Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn
(Baonghean) - Sáng nay 9/12, ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các đồng chí Trần Hồng Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên họp.
Quyết liệt hơn nữa trong giải phóng mặt bằng
Lần đầu tiên đăng đàn tại diễn đàn HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Võ Duy Việt đã giải trình làm rõ thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư trong các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án tái định cư thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Hủa Na, khu công nghiệp Đông Hồi, Hoàng Mai…
Phần chất vấn đối với Giám đốc Võ Duy Việt đã có 15 đại biểu chất vấn, là nội dung có nhiều chất vấn nhất trong 4 nhóm vấn đề được đưa ra tại kỳ họp lần này. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm được HĐND tỉnh yêu cầu chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư các dự án, thì được ít đại biểu HĐND chất vấn mà chủ yếu tập trung những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước và trách nhiệm tham mưu của ngành trong công tác khai thác khoáng sản; ô nhiễm môi trường; cấp và sử dụng đất ở, đất sản xuất; chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới…
Giám đốc Sở TN&MT Võ Duy Việt trả lời chất vấn.
Trả lời đại biểu Lữ Đình Thi (Quế Phong) về hướng giải quyết cho việc đền bù đất ở, đất liền kề có trước năm 1980 và đất lâm nghiệp với hiện trạng người dân trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, Giám đốc Võ Duy Việt cho rằng: Đất ở có vườn và ao liền kề được hình thành trước năm 1980, nếu có giấy tờ hợp pháp hoặc không có nhưng đã được ghi vào sổ địa chính xã thì khi áp dụng đền bù sẽ được tính là đất ở cho cả diện tích vườn, ao. Và đối với những trường hợp có giấy tờ nhưng diện tích đo thực tế lớn hơn theo giấy tờ ghi nếu không có tranh chấp thì sẽ thực hiện đền bù theo thực tế; trường hợp vừa không có giấy tờ, không được ghi trong sổ đăng ký đất đai địa chính của địa phương thì đây là vấn đề khó. Với chức năng của ngành, Sở đã có tờ trình báo cáo xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Tài nguyên – Môi trường, nhưng hiện tại chưa có trả lời chính thức. Vấn đề xử lý đền bù đất lâm nghiệp mà hiện trạng người dân đang sử dụng để trồng cây nông nghiệp, công nghiệp dài ngày, theo nguyên tắc là đền bù theo quy hoạch sử dụng đất, tuy nhiên theo quan điểm đảm bảo quyền lợi cho nông dân, đảm bảo tương đối với giá trị sản xuất hiện tại của người dân, ngành đã đề xuất phương án thực hiện đền bù theo quy hoạch đất lâm nghiệp, sau đó thực hiện hỗ trợ 2 lần đất lâm nghiêp và các hỗ trợ khác.
Giám đốc Sở TN-MT cũng đề nghị: các cấp, các ngành rút kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch cần đảm bảo chất lượng, sau quy hoạch công khai cho cán bộ, nhân dân được biết và quản lý quy hoạch, có như vậy khi đền bù mới đảm bảo công bằng giữa người thực hiện đúng và người vi phạm.
Trả lời đại biểu Lê Quang Đạt (Thanh Chương) về biện pháp xử lý đền bù diện tích rừng "da báo" tại khu vực tái định cư thủy điện Bản Vẽ, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Đây là những diện tích rừng trồng trong các loại rừng khác của các nông lâm trường, và việc trồng rừng này chủ yếu là sử dụng vốn vay và với khoản đền bù rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo quy định, khoản đền bù này thuộc về phạm vi giải quyết của chủ đầu tư, đó là Ban quản lý Thủy điện 2, tuy nhiên, hiện tại cơ quan này đang từ chối thực hiện, bởi theo họ đây là hạng mục được phát sinh sau khi làm tổng dự toán của dự án nên không bổ sung được. Quan điểm của ngành là đề nghị UBND huyện Thanh Chương chỉ đạo lập phương án đền bù và trình các cơ quan chức năng, từ đó kiến nghị với UBND tỉnh giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xử lý.
Trả lời các đại biểu Lô Xuân Vinh (Quế Phong), Moong Văn Hợi (Tương Dương) giải pháp cho các hộ dân di dân tái định cư tại chỗ và đảm bảo đời sống cho người dân trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, Giám đốc Việt thừa nhận: “Đây là vấn đề rất khó vì không biết căn cứ vào đâu để thực hiện”. Tuy nhiên, ông cũng đã đưa ra phương án cụ thể, nếu hộ nào đã đo thì thực hiện đền bù theo thực đo, nếu hộ nào không thực hiện đo thì căn cứ vào quy định đền bù không quá 1000m2/hộ, trong đó gồm 400m2 đất ở và 600m2 đất vườn.
Một số vấn đề chưa được Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường trả lời do hết thời gian quy định hoặc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đã giải trình cụ thể. Đồng chí Hồ Đức Phớc, thẳng thắn thừa nhận: “Việc thực hiện tái định cư thủy điện Bản Vẽ hiện đang tồn tại một số vấn đề, bắt nguồn từ việc chúng ta đã thực hiện sai quy trình ngay từ ban đầu, bởi việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư là trách nhiệm của chính quyền địa phương là chính chứ không phải do chủ đầu tư”. Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Những vướng mắc hiện tại chúng ta sẽ tập trung giải quyết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí địa phương không có, cho nên biện pháp để tháo gỡ là sau kỳ họp này, UBND tỉnh sẽ quyết tâm làm việc bằng được với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để giải quyết theo nguyên tắc những vấn đề phát sinh sẽ tiếp tục bổ sung khắc phục tồn tại, bao gồm đền bù diện tích rừng da báo, điều chỉnh, sửa chữa những bất cập tại khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ. Đồng thời cam kết sẽ tập trung để lo cho dân có thu nhập, ổn định cuộc sống thông qua các dự án sản xuất, đảm bảo cuộc sống của người dân tốt hơn nơi ở cũ”.
Về tái định cư cho đường Vinh – Cửa Lò (72m), đồng chí Hồ Đức Phớc cho biết: Vấn đề này đã được chỉ đạo triển khai và khi xác định được khu vực tái định cư rồi thì nhân dân không đồng tình và yêu cầu ở khu đất đã được giao cho doanh nghiệp. Với quan điểm đặt lợi ích của người dân lên trên hết nên UBND tỉnh đã làm việc, thống nhất được với doanh nghiệp để có vị trí tái định cư theo nguyên vọng của người dân và đang tiến hành làm các thủ tục, khi có tiền là tiến hành ngay. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo bộ máy của mình làm nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa, đảm bảo yêu cầu tiến độ thời gian.
Kết luận nội dung chất vấn này, đồng chí Trần Hồng Châu, nêu rõ: Trách nhiệm công tác giải phóng mặt bằng là chính quyền địa phương sở tại; lãnh đạo các huyện, thành, thị xã cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh để giải quyết tốt vấn đề này, không ỷ lại cho nhà đầu tư. Việc thu hút công trình đầu tư vào địa địa bàn phải đáp ứng được các yếu tố yên dân, đảm bảo an sinh xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư phải giải quyết tốt các công trình phúc lợi, đảm bảo ổ định, nâng cao cuộc sống cho người dân tái định cư tốt hơn nơi ở cũ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng thực hiện dự án hiểu được lợi ích của dự án đề tự giác chấp hành cũng như trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan. UBND tỉnh và các ngành chuyên môn quan tâm bố trí nguồn vốn thẩm định, nhất là các dự án trọng tâm, trong đó có công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện tái định cư, ổn định đời sống của nhân dân khu vực tái định cư, góp phần yên dân trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên kinh phí nâng cao chất lượng công trình vệ sinh trường học
Đối với ngành GD- ĐT, có 10 ý kiến chất vấn tập trung vào 3 vấn đề chính là: Vệ sinh trường học, việc quản lý thu - chi trong các nhà trường; kết quả thực hiện Nghị quyết 350/2010/NQ-HDND về việc chuyển đổi loại hình trường mầm non. Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Hữu Trường đề nghị ông Lê Văn Ngọ- Giám đốc Sở GD-ĐT giải trình rõ hơn về việc kiểm tra thu chi trong các trường học, đặc biệt là những sai phạm và xử lý sai phạm? Đại biểu Lê Văn Trí chất vấn kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường không quá 4% là quá ít, buộc các trường phải thu các khoản khác ngoài 6 khoản thu theo qui định để đảm bảo chất lượng dạy và học. Vậy Sở có tham mưu như thế nào đối với UBND tỉnh và ngành tài chính để phân khai kinh phí hạn chế các khoản thu ngoài qui định?.
Một số đại biểu thắc mắc theo báo cáo giải trình của Sở GD - ĐT hiện nay toàn tỉnh có 1.571 cán bộ làm công tác y tế trường học nhưng chỉ có 557 cán bộ chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và lộ trình giải quyết như thế nào trong khi hàng năm có hàng trăm sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường không có việc làm?
Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Văn Ngọ trả lời chất vấn.
Trả lời chất vấn của cử tri, sau khi giải trình kết quả kiểm tra đối với các khoản thu - chi đầu năm và vấn đề công trình vệ sinh không đảm bảo, ông Lê Văn Ngọ cho biết, ngành xác định trách nhiệm chính thuộc về hiệu trưởng, giáo viên và các tổ chức đoàn thể trong trường và việc đầu tiên là thay đổi nhận thức của đội ngũ này. Riêng vấn đề thiếu đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách trong các nhà trường hiện nay, ông Ngọ thừa nhận bên cạnh khó khăn về kinh phí, cân đối ngân sách thì một trong những nguyên nhân chính là do các nhà trường chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.
Phần cuối của phiên chất vấn, các đại biểu liên tục đặt các câu hỏi liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian gần đây là việc chuyển đổi loại hình trường mầm non và tăng học phí ở trường mầm non chất lượng cao. Trả lời chất vấn của đại biểu An Chung (Đô Lương) và Nguyễn Thị Phước (Yên Thành) về xác định trách nhiệm trong sự việc các trường mầm non đồng loạt tăng học phí theo mô hình chất lượng cao khi chưa có hướng dẫn của Bộ GĐ-ĐT, ông Lê Văn Ngọ cho biết thực tế các đơn vị quá nóng vội khi tăng học phí mà chưa có hướng dẫn của Bộ GĐ&ĐT nhưng quan điểm của ngành là sẽ tiếp tục tham mưu để các trường mầm non chất lượng cao có thể phát triển nguồn thu khác để nâng cao chất lượng dạy và chăm sóc trẻ, xây dựng mô hình điển hình về xã hội hóa.
Chưa bằng lòng với giải trình của Giám đốc Sở GĐ-ĐT, đại biểu An Chung tiếp tục chất vấn UBND tỉnh đã ra Quyết định 87 về việc về việc tạm dừng và tạm thu học phí mầm non nhưng điều mà dư luận quan tâm là sẽ tạm thu đến bao giờ? Ông Ngọ khẳng định ngành Giáo dục sẽ làm theo quyết định của UBND tỉnh, tạm thu đến khi người dân đồng tình, phụ huynh chấp nhận thì triển khai theo hình thức mới.
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, các chất vấn của Đại biểu liên quan đến bất cập trong chính sách miễn giảm học phí cho con em đối tượng chính sách nhất là đối với trẻ mầm non; vấn đề xử lý hóa chất sau thí nghiệm và hóa chất hư hỏng còn tích tụ trong kho của các trường học…đã được Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo lần lượt giải trình theo hướng ngành đã cố gắng và có nhiều giải pháp để tháo gỡ cũng như đề nghị các cơ quan chức năng, UBND tỉnh xem xét giải quyết nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là kinh phí, mong các đại biểu chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục.
Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đồng chí Trần Hồng Châu đề nghị không chỉ riêng ngành giáo dục mà các cấp ngành phải quan tâm đến vệ sinh trường học, không nên xem đây là vấn đề nhỏ mà phải xác định đây là trach nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội trong việc bảo đảm sức khỏe và các điều kiện tốt nhất cho thế hệ trẻ. Ưu tiên nguồn kinh phí, huy động nguồn lực xã hội hóa, nâng cao chất lượng các công trình vệ sinh trường học. Đối với công tác quản lý thu chi trong trường học, ngành giáo dục phải tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra các sai phạm nhất là các khoản thu ngoài qui định của nhà nước. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để và thông báo rộng rãi để phụ huynh, học sinh cùng tham gia giám sát. Đối với qui trình chuyển đổi trường mầm non, HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục phối hợp đồng bộ với các địa phương thực hiện đúng qui trình, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ và phù hợp với tình hình thực tế.
Đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XVI, đồng chí Trần Hồng Châu khẳng định: Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm của UBND, các ngành liên quan và đã trả lời đầy đủ các câu hỏi chất vấn tại kỳ họp. Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Về phía các ngành, phần chuẩn bị báo cáo giải trình và trả lời chất vấn còn dài, chưa tập trung vào nội dung chính của câu hỏi. Lộ trình và giải pháp một số vấn đề chưa được xác định rõ. Về phía đại biểu HĐND tỉnh khi nêu câu hỏi chất vấn còn dài, một số vấn đề chưa rõ. Một số đại biểu nêu những vấn đề không thuộc thẩm quyền của ngành được chất vấn. Đồng chí yêu cầu: Từ những vấn đề được chất vấn tại kỳ họp, UBND tỉnh và các sở, ngành đưa vào chương trình công tác năm 2012, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyến điểm để thực hiện tốt những kiến nghị mà đại biểu, cử tri đặt ra; đồng thời báo cáo kết quả giải quyết tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 tới. Đề nghị các Ban, các Tổ, đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tiếp tục giám sát các lời hứa của các ngành trả lời các vấn đề chất vấn tại kỳ họp này để không phải chất vấn lại tại kỳ họp sau. |
Mai Hoa, Khánh ly