ đồng, khởi công lắp đặt từ tháng 10-2007 đến nay đã hoàn thành, song nhà thầu chưa bàn giao công trình cho bệnh viện, vì thế mà hệ thống vẫn chưa được cấp phép xả thải trong khi kết quả kiểm định của quan trắc môi trường vào tháng 2 vừa qua đã kết luận các chỉ số nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Còn tại Bệnh viện tư nhân Thái An, trước đây có đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng, song cuối năm 2009, trong quá trình nâng cấp cải tạo, hệ thống này không hoạt động theo quy trình nữa mà xả trực tiếp ra ao sau viện. Hiện nay, bệnh viện đã thiết kế, hợp đồng lắp đặt hệ thống xử lý chất thải lỏng với Công ty Môi trường TP Hồ Chí Minh và cam kết hoàn thành hệ thống mới này sau 2 tháng nữa sau khi được cơ quan chuyên môn công nhận đạt tiêu chuẩn.


Như vậy, có thể thấy một thực tế là việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải ở các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện " trọng điểm" nằm trong Quyết định 64 là không thiếu, song điều quan trọng hơn là việc sử dụng, bảo quản chưa được xem trọng.

Bên cạnh đó, những thủ tục bàn giao công trình, việc trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm ra khỏi Quyết định 64 của một số bệnh viện chưa được tiến hành nhanh chóng.

Ngành Y tế cũng đã đề nghị: đối với các cơ sở y tế ngoài công lập cần chủ động đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định; có chế độ vận hành, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo hoạt động tốt.

Đề nghị với Tỉnh ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện công lập; đầu tư cho Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh xây dựng kho lạnh chứa rác, đầu tư thay thế lò đốt rác mới thay lò cũ đã xuống cấp; trong tương lai đề nghị đầu tư xây dựng lò đốt rác tập trung cho các cơ sở y tế theo khu vực.


Thùy Vinh

Mới nhất

x
Giải bài toán rác thải y tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO