Giải pháp sản xuất hè thu 2013
(Baonghean) - Khó khăn lớn nhất của vụ sản xuất hè thu năm nay chúng ta có thể gặp phải, đó là hạn nặng đầu vụ và lụt bão đến sớm. Những tháng vừa qua lượng mưa đo được ở các tháng 1,2 và 3 không nhiều, thấp thua trung bình nhièu năm (TBNN) từ 70-80 ly. Trong khi đó, lượng nước dự trữ ở các hồ, đập, sông, suối năm nay cũng ít hơn TBNN do mùa mưa vừa qua không nhiều như mọi năm.
Đặc biệt, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương công bố ngày 25/3/2013 cho biết: Năm 2013 nắng nóng đến sớm hơn mọi năm. Hạn hán nặng vào tháng 6 và tháng 7. Mưa to, gió bão xuất hiện sớm hơn năm bình thường. Dự kiến cả năm có thể có 11-13 cơn bão, trong đó có 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Trong mùa mưa bão năm nay, có những diễn biến khí hậu cực đoan khó lường có thể xảy ra như: lốc xoáy, lũ ống, lũ quét, lở đất…xảy ra cần đề phòng.
Để vụ sản xuất hè thu năm nay tránh được thiên tai, đảm bảo thu hoạch trọn vẹn và có năng suất cao, chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Chỉ nên gieo cấy các giống lúa ngắn ngày
Chọn các giống lúa ngắn ngày với thời gian sinh trưởng không nên quá 100 ngày là tốt nhất. Thông thường vụ lúa xuân ở Nghệ An được thu hoạch xong chủ yếu trước ngày 30/5 đến 5/6 hằng năm và sau đó bà con nông dân làm đất gieo cấy ngay lúa hè thu. Để lúa hè thu được thu hoạch xong trước ngày 10/9 thì nhất thiết phải gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 ngày trở xuống. Nếu như chỉ vì muốn có năng suất cao như vụ xuân mà cơ cấu các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 ngày trở lên thì mức độ an toàn không cao, nhất là đối với vùng thấp. Các giống lúa ngắn ngày: nhóm lúa thuần có các giống: Vật Tư NA2, QR1, RVT,VS1, KĐ đột biến, P6 đột biến, PC6…
Nhóm các giống lúa lai có các giống: TH3-3, Việt lai 20, Việt lai 24. Giống chủ lực nên sử dụng giống lúa TH3-3.
Gieo cấy càng sớm càng tốt
Các địa phương cần chủ đông và khẩn trương bằng mọi biện pháp gặt nhanh lúa xuân, gieo cấy ngay vụ hè thu. Đặc biệt vụ hè thu năm nay cần phải được thu hoạch càng sớm càng tốt do mùa mưa, bão, lụt có thể đến sớm hơn. Từ yêu cầu đó chúng ta không nên gieo sạ lúa, trừ trường hợp giống lúa ngắn ngày như P6 đột biến thì có thể gieo sạ được. Còn lại nên gieo mạ để cấy nhằm đẩy thời gian sinh trưởng của giống lúa đó lùi về trước, rút ngắn lại thời gian kéo dài về sau.
Trường hợp không có ruộng gieo mạ thì có thể gặt non một số diện tích lúa để lấy đất gieo mạ hoặc gieo mạ trên nền đất cứng, mạ sân cũng tốt.
Tất cả các giống lúa cố gắng gieo cấy xong trước ngày 10/6 là tốt nhất và khả năng vụ lúa hè thu năm nay chúng ta có thể thực hiện được.
Sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm
Lượng mưa trong mùa mưa (tháng 9, 10 và 11 năm 2012) vừa qua ít hơn TBNN 551mm. Đặc biệt, lượng mưa qua các tháng 1,2,3 và 10 ngày đầu tháng 4/2013 này đều thấp thua TBNN từ 60 - 70 mm. Vì vậy, lượng nước dự trữ trong các hồ đập của gần 80 hồ đập trong toàn tỉnh hiện nay đều khô hạn dần và chỉ bằng 60-70% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ nước đã cạn đáy như: hồ Thạch Tiền ở Hưng Yên (Hưng Nguyên), đập Bàn Giao xã Diễn Lâm (Diễn Châu)...
Vì vậy, để có nước phục vụ yêu cầu sản xuất hè thu năm nay chúng ta cần làm tốt mấy nội dung sau đây:
- Đắp bờ giữ nước tại ruộng ngay từ bây giờ. Tuyệt đối không tháo nước khô cạn trong ruộng để dễ dàng thu hoạch.
- Quản lý nước, điều tiết nước tưới từ hồ đập, sông suối, kênh mương chính ra ruộng lúa lúc này phải hết sức tiết kiệm.
- Không tưới tràn lan, tưới nước thừa gây lãng phí, chỉ cần tưới nước xăm xắp hoặc tưới sâu từ 3 – 5cm là tốt nhất.
- Tranh thủ trước khi chưa thu hoạch lúa xuân tiến hành nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy.
- Đóng kín các cửa cống tiêu xả nước xuống sông Lam, sông Cấm, sông Bùng, sông Hoàng Mai để tích nước ngọt, ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng.
- Không nên gieo sạ lúa trong vụ hè thu này để giảm bớt thất thoát nước không cần thiết, nhất là vùng tưới nước bơm điện, tưới nước hồ đập.
- Khẩn trương kiểm tra, tu sửa hoàn chỉnh hệ thống điện, trạm bơm điện ở các vùng tưới nước bằng hệ thống các trạm bơm điện và mua sắm dự phòng thêm máy bơm dầu, máy bơm điện di động ở những địa phương có khả năng vụ hè thu này dễ bị hạn nặng.
Đầu tư thâm canh cao ngay từ đầu
Đặc điểm cơ bản của vụ sản xuất hè thu là gieo cấy các giống lúa ngắn ngày, thời gian sinh trưởng và phát triển lại diễn ra trong mùa nắng nóng. Vì vậy, muốn có năng suất cao nhất thiết phải đầu tư nhiều phân bón và bón lót là chủ yếu. Cố gắng bón phân chuồng càng nhiều càng tốt. Còn lại phân hóa học bình quân mỗi sào (500m2) cần được bón lót trước khi cấy từ 25-30 kg NPK loại 8.10.3 hoặc 13-15 kg NPK 16.16.8. Bón xong bừa 1-2 lần để vùi phân xuống sâu sau đó cấy lúa lên nhằm làm giảm mất phân do nắng nóng bốc hơi nước mạnh và có thể gặp mưa to, nước lớn làm trôi mất phân. Sau cấy 8-10 ngày bón thúc sớm để lúa đẻ nhánh sớm, kết thúc đẻ nhánh nhanh. Lần bón này cần bón từ 10-12 kg NPK 15.5.20 hoặc 5-6 kg Ure, 2-3 kg Kali. Khi lúa đứng cái bón tiếp 5-7 kg NPK 15.5.20 hoặc 2-3 kg đạm Ure + 2-3 kg kali.
Đầu tư phân bón nhiều, bón đủ, bón cân đối và tập trung bón nặng đầu sẽ cho chúng ta năng suất lúa cao, lại rất ít bị sâu bệnh và làm tăng khả năng chổng đổ tốt trong mùa mưa bão.
Doãn Trí Tuệ