Giải thể, đình chỉ hơn 30 trung tâm ngoại ngữ do hoạt động không hiệu quả

Mỹ Hà 22/06/2022 11:09

(Baonghean.vn) - Song song với việc phát triển về số lượng thì việc quản lý chất lượng của các trung tâm là điều cần thiết để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Sáng 22/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa.

Nhiều trung tâm bị ảnh hưởng sau dịch

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa đã bắt đầu trở lại bình thường sau 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy vậy, dịch bệnh cũng đã tác động rất nhiều và toàn tỉnh có đến 30 trung tâm phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện toàn tỉnh có 176 trung tâm ngoại ngữ và về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu người học. Nhiều trung tâm phát triển nhanh về quy mô và duy trì tốt chất lượng đào tạo với hơn 74.000 học viên đang theo học và gần 2.500 học viên được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, trong 2 năm đã triển khai dạy cho hơn 100.000 học sinh trong các cơ sở giáo dục tham gia học tiếng Anh tăng cường.

Trong vài năm trở lại đây, các trung tâm kỹ năng sống và ngoài giờ chính khóa cũng phát triển vượt bậc với 92 trung tâm (tập trung nhiều nhất tại thành phố Vinh với 46 trung tâm).

Mô hình hoạt động được thực hiện theo nhiều nhóm như nhóm nội dung kỹ năng sống liên kết trong trường học, nhóm nội dung kỹ năng sống hoạt động tại các trung tâm. Số lượng học viên tập trung chính ở nhóm nội dung kỹ năng sống liên kết trong trường học với gần 64.000 học viên.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện của nhiều trung tâm Anh ngữ và trung tâm kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ về những khó khăn trong quá trình hoạt động.

Hiện nay, quy định về việc cấp phép cần có giáo viên ngoại ngữ nước ngoài khiến cho nhiều trung tâm ngoại ngữ ở các huyện xa trung tâm gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và chưa được quản lý nghiêm túc khiến nhiều trung tâm được cấp phép, hoạt động đúng chức năng khó cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra vì vẫn đang có những trung tâm chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động công khai.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện hơn 200 trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống trên toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Phấn đấu đảm bảo về quy mô và chất lượng

Hội nghị cũng nhìn thẳng vào những hạn chế của các trung tâm. Đó là mặc dù 20/21 huyện, thành thị dù đã có trung tâm ngoại ngữ nhưng ở một số địa phương, quy mô và khả năng đáp ứng nhu cầu người học còn hạn chế (như Tương Dương, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong). Phần lớn trung tâm hiện đang thuê nhà nên môi trường chưa thật sự phù hợp; sau dịch Covid-19 nhiều đơn vị có dấu hiệu xuống cấp về cơ sở vật chất nhưng chưa được thay thế.

Ở các trung tâm ngoại ngữ, việc quản lý giáo viên và sinh hoạt chuyên môn chưa đúng theo quy định, đặc biệt là giáo viên nước ngoài. Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chưa được chú trọng; việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường ở một số đơn vị chưa hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.

Với các trung tâm kỹ năng năng sống, việc quản lý vẫn còn những khó khăn. Gần đây nhất, Sở thành lập đoàn đi kiểm tra một số trung tâm, phần lớn không lưu giữ đủ hồ sơ theo quy định (hồ sơ cấp phép hoạt động; Hồ sơ quản lý chuyên môn; Giáo viên phân công dạy không đúng nội dung hoạt động, không khớp Chương trình hoạt động đã được thẩm định).

Một số đơn vị việc xây dựng chương trình, tổ chức hoạt động chưa hiệu quả: giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp thường xuyên sau một thời gian hoạt động (các nội dung toán tư duy, bồi dưỡng kỹ năng...), phần lớn tuyển dụng qua loa, thiếu đào tạo bài bản.

Cá biệt, có nhiều đơn vị sử dụng công nghệ, mạng xã hội để quảng bá hình ảnh trung tâm chưa đúng thực tế, chưa đúng nội dung được phê duyệt làm ảnh hưởng đến uy tín và sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị.

Trong năm vừa qua, đoàn thanh, kiểm tra của Sở cũng đã kiểm tra một số trung tâm ngoại ngữ có dấu hiệu vi phạm, đình chỉ 3 trung tâm ở thành phố Vinh, đó là Trung tâm Anh ngữ SAS tại địa chỉ 74 - 76 Trần Phú, Trung tâm Anh ngữ AMES - 41 Trần Phú, Trung tâm Anh ngữ A Plus - 58 Nguyễn Phong Sắc.


Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa khẳng định, với vai là đơn vị quản lý, quan điểm của Sở là phải cạnh tranh lành mạnh và đề nghị các trung tâm cần hoạt động theo đúng giấy phép đăng ký và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sở cũng sẽ đồng hành với các trung tâm để phát triển tốt nhất nhưng cũng sẽ xử lý nghiêm những trung tâm hoạt động không đúng chức năng nhiệm vụ.

Đại diện Trung tâm Anh ngữ ở huyện Yên Thành kiến nghị một số vướng mắc trong quá trình hoạt động, ví dụ quy định phải có giáo viên nước ngoài khi đăng ký. Ảnh: Mỹ Hà.

Thời gian tới, Sở sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc công khai thông tin trên phần mềm quản lý và các phương tiện thông tin để người dân và các cơ sở giáo dục biết lựa chọn và giám sát.

Cùng đó, Sở tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn ổn định công tác tổ chức cho các trung tâm ngoại ngữ; phấn đấu để tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh có đủ trung tâm ngoại ngữ đảm bảo về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu người học và hỗ trợ các hoạt động cơ sở giáo dục công lập.

Ngoài ra, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tăng cường quản lý Nhà nước một cách toàn diện với các trung tâm ngoại ngữ.

Ngành giáo dục dự kiến tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp cụm để tạo cơ hội cho giáo viên ở các trung tâm khẳng định năng lực và chất lượng giảng dạy.

Mới nhất
x
Giải thể, đình chỉ hơn 30 trung tâm ngoại ngữ do hoạt động không hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO