Giải quyết ô nhiễm ở Lạch Vạn: Tránh tình trạng 'đánh trống, bỏ dùi'

13/12/2016 09:45

(Baonghean) - Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu) diễn ra nhiều năm nay. Người dân kiến nghị, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu)
Cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu)

Dân bức xúc, chính quyền bất lực

Một vấn đề “nóng” mà lâu nay trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh được nêu lên là tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu). Nói “nóng” là bởi vì, người dân “kêu” đã nhiều năm, các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều nhưng việc giải quyết của các cơ quan chức năng tỏ ra quá “chậm chạp”.

Tiếp tục tìm hiểu thực trạng vấn đề này, phóng viên đã trực tiếp về Lạch Vạn. Bà Vũ Thị Oanh, xóm Đồng Lộc, xã Diễn Ngọc cho biết: Chúng tôi đã phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải từ các nhà máy chế biến bột cá thải ra nhiều năm nay rồi. Hết lần này đến lần khác, khi dân có ý kiến thì các cơ quan cứ nói sẽ kiểm tra, khắc phục nhưng dân chờ mãi cũng không triệt để được.

Thực tế, bức xúc của người dân là đúng. Bởi hiện nay, tại khu vực cảng cá Lạch Vạn, hoạt động sơ chế, phân loại các loại hải sản của người dân khi tàu thuyền về được diễn ra ngay trên nền cảng. Các loại rác thải từ bao ni lon, phụ phẩm hải sản như vỏ sò, ốc được một số người dân “tuồn” thẳng xuống bờ lạch.

Nước thải của Công ty TNHH Kim Ngọc Năm thải trực tiếp qua ống cống này ra môi trường khi chưa được xử lý
Nước thải của Công ty TNHH Kim Ngọc Năm thải trực tiếp qua ống cống này ra môi trường khi chưa được xử lý

Không chỉ vậy, nước thải từ việc sơ chế hải sản chảy thẳng ra lạch mà chưa được xử lý. Cùng với đó, trong khu vực cảng có 2 cơ sở chế biến hải sản là Công ty TNHH Kim Ngọc Năm do bà Nguyễn Thị Năm làm chủ và cơ sở kinh doanh của anh Nguyễn Văn Hưng. Khi hoạt động, nước thải của Công ty TNHH Kim Ngọc Năm không được thu gom xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường.

Mặc dù công ty đã đầu tư hệ thống lò hơi nhưng khí thải từ hệ thống lò hơi, dập mùi hơi khi thải ra môi trường gây khó chịu cho khu vực dân cư xung quanh. Vào tháng 7/2016, đoàn kiểm tra của Sở Tài Nguyên và Môi trường còn phát hiện công ty hoạt động vượt quá công suất cho phép hơn 20 tấn/ngày theo Bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp...

Khu vực trong cảng cá là thế, khu vực ngoài cảng cá cũng không kém phần ô nhiễm. Tại 2 bên cánh gà của cảng, rác thải sinh hoạt, rác xây dựng, rác thải từ hoạt động đánh bắt hải sản được người dân đổ chất đống xuống lạch.

Lâu ngày, các loại rác thải này không được thu gom nên bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến luồng lạch, gây khó khăn cho hoạt động ra vào của tàu thuyền ngư dân. Cùng đó, nước thải từ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã Diễn Ngọc cũng góp phần khiến cho môi trường nơi đây ô nhiễm nặng nề hơn.

Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, phụ phẩm hải sản được người dân đổ đống xuống Lạch Vạn.
Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, phụ phẩm hải sản được người dân đổ đống xuống Lạch Vạn.

Mới đây nhất, khi kiểm tra cơ sở chế biến bột cá Hùng Châu và Công ty TNHH sản xuất bột cá Bắc miền Trung, UBND huyện Diễn Châu chỉ ra những tồn tại của 2 cơ sở này. Đối với cơ sở Hùng Châu mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất nhưng chưa đúng với cam kết; nước thải chưa đạt quy chuẩn khi thải ra môi trường; chưa xây dựng bể xử lý nước thải tại khu vực thải do nước dùng để dập bụi.

Đối với Công ty TNHH sản xuất bột cá Bắc miền Trung thì chưa thực hiện quan trắc môi trường không khí theo quy định; chất thải nguy hại còn để chung với rác thải sinh hoạt, chưa được thu gom và lưu giữ đúng quy định.

Tại sao một vấn đề “nóng”, được người dân kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trước hết là do sự yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất bột cá; ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn hạn chế.

Một nguyên nhân khác nữa là do sự phối hợp giữa Ban quản lý cảng cá Lạch Vạn với chính quyền xã trước đó chưa được tốt. Bên cạnh đó, lâu nay, việc kiểm tra, đánh giá công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất bột cá chưa thường xuyên; khi phát hiện sai phạm thì các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

“Đối với chính quyền xã thì rất khó để đánh giá được các cơ sở này có vi phạm về bảo vệ môi trường hay không. Xã cũng thường xuyên nhắc nhở các cơ sở, người dân nghiêm túc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường nhưng chừng đó là chưa đủ ngăn chặn, nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn kéo dài”, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết.

Cần một giải pháp mạnh

Mặc dù vấn đề ô nhiễm môi trường ở Lạch Vạn đang gây bức xúc cho người dân nhưng không thể phủ nhận, mức độ ô nhiễm đã giảm đáng kể. Năm 2015, được sự tài trợ vốn của Ngân hàng Thế giới, dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững CRSD đã nâng cấp cảng cá Lạch Vạn.

Bên cạnh đầu tư các công trình hạ tầng như nhà mái che, khu rửa cá, bờ kè, đường nội bộ, điện, nước… dự án đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cùng với đó là lắp đặt các thùng thu gom chất thải rắn. Ông Võ Minh – Cảng phó Cảng cá Lạch Vạn cho biết, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước thải hoàn thành và đưa vào sử dụng thì nước thải trong khu vực cảng được xử lý rồi mới thải ra môi trường.

Từ đầu tháng 12/2016, Ban quản lý cảng cá tiến hành nghiêm cấm, nhắc nhở các hộ dân không được tiến hành sơ chế các loại hải sản như ốc, sò trên nền cảng.

Các loại rác thải được đổ đống xuống Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu).
Các loại rác thải được đổ đống xuống Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu).

Một biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường ở Lạch Vạn là thu gom rác thải. Đây là công tác khó, phải có sự phối hợp giữa chính quyền xã Diễn Ngọc, Ban quản lý cảng cá Lạch Vạn và cả người dân.

Được biết, bắt đầu từ tháng 12/2016, UBND xã Diễn Ngọc ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường cây xanh Diễn Châu tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân. Cứ 3 ngày/lần, công ty sẽ tiến hành gom rác thải của người dân rồi chở vào Khu xử lý rác thải Nghi Yên (Nghi Lộc) để xử lý.

“Mỗi năm, mỗi hộ chỉ phải đóng 200.000 đồng nhưng được thu gom rác tận nhà. Song, lo lắng lớn nhất là đối với rác thải rắn như các phụ phẩm hải sản vỏ sò, ốc, nghêu vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp. Sắp tới, xã sẽ phối hợp với Ban quản lý cảng cá Lạch Vạn để tổ chức tốt hơn việc thu gom rác trong cảng”, ông Dũng cho biết.

Vấn đề mấu chốt trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lạch Vạn là buộc các cơ sở sản xuất chế biến hải sản phải đảm bảo môi trường về xả thải. Theo ông Trần Hải Đường – Chánh Thanh tra Sở NN & PTNT, sau khi tiến hành kiểm tra phát hiện những vi phạm của Công ty TNHH Kim Ngọc Năm, đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính và yêu cầu công ty phải khắc phục những tồn tại trước ngày 30/12/2016.

Nếu sau thời gian này, công ty không thực hiện đúng cam kết sẽ không cho thuê đất và đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm. Đối với các 2 cơ sở Hùng Châu và Công ty TNHH sản xuất bột cá Bắc miền Trung, theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì sở đã yêu cầu các cơ sở này khắc phục, nếu không sở sẽ đưa vào danh sách thanh tra của năm 2016 và sẽ xử phạt nghiêm khắc khi phát hiện sai phạm.

Trước những biện pháp được đánh giá là quyết liệt của các cơ quan chức năng, người dân đang mong đợi vấn đề ô nhiễm môi trường tại Lạch Vạn sớm được giải quyết dứt điểm. Qua đó, góp phần đảm bảo môi trường sống của người dân, giúp người dân có điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với vấn đề cử tri phản ánh về tình trạng cho thuê đất trái phép ở khu vực cảng cá Lạch Vạn, qua tìm hiểu được biết, Ban quản lý Cảng cá Nghệ An đang cho 3 tổ chức gồm: Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Kim Ngọc Năm và hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hưng thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.

Theo Khoản 9, Điều 14, Nghị định 80/NĐ-CP về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá quy định: Ban quản lý cảng cá có quyền cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghề cá tại vùng đất cảng, theo phương án khai thác cảng cá đã được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

Phạm Bằng

Mới nhất

x
Giải quyết ô nhiễm ở Lạch Vạn: Tránh tình trạng 'đánh trống, bỏ dùi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO