Giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

22/07/2014 09:07

(Baonghean) - Câu hỏi 50. Giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020?

Trả lời: Nghị quyết 09-NQ/TW đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020:

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Xây dựng lực lượng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển.

- Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển.

- Triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả đối với các vấn đề liên quan đến biển.

- Xây dựng đầy đủ đồng bộ hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển.

- Phát triển nguồn nhân lực biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng biển và ven biển.

- Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển.

- Xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh làm nòng cốt trong phát triển kinh tế biển với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 về Chương trình hành động của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 137/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 phê duyệt đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển; Quyết định số 1041/QĐ/TTg ngày 22/7/2009 phê duyệt đề án bảo đảm mạng lưới thông tin biển, đảo; Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 phê duyệt đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam...

Từ khi ban hành đến nay, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã có những đóng góp tích cực vào việc định hướng bảo vệ và phát triển sự nghiệp biển Việt Nam. Tuy nhiên, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn một số hạn chế, như: một số giải pháp chưa cụ thể, chưa có lộ trình cụ thể, việc triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 chưa đạt hiệu quả cao; việc tuyên truyền giáo dục về biển, đảo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống; bộ máy quản lý và thực thi chính sách, pháp luật biển chưa đủ mạnh, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, còn phân tán...

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có các vừng biển và thềm lục địa rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Ở giữa Biển Đông, còn có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang là tiêu điểm của những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hết sức phức tạp và nhạy cảm... Việt Nam không thể không có một Chiến lược Biển xứng tầm, được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các căn cứ khoa học, hiện đại, các cơ sở dữ liệu, được đánh giá một cách toàn diện về thực trạng phát triển biển, những thuận lợi, thế mạnh và cả những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt...

Có được một Chiến lược Biển tổng thể, xứng tầm, đúng đắn và phù hợp, cùng với quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo, quản lý, của các ngành và toàn dân, Việt Nam sẽ khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng biển giàu đẹp của đất nước; khắc phục và vượt qua được những khó khăn, thách thức hiện hữu để vươn lên trở thành quốc gia mạnh về biền, thực hiện được mục tiêu chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam

(Hết)

Mới nhất

x
Giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO