Giải pháp kích cầu du lịch
(Baonghean) - Phố chuyên doanh ra đời không những tập hợp được các hộ chuyên kinh doanh những mặt hàng cùng chủng loại theo khu vực, mà còn tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế thương mại, dịch vụ, nhất là du lịch phát triển...
Sau 7 năm thực hiện quy hoạch, xây dựng phố chuyên doanh, hiện tại Thành phố Vinh có nhiều phố chuyên doanh được định hình rõ nét, đó là: tuyến phố Trần Phú có 72 cửa hàng kinh doanh hàng nội thất (năm 2007 là 27 cửa hàng); tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai có 82 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng điện thoại di động, thiết bị viễn thông và các mặt hàng công nghệ thông tin (năm 2007 là 38 cửa hàng); tuyến phố Quang Trung – Lê Lợi có 14 cửa hàng kinh doanh xe máy; tuyến phố Đặng Thái Thân có 87 cửa hàng quần áo thời trang; tuyến phố Nguyễn Văn Cừ với 31 cửa hàng ăn vặt, đồ nướng, nhà hàng; phố Nguyễn Sỹ Sách chuyên buôn bán các loại vật liệu điện nước, xây dựng; phố Lê Hồng Phong chuyên kinh doanh mỹ phẩm, quần áo thời trang; phố Cao Thắng chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý...
Phố Đinh Công Tráng (TP. Vinh) chuyên doanh cu-đơ - đặc sản xứ Nghệ |
Sự hình thành các tuyến phố chuyên doanh đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị Vinh trở nên phong phú và sầm uất, thị trường buôn bán có tính chuyên nghiệp, đồng thời, công tác quản lý Nhà nước, thu quỹ phí cũng thuận lợi hơn. Về phía người tiêu dùng thì có thêm sự lựa chọn, so sánh về mẫu mã, chất lượng, giá cả. Chị Trần Thị Lan, chủ một cửa hàng thời trang phố Đặng Thái Thân cho hay: Những người kinh doanh trên phố chuyên doanh có thuận lợi là rất nhiều khách hàng tìm đến, bởi phố đã thành “thương hiệu”.
Mẻ kẹo mới. |
Nếu xét về thương mại, dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng thì các phố chuyên doanh ở Thành phố Vinh đã phát huy hiệu quả khi đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh và một phần của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng dưới góc độ du lịch thì chưa có phố chuyên doanh nào ở đây phát huy hiệu quả, hấp dẫn để du khách “móc ví”. Trước hết, về mặt hàng hóa và giá cả: Hàng hóa tại các phố chuyên doanh ở Thành phố Vinh có thể mua được rất dễ dàng bất cứ ở đâu trong cả nước. Các loại hàng hóa đều là mặt hàng tiêu dùng phổ thông, không có sự độc đáo mang tính bản sắc của Thành phố Vinh hay Nghệ An. Ví dụ như phố Trần Phú buôn bán hàng nội thất, nhưng lại đang quảng bá cho các làng nghề gỗ phía Bắc, các sản phẩm nhựa phía Nam…
Còn phố ẩm thực đêm Đào Tấn – Thành Cổ Vinh đang bị quên lãng: Đi vào hoạt động từ tháng 4/2008 với gần 30 hộ kinh doanh các mặt hàng: cháo, phở, bún, bánh. Đến thời điểm này, khu ẩm thực thu gọn lại với gần 10 hàng quán. Các quán không còn chỉ hoạt động về đêm mà cả ngày. Vệ sinh môi trường ở đây không tốt và an ninh trật tự cũng vậy. Trao đổi xung quanh khu ẩm thực đêm này, ông Nguyễn Công Thực - Chủ tịch UBND phường Cửa Nam cho hay: Khu ẩm thực đêm chưa thật sự phát huy hiệu quả, thuế phí không đáng là bao, trong khi lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của phường thực hiện nhiệm vụ, dọn dẹp cần nhiều người, túc trực cả ngày lẫn đêm. Không gian không thể mở rộng thêm…”. Ngay cả phố ẩm thực mới nổi như phố Nguyễn Văn Cừ, Hồng Bàng cũng đang tồn tại nhiều bất cập, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức khiến khách du lịch chưa mấy “mặn mà” khi tìm đến thưởng thức.
Thứ đến, phố chuyên doanh chưa gắn với các địa điểm nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách, chưa gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa. Đơn cử từ các khách sạn muốn đi đến khu ẩm thực đêm thì du khách phải bắt taxi, mà đáng lý ra phải đi bộ để thưởng thức vẻ đẹp về đêm của thành Vinh. Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm lữ hành quốc tế Hữu Nghị cho rằng: “Để Vinh nổi bật trong du lịch, cần phải có những món quà Vinh, món quà Nghệ An tiêu biểu, những giá trị riêng biệt mà không ở đâu có được ví dụ: nước mắm, nhút Thanh Chương, cà muối, cu-đơ, cam Vinh... Có như vậy, những người làm lữ hành như chúng tôi mới có thể giới thiệu cho khách du lịch khi họ có nhu cầu mua sắm, hay tham quan. Chúng ta rất cần xây dựng những con phố chuyên doanh những món quà như thế”.
Một mô hình mà Thành phố Vinh có thể học tập đó là Thành phố Đà Nẵng. Năm 2012, thành phố bên sông Hàn bắt đầu tập trung thực hiện Đề án “Phát triển khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch” với hy vọng đây sẽ trở thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch của thành phố. Theo đó, năm 2013 và 2014, Đà Nẵng khởi động thí điểm mô hình chuyên doanh một số mặt hàng tại các tuyến đường, khu vực như: phố Lê Duẩn, Phan Châu Trinh sẽ dành cho chuyên doanh ngành thời trang; tuyến Hoàng Diệu, Đào Duy Từ sẽ dành cho việc chuyên doanh ngành điện máy; đường Hùng Vương, Huyền Trân Công Chúa dành cho kinh doanh ngành sản phẩm lưu niệm và đồ mỹ nghệ; đường Hoàng Sa, Trường Sa dành cho ẩm thực. Thành phố Đà Nẵng còn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng điện, nước, viễn thông, vỉa hè, cây xanh, xây dựng biển chỉ dẫn, ghế nghỉ chân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh sẽ được đồng bộ hóa mặt tiền bằng bảng hiệu alumium; mái che; đèn trang trí. Các hộ không kinh doanh trên tuyến này không được sử dụng vỉa hè để kinh doanh buôn bán; kinh doanh đúng mặt hàng trong thời gian dài sẽ được UBND hỗ trợ cấp giấy phép kinh doanh cũng như các loại phí, thuế theo quy định Nhà nước.
Chị Đặng Thị Hòa, Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập cho biết: Việc tham quan học tập ở Đà Nẵng đã cho chúng tôi thêm nhiều bài học trong xây dựng phố chuyên doanh. Tuy nhiên, thực tế khi vận động các hộ dân có lợi thế mặt đường, hộ kinh doanh các cơ sở, hộ kinh doanh chuyển đổi hoặc kinh doanh mới các nhóm mặt hàng phù hợp trên địa bàn lại không dễ… Anh Trần Văn Chiến, chủ một cửa hàng đá quý, đá phong thủy, tranh mỹ nghệ, các vật dụng làm từ đá Quỳ Hợp, Quỳ Châu ở trên đường Hà Huy Tập bày tỏ: “Buôn có bạn, bán có phường, tôi vẫn mong muốn xung quanh cửa hàng mình có thêm nhiều cửa hàng buôn bán mặt hàng tương tự. Phố đã không có nhiều lợi thế kinh doanh, cửa hàng nằm đơn độc thế này lại càng khó buôn bán”.
Thành phố Vinh đang phấn đấu trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ, thiết nghĩ, để đẩy nhanh tiến trình này, các phố chuyên doanh và đặc biệt là các phố chuyên doanh các mặt hàng phục vụ du lịch cần được thành phố tập trung xây dựng, hoàn thiện. Các biện pháp cần và đủ, đó là khuyến khích xây dựng phố chuyên doanh bằng việc tạo cơ chế thông thoáng trong cấp giấy phép kinh doanh, có chính sách hỗ trợ, tư vấn quảng bá cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, đặc biệt ưu tiên đối với những cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hóa có nguồn gốc, được sản xuất trong tỉnh; xây dựng các tuyến phố chuyên doanh có tính chất tương hỗ với các điểm tham quan du lịch.
Tại đây, có quy định về tỷ lệ % số hộ trên một tuyến đường cùng kinh doanh một mặt hàng; xây dựng các chế tài đủ mạnh và thực hiện nghiêm đối với những hộ kinh doanh không đúng ngành, nghề hoặc kinh doanh sai quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát quản lý chất lượng các mặt hàng kinh doanh, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết đối với hệ thống trung tâm mua sắm thương mại phục vụ du lịch trên địa bàn; tuyên truyền để đổi mới tư duy, nhận thức nhằm liên kết, phối hợp với những người có điều kiện để phát triển kinh doanh dịch vụ; cần xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu “Thành phố vinh”, “xứ Nghệ”; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, nhân viên bán hàng tại các khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch trên địa bàn; ký kết phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để các tour dừng lại ở những phố chuyên doanh, cửa hàng mang tính đặc sản, lợi thế của địa phương...
Bài, ảnh: Thành Chung