Giải pháp hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng
(Baonghean) - Nghệ An có diện tích rừng rộng lớn, trong đó nhiều diện tích rừng giáp ranh biên giới Việt -Lào. Những năm qua, ngoài trách nhiệm giữ rừng của kiểm lâm thì lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng góp sức không nhỏ trong việc bảo vệ rừng nơi biên giới.
Có thể nói, từ trước tới nay chưa có sự phối hợp giữa kiểm lâm và Bộ đội Biên phòng tỉnh bằng “văn bản” về công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, lực lượng Biên phòng tỉnh ở nhiều nơi trên mảnh đất biên cương đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ tuần tra biên giới và kết hợp bảo vệ rừng, đã đẩy đuổi truy quét được các điểm nóng chặt phá rừng. Chúng tôi về xã Hạnh Dịch (Quế Phong), nơi mà trước đây những cánh rừng giáp vùng biên này vẫn ngày đêm bị lâm tặc tàn phá.
Thượng tá Nguyễn Công Lực- Trưởng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch chia sẻ: Đồn quản lý xã Hạnh Dịch và Nậm Giải, có 20,5 km đường biên giới Việt - Lào. Lâu nay tại khu vực rừng Mương Đán xã Hạnh Dịch giáp ranh với bản Phà Khốm và Nậm Bống của huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn - Lào thường xảy ra nạn chặt phá rừng Pơ Mu. Những đầu nậu dưới xuôi chủ yếu lên thuê dân bản chặt phá, một số đối tượng còn vận chuyển gỗ sang địa bàn Thông Thụ trà trộn với bà con tái định cư vận chuyển gỗ làm nhà.
Trước thực trạng trên, các chiến sĩ của Đồn Hạnh Dịch tăng cường tuần tra biên giới, kết hợp với lực lượng kiểm lâm để truy quét lâm tặc. Theo anh Nguyễn Công Lực kể: Những người dân được các đầu nậu thuê chặt gỗ, rồi vận chuyển bằng trâu kéo ra bìa rừng, sau đó tẩu tán bằng nhiều đường tiểu ngạch. Khi lực lượng biên phòng phát hiện, nhiều đối tượng đã “bỏ gỗ chạy người”. Nhờ thường xuyên tuần tra liên tục và lập trạm chốt chặn ngay cửa rừng Mương Đán, nên hiện nay cơ bản đã hạn chế được nạn chặt phá rừng.
Đồn BP Châu Khê (Con Cuông) phối hợp với Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát tuần tra biên giới và bảo vệ rừng. |
Bà Vi Thị Mai ở bản Chàm tâm sự: Trước đây gỗ lậu được người ta vận chuyển bằng xe máy chạy ầm ầm trên đường này, nhờ bộ đội biên phòng đẩy đuổi lâm tặc nên đã hạn chế được, nay người dân đi lại an toàn không lo xe máy chở gỗ phóng nhanh, vượt ẩu.
Được biết, xã Hạnh Dịch có 11 bản, gồm bản Chiếng, bản Kỉn, Pỏm Om, bản Chàm, bản Pà Co… Đời sống bà con còn lắm khó khăn, ruộng nước khan hiếm, bộ đội biên phòng Đồn Hạnh Dịch thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. Hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, như xây dựng mô hình lúa nước bón phân dúi, chăn nuôi gà, lợn tập trung … Từ năm 2012 đến nay, Đồn biên phòng Hạnh Dịch đã bắt được 8 vụ, tịch thu hơn 20m3 gỗ, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Quế Phong bắt giữ 64m3 gỗ các loại, giao cho Hạt Kiểm lâm Quế Phong xử lý.
Ông Lê Hải Lý - Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết: Hạt Kiểm lâm Quế Phong quản lý 180.000 ha rừng, trong đó có 73 km đường biên giới Việt –Lào. Trong năm 2013 có 3 Đồn biên phòng trên địa bàn gồm Đồn biên phòng Hạnh Dịch, Thông Thụ, Tri Lễ đã tịch thu lâm sản trái phép và giao cho Hạt kiểm lâm xử lý gần 40m3 gỗ các loại.
Bên cạnh đó, VQG Pù Mát những năm qua đã phối hợp với lực lượng biên phòng để bảo vệ những cánh rừng đặc dụng. Chúng tôi theo chân bộ đội biên phòng Đồn Châu Khê và Kiểm lâm Khe Bu đi tuần rừng ở Pù Xám Liệm gần bản khe Nóng xã Châu Khê. Thượng tá Nguyễn Văn Trung - Trưởng Đồn Châu Khê cho hay: Mỗi chuyến tuần tra biên giới, Đồn thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm để kết hợp bảo vệ rừng. Chúng tôi từ 10 - 12 người, mang theo vũ khí, đạn dược và lương thực để đi tuần từ 7 - 10 ngày. Những chuyến tuần rừng gian truân vất vả luôn đối phó với muỗi, vắt, sên, lũ dâng… Đoàn phải mang theo dao sắc để phát những lùm bụi rậm mở đường đi, chặt nứa dựng lều lán để ngủ giữa rừng sâu. Ngoài phát hiện, đẩy đuổi các đối tượng khai thác lâm sản trái phép, các chiến sĩ cùng với kiểm lâm tháo gỡ bẫy thú giăng mắc khắp đại ngàn.
Được biết, trước đây có các đối tượng liều lĩnh vào rừng chặt phá gỗ, khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, chúng đưa súng tự chế để dọa kiểm lâm. Đồn Biên phòng Châu Khê đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng gồm Vi Ngọ và Lô Tuấn đều là người tại địa phương. Từ đầu năm 2013 đến nay, Đồn Châu Khê không phải xử lý vụ vi phạm lâm luật nào do tại địa bàn này không còn tình trạng chặt phá rừng. Chiến sĩ của Đồn tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm luật bảo vệ rừng.
Anh Trần Xuân Cường - Phó giám đốc VQG Pù Mát cho biết: VQG Pù Mát quản lý trên 94.804 ha, với 61 km đường biên giới Việt - Lào, lâu nay vườn có quy chế riêng để phối hợp bảo vệ rừng với 5 đồn biên phòng, gồm Đồn Phúc Sơn (Anh Sơn), Đồn Châu Khê, Đồn Khe Bu, Đồn Môn Sơn (Con Cuông), Đồn Tam Hợp (Tương Dương). Phối hợp với Đồn biên phòng trong công tác bảo vệ rừng rất hiệu quả, bởi Lực lượng Biên phòng khi đi tuần tra được trang bị vũ khí, có quyền kiểm tra các đối tượng ở khu vực biên giới… vì vậy các đối tượng khai thác gỗ trái phép thường rất sợ “đoàn liên ngành” này.
Đại tá Hoàng Ngọc Năm- Phó Chỉ huy trưởng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay: Từ đầu năm 2013 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện và tịch thu giao cho kiểm lâm trên 170m3 gỗ các loại và hàng trăm đối tượng vi phạm, nhờ công tác tuyên truyền, vận động của bộ đội biên phòng, tình trạng vào rừng chặt phá của đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn đã giảm hẳn. Công tác quản lý bảo vệ rừng ở các huyện vùng biên đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Để tăng cường sự phối hợp giữa Kiểm lâm và Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác bảo vệ rừng mang lại hiệu quả cao, Liên sở Nông nghiệp & PTNT - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có quy chế phối hợp về “Công tác quản lý bảo vệ rừng” số 2295/QCPH.SNN-BĐBP ngày 30/9/2013. Quy chế quy định về nguyên tắc, nội dung và các quan hệ phối hợp giữa Sở NN&PTNT với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng ở khu vực biên giới và các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác thuộc trách nhiệm của mỗi bên. Theo đó, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi thông tin tình hình liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng để thống nhất biện pháp xử lý...
Hy vọng sau khi có quy chế phối hợp về “Công tác quản lý, bảo vệ rừng” giữa Sở NN&PTNT với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Bài, ảnh: Văn Trường