Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

23/09/2015 09:16

(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh) trong lễ khai giảng năm học mới.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP. Vinh) trong lễ khai giảng năm học mới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, liên tục 5 năm trở lại đây, ngành Giáo dục Nghệ An luôn được Bộ GD&ĐT đánh giá cao, trở thành lá cờ đầu trong hệ thống giáo dục của cả nước. Đồng chí có thể nói rõ hơn những kết quả mà ngành đã đạt được trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Nhiệm kỳ qua, ngành Giáo dục tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận: Trong công tác quản lý, ngành đã tham mưu nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà; chỉ đạo và thực hiện tốt công tác khảo thí – kiểm định chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên cốt cán ở các bậc học, cấp học khá đồng đều ở tất cả các vùng, miền và các trường, đáp ứng được yêu cầu đổi mới về giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu dạy học; đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia (tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 905 trường đạt chuẩn, chiếm 59,5%, vượt mặt bằng chung của cả nước hơn 20%)...

Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 là việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; phát huy có hiệu quả cuộc vận động “Hai không” theo Chỉ thị 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Phong trào đổi mới cách dạy, cách học đi vào thực chất, kiên trì và đồng bộ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh, sự đồng thuận trong phụ huynh và nhân dân; việc đánh giá học sinh đi vào thực chất hơn, công tác dạy thêm, học thêm được chấn chỉnh. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT và thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, được xã hội, phụ huynh học sinh đồng tình ủng hộ; chất lượng đại trà được nâng cao, chất lượng mũi nhọn ổn định: liên tục các năm từ (2005 - 2015) Nghệ An luôn trong tốp đầu của cả nước về học sinh giỏi quốc gia và số lượng học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học; có học sinh giỏi Huy chương Vàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Huy chương Vàng quốc tế.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục Nghệ An vẫn còn những khó khăn, nhất là khoảng cách giáo dục vùng, miền. Vậy đâu là nguyên nhân?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, giáo dục Nghệ An vẫn còn những khó khăn, nhất là khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền: miền núi cao, miền núi thấp, nông thôn đồng bằng, thị xã và thành phố. Các huyện miền núi, nhất là miền núi cao, những nơi trường lớp manh mún, nhỏ lẻ, học sinh vẫn đang phải học ở lớp ghép và vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số còn hạn chế...

Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng, miền có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các điều kiện để thực hiện chất lượng giáo dục, như: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đội ngũ cán bộ quản lý – giáo viên; trình độ dân trí, môi trường học tập, các điều kiện dạy học;… ở các vùng, miền khác nhau. trường lớp – trang thiết bị dạy học còn nhiều thiếu thốn, một số trường - điểm trường chưa có điện lưới; mức sống nhân dân còn thấp; quan niệm về học tập của con cái của các bậc phụ huynh chưa đúng mức; khó thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi…

Phóng viên: Mục tiêu của ngành Giáo dục Nghệ An trong nhiệm kỳ tới? Giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng, miền?

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi: Nhiệm kỳ tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đặt ra mục tiêu giữ vững tốp đầu của cả nước; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), quan tâm chất lượng mũi nhọn; thực hiện quyết liệt công tác phân luồng, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững; phấn đấu đến năm 2020 san bằng chất lượng giáo dục vùng, miền; Trọng tâm là nâng cao chất lượng giảng dạy các môn văn hoá để học sinh có đủ kiến thức học lên bậc học cao hơn, học chuyên nghiệp, học nghề; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực miền núi và vùng dân tộc của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới ngành Giáo dục tập trung vào những nội dung sau: Thứ nhất, thực hiện Chương trình hành động số 33 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (khóa XVII) về thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông; tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá; quan tâm việc hướng nghiệp, phân luồng; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó, lồng ghép kết hợp chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện xã hội hóa giáo dục, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, xem đây là biện pháp tổng hợp tích cực nhất để nâng cao chất giáo dục toàn diện. Chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở nhằm giải quyết nền móng và mặt bằng chất lượng ở các vùng, miền. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án; xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; từng bước giảm các điểm trường lẻ; dạy tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; tiếp tục tập huấn phương pháp dạy lớp ghép; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với giáo viên và học sinh vùng miền núi, dân tộc; quan tâm giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ…

Mỹ Hà (Thực hiện)

Mới nhất
x
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO