Giải pháp sử dụng điện an toàn và tiết kiệm ở vùng nông thôn

26/08/2013 18:20

(Baonghean) - Tình trạng sử dụng điện ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua còn nhiều bất cập cần giải quyết, nhất là vào mùa mưa bão.

Khảo sát cho thấy, trên địa bàn nông thôn đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây chết người và gia súc, thiệt hại về kinh tế cho người dân. Một trong những nguyên nhân chính, là do an toàn lưới điện không đảm bảo, hệ thống lưới điện nông thôn nhiều nơi cũ nát, tình trạng chập cháy, rò điện, gây nguy hiểm cho người dân. Ý thức người dân về an toàn sự dụng điện kém.

Mặt khác, tại một số vùng nông thôn giá thành sử dụng điện vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân, tỷ lệ tổn thất điện lớn (30-35%). Tình trạng điện yếu, chập chờn gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như sản xuất. Vì thế, vấn đề an toàn và tiết kiệm trong sử dụng điện ở nông thôn đang được đặt ra cấp bách. Đây chính là lý do đề tài “Nghiên cứu các giải pháp xây dựng mô hình sử dụng an toàn và tiết kiệm điện ở vùng nông thôn tỉnh Nghệ An” được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An triển khai thực hiện.

Sau khi điều tra, khảo sát thực trạng điện tại một số vùng nông thôn tỉnh Nghệ An, Ban Chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn 5 mô hình gồm: Trang trại chăn nuôi gà tại xã Nghi Ân, HTX sản xuất ngói Cừa tại Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ, cơ sở sản xuất đá và cưa xẻ gỗ tại Đồng Hợp, Quỳ Hợp, các hộ dân tập trung ở xã Viên Thành - Yên Thành và các hộ dân tập trung ở xã Tràng Sơn - Đô Lương. Hệ thống điện ở các địa điểm này đều có tình trạng chung: hệ thống đường dây hạ thế quá cũ, dây nhôm trần, tiết diện nhỏ, độ võng không đảm bảo quy phạm, không nối đất, cột chữ H xiêu vẹo, sử dụng cột tre, mét tạm bợ, nhiều cột đã gãy đổ nghiêng xuống đường và đồng ruộng, hệ thống dây đan chằng chịt vào nhau gây mất an toàn; Trạm biến áp xuống cấp, thiếu thiết bị bảo vệ an toàn, công suất máy biến áp không đủ cung cấp cho nhu cầu của dân, khoảng cách đặt trạm biến áp quá xa so với phụ tải.



Lắp đặt tụ bù cho trạm biến áp ở Tràng Sơn - Đô Lương.

Trước thực trạng về hệ thống điện tại các vùng nông thôn nói chung, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục và cải thiện tình trạng này như: nâng cấp cải tạo hệ thống cung cấp điện, lắp đặt các thiết bị tiết kiệm điện, đổi mới hệ thống chiếu sáng, sử dụng các thiết bị điện gia dụng tiết kiệm năng lượng.... Qua khảo sát hoạt động của các làng nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn, nhận thấy các động cơ như: máy cưa, máy xẻ đá, máy đóng gạch đều hoạt động liên tục, thời gian không tải và non tải của máy phụ thuộc vào tính chất của nguyên vật liệu, cũng như trình độ thao tác của người vận hành.

Giải pháp lắp đặt thiết bị điện Powerboss cho các động cơ là hết sức cần thiết. Theo nhóm thực hiện đề tài, Powerboss có thể cung cấp nhiều lợi ích bền vững và tức thời, bao gồm khởi động mềm, tối ưu hóa động cơ, tiết kiệm điện, ngắt mềm, giảm chi phí bảo dưỡng... Hiện tại các cơ sở sản xuất đều sử dụng cầu giao khởi động trực tiếp không có bảo vệ, vì thế lắp Powerboss là cần thiết, vì đây là thiết bị khởi động mềm làm giảm dòng khởi động của động cơ khiến cho máy chạy êm, kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm năng lượng.

Cơ sở sản xuất dân dụng Minh Đài, xóm 7, Tràng Sơn, Đô Lương là hộ sản xuất được thí điểm lắp đặt Powerboss tiết kiệm điện cho biết “Trước đây khi chưa sử dụng thiết bị này, tiền điện cơ sở gia đình chúng tôi khoảng 1.500.000 đồng/tháng, nhưng từ khi lắp thử thiết bị tiết kiệm điện do nhóm đề tài cung cấp, tiền điện giảm xuống chỉ còn 1.200.000 đồng/tháng (giảm khoảng 20%).

Qua khảo sát đo đạc, trạm biến áp ở các điểm xây dựng mô hình đều hoạt động với hệ số công suất thấp (Cosφ = 0,7), giải pháp được đề xuất là lắp tụ bù cho các trạm biến áp. Theo tính toán thực tế cho thấy, đối với trạm biến áp 320KVA-10/0,4KV, lắp tụ bù có thể tiết kiệm được khoảng 21 triệu đồng/năm, trạm 560KVA-35/0,4KV có thể thiết kiệm khoảng 56,2 triệu đồng/năm.

Ngoài các giải pháp mang tính kỹ thuật, đề tài đưa ra các giải pháp khác như: nhóm giải pháp về giáo dục truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện năng, bảo đảm hiệu suất cao và an toàn trong sử dụng điện ở các vùng nông thôn; Nhóm giải pháp về chính sách quản lý, khuyến khích hỗ trợ nhằm tiết kiệm điện năng; Nhóm giải pháp đầu tư, cải tạo và phát triển điện lưới nông thôn.

Qua một thời gian áp dụng các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả thiết thực của đề tài được thể hiện rõ. Từ năm mô hình này có thể nhân rộng ra toàn vùng nông thôn, miền núi tỉnh Nghệ An, đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống nhân dân.


Trần Thanh Hoa (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học)

Mới nhất
x
Giải pháp sử dụng điện an toàn và tiết kiệm ở vùng nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO