Giải pháp căn cơ cho PCI Nghệ An
(Baonghean.vn) - Năm 2022, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An đứng thứ 23/63 tỉnh, thành của cả nước, đứng thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ số PCI, từ năm 2012, tỉnh Nghệ An đã sớm ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI với nhiều giải pháp đồng bộ.
Kể từ năm 2014 và những năm gần đây, Chỉ số PCI của Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực, luôn nằm trong nhóm khá và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Năm 2021, điểm số PCI của tỉnh Nghệ An là 64,74 (tăng 0,01 điểm so với năm 2020), tuy nhiên, thứ hạng lại giảm 12 bậc từ 18 xuống 30 trong Bảng tổng hợp xếp hạng Chỉ số PCI toàn quốc.
Biểu đồ Chỉ điểm số PCI Nghệ An từ năm 2006 đến năm 2022. Ảnh: Thành Duy |
Trong bối cảnh năm 2022, đại dịch Covid-19 tuy đã lắng xuống nhưng hậu quả của nó vẫn ảnh hưởng nặng nề tới đời sống kinh tế - xã hội và sự điều hành của chính quyền tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, cản trở, việc PCI Nghệ An đạt điểm số 66,6 (tăng 1,86 điểm so với năm 2021), vượt được 7 bậc trong Bảng xếp hạng là cả một sự nỗ lực phấn đấu lớn lao. Kết quả đó cho thấy mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã có nhiều chuyển biến và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Trong 2 năm gần đây, một số Chỉ số thành phần PCI Nghệ An có chuyển biến rõ rệt, như: Tính minh bạch; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương; Thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự; Cạnh tranh bình đẳng.
Đặc biệt, Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng tăng 2,54 điểm, xếp thứ hạng 11 (tăng 51 bậc); Thiết chế pháp lý và an ninh, trật tự tăng 0,91 điểm, xếp thứ hạng 33 (tăng 16 bậc); Chi phí không chính thức tăng 0,48 điểm, xếp thứ hạng 33 (tăng 18 bậc).
Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng lành mạnh
Theo Báo cáo PCI năm 2022, Chi phí không chính thức, Tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là 3 chỉ số thành phần có trọng số lớn nhất. Một trong những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là xu hướng giảm “tham nhũng vặt” ghi nhận được đã phản ánh nỗ lực của hệ thống chính trị trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành khoản chi đáng kể cho chi phí không chính thức sụt giảm. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành 5-10% doanh thu cho các khoản chi không chính thức đã giảm từ 5% xuống còn 3,2%. Đà giảm tương tự cũng quan sát được với nhóm các doanh nghiệp dành khoảng 1-2% và 2-5% doanh thu cho chi phí không chính thức. Hai nhóm cuối có sự thay đổi trái chiều nhau, với sự gia tăng của tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức ở mức dưới 1%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không chi trả của năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021.
Kết quả điều tra đã cho thấy, quy mô chi phí không chính thức đang có chiều hướng giảm dần qua từng năm. Tuy nhiên, việc chi trả chi phí không chính thức vẫn là lực cản ngầm đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy Chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Quang An |
Ông Trần Văn Anh - Phó Giám đốc Hợp tác xã Từ Tâm cho biết, công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Nghệ An gần đây có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng với những cải thiện trong gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp đang được chú trọng. Theo Báo cáo Chỉ số PCI năm nay, Nghệ An tăng 7 bậc, đặc biệt, Chỉ số thành phần chi phí không chính thức đạt 6,97 điểm (tăng 0,48 điểm so với năm 2021), tuy chưa phải là nhiều nhưng thể hiện sự minh bạch hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tính năng động của chính quyền địa phương là một chỉ số thành phần PCI nhằm đo lường, đánh giá chuẩn xác sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Một điểm đáng chú ý là, năm 2022, chỉ số này của tỉnh Nghệ An tăng 0,55 điểm so với năm 2021, xếp thứ hạng 25 (tăng 33 bậc).
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận, Chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng năm 2022 của PCI Nghệ An có một bước nhảy vọt không hề nhẹ, đạt 6,75 điểm (tăng 2,54 điểm so với năm 2021). Đây là 1 trong 5 chỉ số giảm mà tại Hội thảo đánh giá Chỉ số PCI năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã chỉ ra, gồm: Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Tính cạnh tranh bình đẳng (từ 6,35 điểm xuống còn 4,21); Đào tạo lao động; Tính năng động của chính quyền địa phương.
Thực tế cho thấy, tình trạng cạnh tranh thiếu bình đẳng dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn xuất hiện ở hầu khắp các địa phương với mức độ khác nhau, trong đó có Nghệ An. Chỉ số này không những giảm vào năm 2021 mà còn có điểm số thấp hơn những năm trước đó và 6,75 là điểm số cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cạnh tranh bình đẳng đóng vai trò rất quan trọng, là chìa khóa để kinh tế tư nhân phát triển. Để khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh, công bằng. Không những vậy, nó cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới.
Bảng xếp Chỉ số PCI của Nghệ An so với 63 tỉnh, thành của cả nước từ năm 2006 đến 2022. Ảnh: Thành Duy |
Giám đốc chi nhánh VCCI tại Nghệ An - ông Bùi Xuân Sinh đánh giá cao sự nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền Nghệ An trong suốt những năm qua, đặc biệt, những năm 2020, 2021 và 2022 ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Việc nâng thứ hạng PCI năm 2022 là một minh chứng cho những nỗ lực đó.
Tuy nhiên, ngoài những chỉ số thành phần đã được cải thiện thì chính quyền cần nhìn thẳng vào sự thật, nghiên cứu và tìm ra giải pháp căn cơ nhằm tăng hạng Chỉ số PCI trong những năm tới.
“PCI hay DDCI cũng chỉ là một kênh tham khảo do cộng đồng doanh nghiệp đánh giá năng lực điều hành nền kinh tế của chính quyền các cấp. Về lâu dài phải có các giải pháp đồng bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tinh giản bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả mới phát huy được sức mạnh nội lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bùi Xuân Sinh chia sẻ.
Giải pháp nào?
Theo nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia, để cải thiện Chỉ số PCI, tỉnh Nghệ An cần tập trung vào những chỉ số thành phần quan trọng nhưng bị giảm điểm, như: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động; trong đó, các Chỉ số Đào tạo lao động (với 5,05 điểm là chỉ số thấp nhất trong 10 chỉ số) và Gia nhập thị trường giảm liên tục trong 3 năm.
Công tác đào tạo lao động cần được chú trọng. Ảnh tư liệu BNA |
Để cải thiện Chỉ số PCI, trong đó, có các chỉ số thành phần như đã nói trên, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp không kém phần quan trọng như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, cần thành lập Ban Chỉ đạo PCI, ban hành quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong công tác quản lý, điều hành tại đơn vị; phối hợp với VCCI và các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Cuối cùng là, bên cạnh các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, cần chú trọng nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị và sở, ngành (DDCI) nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện, thị và sở, ngành - những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư./.