Giải thưởng âm nhạc: Nghệ sĩ năm thiếu vắng
Việc năm nào cũng được tôn vinh không chỉ khiến truyền thông chán ngán giải thưởng mà chính nghệ sĩ cũng thấy… oải!
Trong năm năm gần đây, hạng mục Nghệ sĩ của năm, Ca sĩ của năm… ở các giải thưởng âm nhạc như Làn sóng xanh, Mai Vàng, Giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing (Zing Music Awards - ZMA), Cống hiến, Giải thưởng truyền hình HTV (HTV Awards) gần như chỉ quanh quẩn dăm ba gương mặt: Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm…
Nghệ sĩ năm thiếu vắng
Ở các giải thưởng lâu năm như Làn sóng xanh, Mai Vàng, những tên tuổi như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng… thống trị suốt nhiều mùa giải. Và ngay ở giải thưởng mới nhất là ZMA, với lịch sử năm năm thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng dẫn đầu số lượng giải từng giật với chín giải thưởng, tiếp theo là Hồ Ngọc Hà với bảy giải thưởng. Ngay những nghệ sĩ này trong năm được vinh danh đôi khi chẳng có những sản phẩm âm nhạc đáng chú ý với chuyên môn.
Có lẽ vì thế mà nhiều mùa giải, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường… từng xin rút tên khỏi nhiều giải thưởng âm nhạc hoặc họ từ chối nhận giải thưởng với mong muốn dành giải thưởng cho các thế hệ kế cận. Dẫu biết để một ca sĩ mới đủ sức thay thế các gương mặt kể trên có lẽ không phải là câu chuyện một sớm một chiều nhưng chính điều đó tạo nên một thị trường âm nhạc bão hòa ngôi sao.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà luôn có mặt ở đề cử hạng mục Nghệ sĩ của năm, Ca sĩ của năm tại các giải thưởng âm nhạc. Ảnh: TL |
Tuy nhiên, nhà phê bình âm nhạc Minh Đức, thành viên Hội đồng Nghệ thuật giải thưởng Làn sóng xanh 2014, cho rằng: “Chuyện bão hòa là bình thường bởi thị trường âm nhạc không phải khi nào cũng có gương mặt mới. Hãy xem gương mặt của năm là những ca sĩ có hoạt động nổi bật trong năm. Và để nổi bật trong năm thì không có ai khác ngoài những ngôi sao trên đủ sức chi phối đời sống ca nhạc. Nên các hạng mục giải thưởng không phải bão hòa mà do thị trường âm nhạc chuyển biến chậm”.
Đẩy mạnh gương mặt mới
Trong tình thế vẫn chưa có giải thưởng mới chỉ dựa vào chuyên môn, các giải thưởng âm nhạc năm nay chuyển mình bằng những hạng mục mới. Như ZMA năm nay đã thay đổi khi hạng mục Nghệ sĩ mới của năm và Nghệ sĩ của năm chuyển sang cho truyền thông và hội đồng nghệ thuật bình chọn, thay vì để người dùng bình chọn như mùa giải trước. Theo Ban tổ chức ZMA thì việc thay đổi này nhằm nâng cao tính chuyên môn và chất lượng giải thưởng. Chính từ sự thay đổi này mà ZMA năm nay xuất hiện những cái tên: Vũ Cát Tường, Sơn Tùng MTP, Hoài Lâm.
Hay giải Làn sóng xanh năm nay ngoài hạng mục Gương mặt triển vọng đã có thêm hạng mục Gương mặt phát hiện. Hạng mục này dành cho các gương mặt bước ra từ các cuộc thi âm nhạc hoặc những gương mặt hoàn toàn mới, có thể chưa có sản phẩm âm nhạc chính thức hoặc chưa có bài hát vào top Làn sóng xanh nhưng đã được giới chuyên môn và khán giả chú ý, đánh giá cao. Từ hạng mục mới này, hội đồng nghệ thuật đã hoàn thành bình chọn để các gương mặt: Nhóm Oplus, Hà Vân, Hòa Minzy, Thái Ngân, Hoài Lâm, Trương Thảo Nhi có mặt ở giải thưởng.
Chính nhạc sĩ Đức Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ZMA, cũng thừa nhận các giải thưởng dần sẽ phải chú trọng hơn hạng mục nghệ sĩ mới nhiều hơn. “Thị trường âm nhạc trong nước quá nhỏ, số khán giả chỉ từng đó nên ngôi sao chỉ từng đó; muốn một đợt thay máu phải chờ rất lâu. Như giải Mai Vàng ngày xưa ở hạng mục MC năm nào cũng vinh danh MC Thanh Bạch bởi khó có một lớp kế cận mới” - nhạc sĩ Đức Trí cho biết.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đức Trí cũng phân tích hiện tại không phải ca sĩ mới không có khả năng; “họ có khả năng nhưng thiếu bề dày, còn khi nghệ sĩ đã vào được vị trí hạng A rồi thì họ có nhiều điều kiện để tiếp tục củng cố vị trí như đủ tiềm lực để làm liveshow, album hoành tráng hơn, lượng người hâm mộ lớn hơn và tâm lý nhạc sĩ có ca khúc cũng muốn gửi cho ngôi sao… Vì thế cơ hội cho các ca sĩ trẻ có khả năng bật lên ngôi sao còn quá ít”.
Với các nhà chuyên môn như nhạc sĩ Đức Trí, nhà bình luận âm nhạc Minh Đức… khi vào ghế hội đồng nghệ thuật các giải thưởng âm nhạc, họ đều có cái nhìn rộng ra 1-2 thập niên chứ không chỉ 1-2 mùa giải.
Dĩ nhiên đó vẫn là ý kiến của các nhà chuyên môn, còn công chúng không phải chuyên môn, họ không chờ đợi 1-2 thập niên để thấy sự thay đổi lớn, mà ở mỗi mùa giải họ lại thấy những gương mặt cũ và đó là điều làm các giải thưởng sẽ mất dần trong lòng công chúng. Khi đó giải thưởng chỉ còn là sân chơi của người hâm mộ và các nhà bình luận, sản xuất âm nhạc.
Theo PLO