Giải pháp nào quản lý đảng viên làm ăn xa?

15/08/2012 14:04

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng người đi XKLĐ liên tục tăng, trong đó có không ít đảng viên tham gia. Việc quản lý, giáo dục, phân công nhiệm vụ đảng viên làm kinh tế xa nơi cư trú và đánh giá chất lượng đảng viên thuộc diện này đang gặp nhiều khó khăn.

(Baonghean) Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm qua, số lượng người đi XKLĐ liên tục tăng, trong đó có không ít đảng viên tham gia. Việc quản lý, giáo dục, phân công nhiệm vụ đảng viên làm kinh tế xa nơi cư trú và đánh giá chất lượng đảng viên thuộc diện này đang gặp nhiều khó khăn.

Phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò) hiện có trên 1.000 lao động đang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản... Hàng năm, lao động gửi về số lượng ngoại tệ từ 120-180 tỷ đồng. Nhờ XKLĐ nên bộ mặt của phường đổi thay vượt bậc: nhà tầng san sát, đường làng được bê tông hóa 100%, các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 8%.

Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả XKLĐ mang lại, đã nảy sinh không ít bất cập. “Nghi Hải đất chật, người đông, cuộc sống của người dân dựa vào những chuyến ra khơi. Nghề biển lắm rủi ro, xăng dầu thường xuyên tăng giá nên đi làm ăn xa đã trở thành lựa chọn số 1. Học xong THCS, THPT không thi đỗ ĐH, CĐ hay các trường nghề thì đa số thanh niên vào Nam, ra Bắc kiếm kế mưu sinh hoặc đi XKLĐ. Thiếu lực lượng lao động trẻ không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các đề án kinh tế tại địa phương, đáng ngại nhất là thiếu nguồn để kết nạp Đảng, khó khăn trong công tác quản lý đảng viên làm ăn xa. Trung bình mỗi năm, phường làm thủ tục xóa tên 1-2 đảng viên đi làm ăn xa, vắng sinh hoạt nhiều kỳ” - ông Ngô Bình Sơn, Bí thư Đảng ủy phường Nghi Hải cho biết.



Đảng viên trẻ đi XKLĐ, sinh hoạt chi bộ chỉ còn đảng viên lớn tuổi.

Hay như Chi bộ xóm Yên Đồng (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) có 10 đảng viên thì có 2 đảng viên đi XKLĐ. Trước khi đi XKLĐ, các đảng viên đã báo cáo với chi bộ, làm thủ tục theo đúng qui trình, điều lệ. Song do nhận thức hạn chế, cộng với thời gian đi XKLĐ quá gấp nên một số đảng viên “ngại” chuyển sinh hoạt đảng, áp lực công việc khiến họ không đảm bảo chế độ báo cáo qua điện thoại định kỳ vào ngày sinh hoạt chi bộ hàng tháng. Hiện chi bộ đang hoàn thành thủ tục để xóa tên đảng viên đối với anh Trần Văn Trường. Bí thư Chi bộ Trần Văn Mùi cho biết: “Là chi bộ vùng giáo, thanh niên đi làm ăn xa nhiều, việc bồi dưỡng, kết nạp quần chúng vào Đảng gặp không ít khó khăn. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, chi bộ giữ nguyên 10 đảng viên. 5 năm nay, 2 đảng viên đi làm ăn xa, trong các kỳ sinh hoạt chỉ có 8 đảng viên có mặt, giờ xóa tên một đảng viên cũng thấy xót xa lắm. Nhưng chiếu theo điều lệ nên đành chấp nhận...”.

Hiện toàn Đảng bộ tỉnh có 16.990 đảng viên, trong đó có khoảng vài nghìn đảng viên đi làm ăn xa, trong đó gần 1.000 đảng viên đi xuất khẩu lao động, phần lớn là đảng viên khu vực nông thôn, tập trung nhiều ở các TX. Cửa Lò, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương... Bà Lê Thị Hoài Nam - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Theo quy định, đảng viên ra nước ngoài làm việc từ 12 tháng trở lên phải chuyển sinh hoạt đảng đến Ðảng ủy ngoài nước. Ðảng ủy ngoài nước sẽ làm các thủ tục theo quy định để cấp ủy đảng ở nước sở tại tiếp nhận và bố trí sinh hoạt đảng. Hết thời gian, đảng viên viết bản kiểm điểm, có xác nhận của cấp ủy, cơ quan, chính quyền nơi đến làm việc, báo cáo chi bộ. Trường hợp đảng viên cần tiếp tục đi thêm đợt mới, thì có đơn báo cáo chi bộ, để tiếp tục xem xét quyết định. Nhưng không phải ở đâu và lúc nào quy định này cũng có tính khả thi vì nhiều đảng viên đi làm xa không có nghề nghiệp, nơi làm việc, nơi ở ổn định, do đó, việc xin xác nhận của cấp ủy, chính quyền nơi đến là khó khăn, nhiều khi không thực hiện được. Phần lớn đảng viên khi trở về đều thiếu các giấy tờ xác nhận cần thiết, gây nhiều khó khăn cho chi bộ trực tiếp quản lý đảng viên”.

Theo số liệu báo cáo từ phòng Quản lý đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong số 659 đảng viên đi xuất khẩu lao động thì chỉ có 96 đồng chí chuyển đảng chính thức (14,6%), 23 đồng chí chuyển đảng tạm thời (3,5%), 540 đồng chí không làm thủ tục chuyển đảng, vi phạm điều lệ Đảng (81,9%), trong đó đã xử lý kỷ luật theo hình thức xóa tên đối với 405 đồng chí (chiếm 61,5%).

Qua số liệu cho thấy, hầu hết đảng viên đi XKLĐ đều chấp nhận xóa tên khỏi danh sách, rất ít trường hợp hoàn thiện các thủ tục chuyển đảng theo đúng điều lệ. Việc này khiến đảng viên làm ăn xa chịu thiệt thòi về quyền lợi chính trị, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn đảng viên đi làm ăn ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn mà không chuyển đảng đến nơi tạm trú, chi bộ quản lý dựa trên hồ sơ và số tiền đảng phí đóng hàng quý.

Ông Trần Văn Mùi, Bí thư Chi bộ xóm Yên Đồng (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên) kiến nghị: “Trên thực tế, đảng viên đi xuất khẩu nhiều năm liền, việc báo cáo chi bộ và xin gia hạn chỉ thực hiện được bằng điện thoại, nhưng vì nhu cầu việc làm của đảng viên, cho nên chi bộ không thể không đồng ý, dẫn đến việc xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với những đảng viên thuộc diện này chưa thật sự chính xác. Vì thế, Trung ương cần có quy định, hướng dẫn cụ thể, tạo mối liên hệ giữa các tổ chức đảng nơi đảng viên đăng ký sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú tạm thời để hai bên cùng có trách nhiệm trong việc quản lý, nhận xét, đánh giá đảng viên, đảm bảo quyền lợi chính trị cho đảng viên đi làm ăn xa...”.

Thực tế hiện nay, đảng viên đi làm ăn xa vẫn còn khá đông và đang là một nhu cầu chính đáng. Do vậy, các cấp ủy cơ sở cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về quản lý sinh hoạt của đảng viên đi làm xa; nhất là những nơi chưa có tổ chức đảng; tăng cường phối hợp giữa tổ chức đảng nơi đảng viên sinh hoạt với tổ chức đảng, chính quyền nơi đảng viên đến làm việc, coi đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để người dân và các đảng viên có việc làm ổn định mà không phải ly hương.


Thanh Phúc

Giải pháp nào quản lý đảng viên làm ăn xa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO