Giải quyết tồn tại ở chung cư Vicentra: Cần thiện chí từ các bên!
(Baonghean) - Được quảng bá là nơi "hội tụ những điều kiện, những tiện ích tốt nhất để sống, làm việc...", vậy nhưng, từ năm 2014 đến nay, các cư dân sống tại tòa chung cư cao cấp Vicentra (TP. Vinh) đã không ít lần kiến nghị với các cơ quan chức năng và báo chí, mong được bảo vệ quyền lợi vì chất lượng khu chung cư không đảm bảo. Trung tuần tháng 7/2015, Báo Nghệ An lại tiếp tục nhận được đơn của nhiều hộ dân Vicentra với nội dung tương tự...
Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Vicentra (TP. Vinh). |
Tại đơn kiến nghị lần này, các hộ dân chung cư cao cấp Vicentra viết: "Chúng tôi là những người đã bỏ ra hàng tỷ đồng để mua các căn hộ cao cấp Vicentra với kỳ vọng có được những căn nhà chất lượng như tên gọi của nó. Nhưng chúng tôi đã lầm và vô cùng thất vọng...".
Đưa phóng viên đi mục kích tòa chung cư, ông Nguyễn Đình Hân (sống tại phòng 1085) là người đứng đơn và cũng là Trưởng ban đại diện lâm thời của các hộ dân cho hay: Tòa nhà bộc lộ rất nhiều sự yếu kém về chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân. Ông Hân dẫn giải: Do thiết kế bất hợp lý, tại các căn hộ không thiết kế nơi lắp đặt máy điều hòa, các chủ căn hộ phải cải tạo nhưng vì vậy chất lượng hoạt động không tốt, bên cạnh đó, hành lang của các tòa nhà chỉ có duy nhất một cửa đón gió nên không có sự lưu thông không khí, gây bí bách, nóng nực; Luật và các quy định của Bộ Xây dựng đã nêu rõ các tiêu chí về chung cư cao cấp, trong đó có nói về sở hữu chung, sở hữu riêng và nhu cầu tối thiểu về nơi đỗ ô tô. Vậy nhưng, chủ đầu tư không coi tầng hầm là thuộc sở hữu chung mà họ cho đó là sở hữu riêng và bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu...; Bể chứa nước ngầm thiết kế không khoa học, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo. Trong khi, việc kiểm tra và thau rửa bể rất khó khăn vì đường vào không thuận tiện; Chủ đầu tư không có chức năng kinh doanh điện, vậy nhưng vẫn ký hợp đồng mua điện với công ty điện lực và thực hiện áp giá bán cho các hộ dân cao hơn quy định; Phí quản lý vận hành, chủ đầu tư thu ở mức cao nhất (3.000 đồng/m2), vậy nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng. Do việc điều hành, quản lý chung cư không tốt, trong khi cả trăm hộ dân của chung cư không có quyền để đưa ra các yêu cầu, quy định và giám sát các đơn vị làm dịch vụ, vậy nên, tất cả các hộ dân mong muốn được tổ chức hội nghị chung cư để bầu ra một ban quản trị. Tuy nhiên, chủ đầu tư cứ lần lữa không tổ chức... "Chúng tôi không có quyền gì trong ngôi nhà của mình, tất cả phụ thuộc vào chủ đầu tư nên cuộc sống ngày càng khốn khổ" - ông Nguyễn Đình Hân bức xúc.
Theo ông Hồ Văn Bài, Quyền Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Trung tâm thương mại Vinh, đại diện cho chủ đầu tư thì, các kiến nghị của một số hộ dân có một số điểm đúng, chủ đầu tư đã điều chỉnh nhưng đáng buồn là "những thiện chí đó không được ghi nhận". Ví như về chuyện nước sinh hoạt, ông Bài cho biết, khi có phản ánh nước bị đục, Ban quản lý chung cư đã cùng đại diện các hộ dân tiến hành kiểm tra (ông Nguyễn Đình Hân tham gia và có ký vào biên bản). Kết quả là thành, đáy bể đảm bảo về chống thấm, không có hiện tượng xâm thực từ bên ngoài, không có hiện tượng nào gây bẩn nguồn nước. Ở đáy và thành bể có một lớp cặn là do nguồn nước cấp không đảm bảo để lâu ngày lắng xuống; khi nước cấp về với áp lực lớn gây trào lớp cặn, và có gây bong tróc lớp vữa láng đáy bể... Sau khi kiểm tra, Ban quản lý đã vệ sinh, thau rửa bể sạch sẽ. Khi đại diện của dân kiến nghị đề xuất láng lại đáy bể, tạo độ dốc đáy, ngăn chia bể nước sinh hoạt với bể nước cứu hỏa... Ban quản lý và đại diện dân đã thống nhất sẽ họp dân lấy ý kiến lập dự toán để phối hợp cùng chủ đầu tư thực hiện. Về kiến nghị được mua điện tại gia, công ty rất đồng tình. Bởi vì, với hiện trạng như hiện nay, công ty đang phải chịu lỗ vì phải chi lương cho cán bộ thu phí, vận hành và bảo trì hệ thống... "Chung cư đi vào sử dụng từ năm 2011. Từ đó đến nay tháng nào chúng tôi cũng chịu lỗ, có tháng mất đến chục triệu đồng. Chỉ duy nhất từ tháng 5/2015 do thời tiết nóng, người dân sử dụng nhiều điện có lãi vài triệu đồng. Vậy nhưng, người dân lại cho rằng chúng tôi bắt chẹt dân để kiếm lợi..." - ông Bài nói. Và, ông yêu cầu kế toán đưa ra toàn bộ hóa đơn đã giao dịch với ngành Điện để chứng minh "sự lỗ"; cùng nhiều văn bản đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Điện lực Nghệ An và việc tiếp nhận lưới điện ở chung cư Vicentra. Ông Bài cho biết thêm: "Ngành Điện đã có một số văn bản trả lời là chưa đồng ý tiếp nhận yêu cầu bán điện đến từng hộ ở chung cư Vicentra. Những văn bản này chúng tôi đã từng treo tại bảng tin để các hộ dân biết. Thật lòng, chúng tôi rất muốn cùng đại diện các hộ dân làm việc với cơ quan quản lý nhà nước để được giải quyết vấn đề điện, vì nguyện vọng được mua điện tại gia của các hộ dân là hoàn toàn chính đáng...".
Về quy hoạch, thiết kế, chất lượng công trình, cũng như quyền sở hữu chung riêng. Theo ông Hồ Văn Bài, về cơ bản, đơn phản ánh chưa đúng vì "không nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán căn hộ mà hai bên đã ký kết". Ví như, về tầng hầm, trong hợp đồng nêu rõ: Diện tích riêng của tòa nhà của chủ đầu tư "là các diện tích và tiện ích trong tòa nhà, không phân bổ vào giá trị hợp đồng, bao gồm: toàn bộ tầng hầm của tòa nhà không đưa vào giá bán căn hộ". Hay như việc một số hộ nêu tại đơn rằng "theo hợp đồng mua bán nhà, cửa sổ tòa nhà là cửa sổ 2 cánh, nhưng khi giao nhà lại là cửa sổ 1 cánh... bất tiện rất lớn nên khi hoàn thiện cư dân phải thay thế của sổ khác với chi phí hàng trăm triệu đồng". Phản ánh như vậy là sai. Vì tại bản vẽ phối cảnh tòa nhà giao cho khách hàng đều thể hiện là cửa sổ 1 cánh; tại hợp đồng thì nêu: "toàn bộ hệ thống cửa sổ là cửa nhựa PVC cao cấp của Eurowindow, có thể quay lật, với độ kín, khít cao". Và mẫu mã và chất lượng cửa sổ tại các căn hộ đều đã được thực hiện đúng như vậy... Chủ đầu tư rất muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư để chuyển giao các công tác và trách nhiệm liên quan cho Ban quản trị mới, để cư dân có sự chia sẻ hơn. "Chúng tôi mong muốn hội nghị càng sớm càng tốt để đỡ được khoản bù lỗ cho hoạt động quản lý và vận hành" - ông Hồ Văn Bài khẳng định.
Trước đó, vào khoảng tháng 2/2014, Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân chung cư Vicentra với các nội dung điều kiện sinh hoạt không đảm bảo. Thời điểm đó, Tổng Giám đốc của Công ty CP đầu tư Trung tâm thương mại Vinh là ông Nguyễn Cảnh Mão thừa nhận về việc mất vệ sinh cục bộ, bất cập trong vấn đề giá điện... Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tìm đọc nội dung quảng bá của nhà đầu tư và áp với chuẩn của chung cư cao cấp thì thấy chung cư Vicentra, rõ ràng chưa đủ tiêu chuẩn. Tại Thông tư số 14/2008/BXD ngày 2/6/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về phân hạng nhà chung cư nêu rõ, nhà chung cư hạng 1 (cao cấp) là hạng có chất lượng sử dụng cao nhất; đảm bảo về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng hoàn thiện, trang thiết bị và điều kiện cung cấp dịch vụ quản lý sử dụng đạt mức độ hoàn hảo. Chưa nói đến chất lượng quản lý dịch vụ phải "hoàn hảo", để đạt chuẩn "cao cấp", chung cư phải có sân, vườn, thảm cỏ, cây xanh, đường dạo thiết kế đẹp, hoàn chỉnh, thống nhất; không gian xung quanh rộng rãi, môi trường thoáng mát, sạch đẹp..., là những tiêu chí cốt lõi để đảm bảo không gian, môi trường sống thì ở chung cư Vicentra gần như là con số không. Từ thực tế đó, thấy rằng, dù có thể có những điểm một số hộ dân phản ảnh chưa đảm bảo hoàn toàn chính xác thì chủ đầu tư vẫn rất cần xem xét lại trách nhiệm của mình để thực hiện tốt công tác quản lý và hoàn thiện các loại hình dịch vụ trong thời gian chưa thành lập được ban quản trị mới.
Vậy nên, khi có một số vấn đề chưa thỏa mãn thì cần hợp tác cùng chủ đầu tư để có những điều chỉnh phù hợp. Và với các vấn để nêu tại đơn, các hộ dân cần cùng phối hợp với chủ đầu tư tổ chức một cuộc họp toàn thể, có sự tham dự của các bên liên quan như chính quyền thành phố; phường, khối sở tại; các đơn vị điện, nước... để làm rõ trách nhiệm và đưa ra được những phương án giải quyết. Không nên "hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại", kéo dài việc đơn thư...
Nhật Lân