Giải pháp phát huy hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở?
(Baonghean) - Qua nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh ta đã xây dựng được một hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở khá đồng bộ. Tuy nhiên, để thiết chế này thực sự phát huy hiệu quả vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Từ những năm 1990, tỉnh ta đã bắt tay xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở (TCVHCS). Đến nay, 441/479 xã có thiết chế VHTT-TT, 183/479 xã có TCVH đạt chuẩn quốc gia, 283 xã có phòng truyền thống, 335 xã có phòng đọc và thư viện, 442 tủ sách pháp luật, 430 đài truyền thanh cơ sở, 378 cụm cổ động, 403 sân vận động cấp xã có diện tích từ 4.500 m2 trở lên, 429 điểm bưu điện văn hoá xã. Có 438 xã quy hoạch đất dành cho TCVHCS. Có 5145/5.873 làng, bản, khối phố có điểm hoạt động văn hoá (nhà văn hoá), trong đó có 5.356 nhà văn hoá đủ diện tích theo quy định; có 3.622 làng, bản, khối phố quy hoạch đất xây dựng TCVH.
Về nguồn nhân lực, hiện 100% số xã có ban văn hoá từ 1 - 3 người, trong đó có 485/503 cán bộ có trình độ trung cấp trở lên. Hệ thống TCVHCS đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia sinh hoạt cộng đồng, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá, rèn luyện, nâng cao sức khoẻ, thắt chặt tình đoàn kết.
Nhà văn hóa xã Xuân Hòa (
Bên cạnh những mặt tích cực, trong thực tiễn vận hành, hệ thống TCVHCS vẫn còn nhiều bấp cập, hạn chế. Không ít mô hình còn mang tính hình thức, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Tại Hội nghị "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống TCVHCS" do Bộ VH, TT&DL tổ chức tháng 10/2011, một đại biểu TP Hồ Chí Minh đã băn khoăn khi thấy Nhà văn hoá xã Xuân Hoà, Nam Đàn (mô hình điểm để đại biểu tham quan) được xây dựng ngay trong khuôn viên UBND xã, liệu có thích hợp cho người dân thường xuyên đến sinh hoạt văn hoá?
Được biết, Nhà văn hoá Xuân Hòa được thiết kế 2 tầng, tầng 1 gồm nhà truyền thống, phòng đọc sách. Nói là nhà truyền thống nhưng chỉ có một số bức tranh ảnh, bằng khen...; phòng đọc sách cũng rất ít sách báo, và chỉ phục vụ vào ngày thứ 7 với lượng người đọc khiêm tốn (khoảng 50 người/ngày). Tầng 2 được thiết kế gồm khán đài có nghi thức hội họp, ghế ngồi. Như vậy, đây thực chất chỉ là nhà hội trường của xã, nhưng lại được gọi bằng cái tên nhà văn hoá. Đây là tình trạng chung của các nhà văn hoá cấp xã cũng như thôn, bản. Nhiều nhà văn hoá được xây dựng xong nhưng không có các trang thiết bị, như: xã Châu Quang (Quỳ Hợp) chỉ có 50% nhà văn hoá thôn bản có trang thiết bị.
Bên cạnh đó, các thiết chế khác như phòng truyền thống, thư viện, bưu điện văn hoá xã, truyền thanh cơ sở... nhìn chung đều mang tính hình thức, hoạt động cầm chừng, vai trò trong đời sống cộng đồng rất hạn chế. Các phòng truyền thống hầu hết đều thiếu thốn về tư liệu, trình bày không hợp lý nên lượng người xem rất ít. Các phòng đọc sách, tủ sách pháp luật ở các xã, phường, thôn, bản phần lớn sách báo tài liệu ít, phục vụ số lượng bạn đọc hạn chế.Nhiều điểm bưu điện văn hoá xã hoạt động cầm chừng, thua lỗ, người đến giao dịch thưa thớt. Hệ thống truyền thanh cơ sở nhiều nơi xuống cấp, thời lượng phát không đáng kể, nội dung nghèo nàn. Hệ thống truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến ở một số địa phương thường xuyên bị hư hỏng, một số địa bàn vùng sâu, vùng xa không có hệ thống truyền thanh.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ VHTT đã có Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao (TTVHTT) cấp xã. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới thành lập được số lượng hạn chế các TTVHTT cấp xã, phường.
Nhìn chung, chúng ta còn thiếu một cơ chế xây dựng, vận hành hệ thống các TCVHCS. Đểhệ thống này hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phát huy vai trò trong đời sống cộng đồng, đòi hỏi những người có trách nhiệm quan tâm giải quyết.
Trần Quang Đại