Giải pháp để nông dân gắn bó với vùng chè
Với tổng diện tích chè lên đến 8.000 ha, cây chè đã chứng minh được hiệu quả trên vùng đất trung du, gò đồi của nghệ an. Tuy nhiên, tại các vùng nguyên liệu, tình trạng tranh mua tranh bán đang tạo ra một nghịch lý thừa thiếu nguyên liệu giả tạo. Điều này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người trồng chè, doanh nghiệp mà xa hơn còn ảnh hưởng đến thương hiệu chè Nghệ An.
(Baonghean) - Với tổng diện tích chè lên đến 8.000 ha, cây chè đã chứng minh được hiệu quả trên vùng đất trung du, gò đồi của nghệ an. Tuy nhiên, tại các vùng nguyên liệu, tình trạng tranh mua tranh bán đang tạo ra một nghịch lý thừa thiếu nguyên liệu giả tạo. Điều này không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của người trồng chè, doanh nghiệp mà xa hơn còn ảnh hưởng đến thương hiệu chè Nghệ An.
“Nổi trôi” nguyên liệu chè
Trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, xuất khẩu chè Nghệ An vẫn đạt tăng trưởng dương về giá trị là tín hiệu đáng khích lệ. Tuy nhiên, ở các vùng nguyên liệu chè của tỉnh ta tồn tại một thực tế đáng phải suy ngẫm. Đó là người trồng chè đang không mấy mặn mà gắn bó với xí nghiệp trực thuộc công ty, dù được hỗ trợ đầu tư chăm sóc theo chế độ của Nhà nước. Chúng tôi đã trực tiếp về tìm hiểu tại vùng nguyên liệu chè xã Thanh Mai (Thanh Chương). Cả xã có tổng diện tích khoảng 400 ha, cộng thêm 214 ha chè của Xí nghiệp chế biến, dịch vụ chè Thanh Mai. Ông Bùi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai thống kê: “Năng suất chè của xã dao động từ 11,5 -12 tấn/ha/năm, sản lượng khoảng 4.800 tấn búp tươi mỗi năm. Còn diện tích của Xí nghiệp chè Thanh Mai cho sản lượng hơn 2.000 tấn/năm”. Vậy nhưng, có một nghịch lý đang xẩy ra, đó là Xưởng chế biến chè của Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Thanh Mai chỉ có công suất 12 tấn/ngày song vẫn thiếu nguyên liệu.
Ông Trần Quốc Khánh - Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Năm nào làm kịch liệt, xí nghiệp mới thu mua được 1/3 sản lượng chè trên địa bàn, nếu chúng tôi không đẩy mạnh công tác giao chỉ tiêu cho công nhân thì thu mua còn kém hơn. Năm 2012, xí nghiệp chỉ thu mua được 600 tấn trên tổng sản lượng hơn 2.000 tấn”. Vậy số nguyên liệu chè còn lại trồng trên địa bàn đi đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã trực tiếp ra các vùng nguyên liệu chè của Xí nghiệp dịch vụ chế biến chè Thanh Mai.
Gặp gia đình chị Lê Thị T - công nhân đội 3, đang cùng gia đình đóng gói chè búp đi nhập. Chị tâm sự: “Năm nào thời tiết thuận lợi thì 1 tháng gia đình thu hoạch chè một lần, còn nếu thời tiết không thuận lợi thì chu kì thu hoạch kéo dài 1,5 tháng. Trong khoảng thời gian đó, gia đình phải thuê người bón đạm 3 lần, chưa kể cuối năm phải “tung” thêm khoảng 5 tạ đạm để bón thúc chè. Vì vậy chi phí đầu tư cũng khá lớn. Trong khi đó, có thời điểm, Xí nghiệp mua nguyên liệu chênh hơn mười giá so với các cơ sở chế biến tư nhân nên gia đình chỉ dành một phần bán cho Xí nghiệp theo số lượng được khoán, một phần bán cho các cơ sở chế biến tư nhân, vậy mới có lời, bù được công lao động”. Cũng trong cùng buổi chiều, chỉ 30 phút quan sát, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều người của Xí nghiệp chở những bì chè búp cao quá đầu người liên tục vào các xưởng chế biến tư nhân nằm san sát dọc theo đường Hồ Chí Minh.
Như vậy, nguyên nhân công nhân của Xí nghiệp bán chè cho các cơ sở chế biến tư nhân diễn ra phổ biến là do giá thu mua của Xí nghiệp không theo kịp mặt bằng giá của các cơ sở tư nhân. Ngược lại, ở góc độ khách hàng, các cơ sở chế biến tư nhân rất chuộng mua chè nguyên liệu của công nhân Xí nghiệp vì chất lượng chè búp có phần trội hơn so với chè búp trong nhân dân do được áp dụng đúng quy trình kĩ thuật. Trên địa bàn xã Thanh Mai hiện có 11 cơ sở tư nhân với tổng năng lực thu mua và chế biến vào khoảng 100 tấn/ ngày đêm.
Đơn cử, cơ sở chế biến chè Đường Thích của gia đình anh Nguyễn Văn Đường ở xóm Nam Sơn, qui mô dây chuyền sản xuất lên đến 15 tấn búp tươi/ngày và hiện đại hơn dây chuyền của Xí nghiệp. Khi chúng tôi đến, các lò quay đang hoạt động hết công suất. Anh Đường, chủ cơ sở sản xuất chè cho biết: “Dây chuyền máy móc thiết bị này được đối tác cho ứng trước. Sau mỗi lần nhập hàng cho đối tác, một phần thu nhập được trừ vào tiền đầu tư máy. Chúng tôi nỗ lực thu mua, chế biến vì sự tồn tại của mình và giải quyết đầu ra cho người trồng chè…”.
Dây chuyền chế biến chè xanh hiện đại 15 tấn/ngày của doanh nghiệp tư nhân Đường Thích ở Thanh Mai - Thanh Chương.
Tương tự, tại xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cũng có 3 xưởng chế biến chè nguyên liệu với tổng công suất chế biến hơn 30 tấn/ngày đi vào hoạt động. Hầu hết người trồng chè ở Hùng Sơn đều bán chè búp cho Xí nghiệp chế biến và dịch vụ chè Hùng Sơn với giá 3,3 ngàn đồng/kg. Trong khi đó các đơn vị tư nhân thu mua với giá khoảng 3,55 ngàn đồng/kg. Ông Trần Đức Châu – Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn được xã kết hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Đầu tư phát triển chè Nghệ An xây dựng theo hình thức đầu tư giống, vật phân bón, kĩ thuật thâm canh… Bắt đầu từ năm 2001, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Hùng Sơn kí hợp đồng thu mua chè hàng năm cho người trồng chè. Tuy nhiên, sự xuất hiện các cơ sở chế biến chè tư nhân kéo theo hiện tượng tranh mua tranh bán đang đe dọa phá vỡ vùng chè nguyên liệu vốn ổn định bấy lâu nay”.
Trong khi ở Thanh Mai (Thanh Chương) và Hùng Sơn (Anh Sơn) cơ sở chè tư nhân mọc lên nhiều, tranh mua tranh bán với các xí nghiệp chè trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An thì tại Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Tháng 10 đóng tại xóm Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), số phận của người trồng chè đang rất bấp bênh do Xí nghiệp chế biến và dịch vụ chè Tháng 10 chưa có xưởng chế biến. Khi chúng tôi vào liên hệ tìm hiểu thông tin thì trụ sở xí nghiệp gồm 3 dãy nhà cấp 4 cửa đóng im lìm dù đang trong giờ làm việc. Cả cơ quan chỉ có ông bảo vệ Nguyễn Văn Lợi cùng cậu con trai 3 tuổi đang túc trực. Xí nghiệp chế biến và dịch vụ chè Tháng 10 tiền thân là Tổng đội TNXP – XDKT huyện Anh Sơn được giao quyền quản lý và sử dụng hơn 2.000 ha đất trên địa bàn các xã Hội Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn và Cẩm Sơn.
Từ năm 2007, Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Tháng 10 tiếp quản và chính thức đi vào hoạt động. Thế nhưng, từ khi nhận chuyển giao đến nay, do chưa hình thành được xưởng chế biến nên hầu hết chè nguyên liệu của người dân phải bán cho các xí nghiệp khác hoặc các cơ sở tư nhân, giá cả bấp bênh, dẫn đến quyền lợi của người trồng chè không được đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Thắm, xóm Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn than: “Sản phẩm chè của gia đình bán không ổn định, giá lúc lên lúc xuống tùy theo sức mua của tư thương…”. Như vậy, có thể thấy ở một số vùng nguyên liệu chè, đang có những nghịch lý nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ gây thiệt đơn thiệt kép cho cả người trồng chè lẫn doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Người dân thu hoạch chè.
Cần hài hòa lợi ích
Với tổng diện tích chè toàn tỉnh lên đến 8.000 ha trong khi các xưởng chế biến của Công ty (TNHH MTV) Đầu tư phát triển chè Nghệ An chỉ đáp ứng năng lực chế biến trên tổng diện tích gần 3.000 ha của công ty. Do đó, việc kêu gọi xây dựng và phát triển thêm các nhà máy chế biến của cả nhà nước và tư nhân là điều cần thiết để tạo ra môi trường cạnh tranh tạo đầu ra cho sản phẩm người trồng chè. Ông Bùi Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết: “Các cơ sở tư nhân đã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm của người trồng chè, vì năng lực của Xí nghiệp chế biến, dịch vụ chè Thanh Mai cũng có hạn…”. Xét cho cùng, cách đánh giá của ông Thắng là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên qua tìm hiểu chúng tôi thấy, rất nhiều các cơ sở chế biến chè khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đều không xây dựng vùng nguyên liệu chè hoặc kí hợp đồng với các hộ nông dân để đáp ứng 70% nhu cầu nguyên liệu theo như quy định chế biến chè của UBND tỉnh.
Trong thực tế, các cơ sở chế biến tư nhân đã “nhảy dù” vào vùng nguyên liệu được các xí nghiệp chè cùng chính quyền và người dân các địa phương xây dựng từ trước. Xuất hiện sau, và để có nguyên liệu sản xuất, các cơ sở tư nhân đã đẩy giá lên cao, phá vỡ mặt bằng giá chung của ngành chè để thu hút người bán nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong một giai đoạn nhất định, chứ không mang tính bền vững. Đồng quan điểm này, ông Trần Đức Châu – Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn (Anh Sơn) nêu ý kiến: “Vấn đề không phải là ngăn sông cấm chợ, phân biệt hình thức doanh nghiệp nhưng khi cấp phép các nhà quản lý cần kiểm tra rõ xem doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện kinh doanh như xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có hợp đồng đảm bảo nguyên liệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại cơ sở sản xuất hay không. Như vậy mới tạo sự công bằng trong cạnh tranh ở lĩnh vực này”.
Ngoài ra, với cách thu mua “chụp giật”, tức là không kí hợp đồng cụ thể, khi giá cả thị trường xuống, quyền lợi của người trồng chè sẽ không được đảm bảo, mang nhiều yếu tố rủi ro khi các cơ sở tư nhân ngừng thu mua. Và trong thực tế tại xã Thanh Mai (Thanh Chương) đã xảy ra hiện tượng là những năm trước, có lúc giá chè xuống còn 1,8 ngàn/kg, lúc đó các xưởng tư nhân không thu mua, sản phẩm chè của nông dân làm ra bị ứ đọng nhiều.
Cơ chế điều hành giá cả
Không chỉ chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chế biến chè tư nhân mà về phía đơn vị được xem là nòng cốt của ngành chè là Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An cũng cần có cơ chế điều hành giá cả thu mua linh hoạt hơn. Công ty cần cho các xí nghiệp thành viên chủ động một phần hoặc hoàn toàn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh để không có sự chênh lệch quá lớn giữa giá mua của xí nghiệp và các cơ sở tư nhân. Bởi hiện nay, theo ông Đinh Văn Hiệp - Trưởng phòng Kế hoạch, kỹ thuật nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An thì, đơn vị này đang làm phương án giá của năm sau bằng cách căn cứ vào giá bán bình quân cuối năm trước và cho phép điều chỉnh phương án giá từ 5-10% tùy theo thời điểm lên xuống của thị trường.
Đơn cử, phương án giá của năm 2013 được công ty đề ra ở mức 2.800 đồng/kg với chè CTC (chế biến chè xay) và 3.000 đồng với chè xanh. Sau khi giá chè tăng, công ty cũng có điều chỉnh, nhưng giá chè CTC cũng chỉ đạt mức 3.200 đồng/kg và chè xanh 3.400 đồng/kg. Nếu so sánh giá thu mua của các cơ sở tư nhân ở Thanh Mai hiện tại (cuối tháng 8) đã lên 4.500 đồng/kg thì giá thu mua của xí nghiệp tại địa phương không thu hút được người bán cũng là điều dễ hiểu. Tình trạng này đẩy Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Thanh Mai lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu và quản lý công nhân xí nghiệp bán chè ra ngoài.
Trước tình hình đó, bắt đầu từ tháng 8 đến hết cuối năm 2013, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã cho Xí nghiệp chế biến dịch vụ chè Thanh Mai cơ chế đặc thù theo hình thức “3 tự chủ”. Đó là: tự chủ giá mua bán nguyên liệu, tự chủ sản xuất mặt hàng, tự chủ tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, vào ngày 22/8, giá mua chè đầu vào của xí nghiệp đã được đơn vị đẩy lên 4.000 đồng/kg. “Trước khi giao cơ chế chủ động cho xí nghiệp dưới sự giám sát chặt chẽ của công ty, chúng tôi sản xuất kinh doanh theo kế hoạch của công ty đưa ra đầu năm. Dẫn đến, đơn vị không chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, rất dễ phá sản. Sau khi được tự cân đối giá mua, lượng bán chè nguyên liệu của công nhân cho Xí nghiệp đã tăng lên”, ông Trần Quốc Khánh - Giám đốc Xí nghiệp chia sẻ.
Như vậy, tồn tại hiện nay ở các vùng nguyên liệu chè là các cơ sở chế biến tư nhân mọc lên mà không quan tâm đến đầu tư vùng nguyên liệu, họ sẵn sàng đẩy giá lên cao và sẵn sàng không thu mua khi giá chè xuống thấp. Trong lúc đó, các xí nghiệp trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An là những đơn vị hạt nhân lại chưa có cơ chế giá thu mua linh động nên không thu hút được người trồng chè.
Điều đó, tạo nên một thị trường nguyên liệu chè hỗn độn và thừa, thiếu giả tạo. Vấn đề lúc này là cần xây dựng một định hướng phát triển ngành chè hợp lý để vừa hài hòa lợi ích của cả người nông dân, các hình thức doanh nghiệp kinh doanh ngành chè, tạo sự phát triển bền vững cho thương hiệu chè Nghệ An. Muốn làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa quản lý của nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, có tính bền vững của nhà máy, xí nghiệp chế biến và trách nhiệm của người trồng chè trong sản xuất đúng qui trình, đồng hành với đơn vị đầu tư, chế biến khi giá cả lên xuống.
Bài, ảnh: THÀNH DUY - NGUYÊN SƠN