Giải pháp nào cho lao động mất việc cận Tết?

Thanh Nga 12/01/2023 06:40

(Baonghean.vn) -  Từ đầu quý 4 đến nay trên địa bàn tỉnh, nhiều nhà máy phải đóng cửa vì không có đơn hàng, nhiều lao động bị mất việc, ngừng việc, lao đao vì không có thu nhập trong khi Tết đang cận kề.

Nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá chi phí nguyên, vật liệu đầu vào, vận tải tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may - da giày bị giảm đơn hàng so với đầu năm 2022. Nhiều nhà máy phải đóng cửa vì không có đơn hàng, nhiều lao động bị mất việc, ngừng việc, lao đao vì không có thu nhập trong khi Tết đang cận kề.

Nhiều lao động tìm việc làm ngày cận Tết

Nhiều lao động thất nghiệp làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An. Ảnh: CSCC

Anh Trần Tuấn Anh là công nhân may thuộc Công ty May Minh Anh vừa mới bị ngừng việc vì thiếu đơn hàng. Nhận lương tháng 10, Tuấn Anh ngậm ngùi: “Tôi đã làm tại công ty hơn 10 tháng cũng từng đó thời gian tôi luôn bị giãn giờ làm vì đơn hàng bị ứ đọng. Mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận từ hơn 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, nhưng vẫn cầm cự mong tình hình ổn hơn. Vì thú thực ngành may bây giờ đi đâu cũng vướng, chỗ nào cũng kêu thừa nhân công. Đặc biệt, như tôi chỉ may được một công đoạn trong dây chuyền và với tay nghề chỉ mới được đào tạo trong nhà máy nên rất khó khăn trong tìm việc mới”. Tuấn Anh cũng cho biết, do vợ ốm, con cái còn nhỏ nên từ đầu năm nay anh chỉ muốn làm việc gần nhà cho tiện bề chăm sóc gia đình.

Tuấn Anh là 1 trong hơn 500 lao động thuộc Công ty May Minh Anh bị mất việc thời điểm cận Tết. Theo lãnh đạo công ty này, đa số công nhân bị thôi việc đều là lao động phổ thông, hiệu suất làm việc thấp và có thời gian làm việc ngắn ở công ty. “Tới đây, nếu đơn hàng châu Âu nhộn nhịp trở lại chúng tôi sẽ tuyển thêm 150 công nhân nữa, nhưng phải là những lao động đã có nghề, hiệu suất làm việc cao, có kinh nghiệm thì sẽ ưu tiên hơn” - Lãnh đạo công ty cho biết.

Tìm hiểu cơ hội việc làm tại các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: tư liệu Đình Tuyên

Ngoài Công ty May Minh Anh thì Công ty May MikiDo trên địa bàn huyện Đô Lương cũng có tới 400 lao động phải ngừng việc. Lãnh đạo công ty này cho hay: Đa số các doanh nghiệp may phải cho công nhân nghỉ việc, giãn giờ làm vì đơn hàng bị thu hẹp, nhiên liệu và những chi phí khác lại đội giá. Thế nhưng, chúng tôi vẫn giữ lại những công nhân lành nghề với mức lương tương đối ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Ngoài 2 nhà máy may trên địa bàn huyện Đô Lương, nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra tình trạng phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động. Điển hình như Công ty may Thuận Hương đóng tại huyện Diễn Châu có hơn 150 lao động phải ngừng việc vì thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Diễn Châu: Các lao động bị ngừng việc chủ yếu thuộc địa bàn thị xã Hoàng Mai, hoặc Quỳnh Lưu, họ làm việc theo thời vụ nay thôi việc họ cũng đã xoay xở tìm việc mới. Cũng theo bà Nhung, hiện công ty may trên địa bàn huyện Diễn Châu đã tuyển thêm lao động nhằm đón đầu những đơn hàng mới trong năm 2023.

Cá biệt, có 2 đơn vị tạm ngừng hoạt động là Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC chi nhánh Nghệ An và Công ty TNHH Matrix Vinh. Cụ thể: Công ty cổ phần Tập đoàn quốc tế ABC chi nhánh Nghệ An sẽ tạm ngừng hoạt động từ tháng 10/2022 đến 28/2/2023, do không có đơn hàng. Công ty TNHH Matrix Vinh tạm ngừng hoạt động từ tháng 12/2022, trong thời gian tới, công ty dự kiến sẽ tạm ngừng sản xuất và chấm dứt hợp đồng với người lao động. Theo báo cáo của các đơn vị, người lao động tại các doanh nghiệp giảm lao động đã chuyển sang làm việc ở các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Biểu đồ lao động mất việc quý 4 tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồ hoạ: Hồng Toại

Dự báo vẫn tiếp tục khó khăn

Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 14.050 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 230.000 lao động. Thu nhập người lao động trong các doanh nghiệp bình quân 5- 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Đồ hoạ: Hồng Toại

Dự báo năm 2023, sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng… do lãi suất, tỷ giá tăng cao; kéo theo số lao động bị ảnh hưởng từ các tỉnh phía Nam bị mất việc làm sẽ trở về địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 5213/SLĐTBXH-LĐVL ngày 18/11/2022, trong đó, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An nắm bắt tình hình; khẩn trương cử cán bộ đến các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hướng dẫn cho người sử dụng lao động đào tạo lại cho người lao động theo quy định của pháp luật; đồng thời, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Vi Ngọc Quỳnh – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thời gian tới dự kiến vẫn còn nhiều khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế chung trên toàn cầu, mà các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đa số phụ thuộc vào các đơn hàng ở khối châu Âu”.

Tư vấn cơ hội việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Ảnh tư liệu C.T.V

Thế nên, để khắc phục khó khăn trước mắt cho người lao động, các tổ chức công đoàn cơ sở phải tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động. Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì công đoàn cơ sở cần tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

“Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động” - ông Vi Ngọc Quỳnh nêu ý kiến.

Ông Quỳnh cũng cho biết, sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có cơ chế rà soát số lao động bị mất việc để tư vấn định hướng việc làm mới cho số lao động này. Bên cạnh đó, trong các phiên giao dịch việc làm cần có hướng dẫn để lao động kịp thời cập nhật kiến thức tay nghề chuẩn bị cho những đơn hàng mới ở những khu công nghiệp và doanh nghiệp mới.

Theo thông tin mới nhất, trong 3 tháng tới có 42 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 7.277 người. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm 96,5%, tỷ lệ lao động cần tuyển ngành dệt may - da giày chiếm 52,92%, ngành điện tử là 42,26%, ngành nghề khác: 4,82%.

Mới nhất

x
Giải pháp nào cho lao động mất việc cận Tết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO