Giảm nghèo bền vững- khơi dậy ý chí vươn lên của người dân

09/12/2014 08:58

(Baonghean) - Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo Nghệ An giảm nhanh, với mỗi năm giảm bình quân 3%, tương đương 20.000 hộ. Tuy nhiên, việc giảm nghèo đang cho thấy thiếu tính bền vững, vì tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo mới còn cao.

Đào tạo nghề may công nghiệp tạo điều kiện thoát nghèo cho thanh niên  huyện Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Đào tạo nghề may công nghiệp tạo điều kiện thoát nghèo cho thanh niên huyện Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan

Giảm nghèo nhanh…

Toàn huyện Nghi Lộc hiện còn 6,1% hộ nghèo, tương đương 3.070 hộ, tập trung ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn như Nghi Văn và các xã vùng bãi ngang Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Quang, Nghi Thiết... Để tỷ lệ hộ nghèo giảm đến mức như hiện nay, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Hữu Lam, cùng với triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, hỗ trợ người nghèo về nhà ở, về y tế, điều kiện học tập cho con em người nghèo,… trong mấy năm gần đây, huyện đã tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết việc làm. Ngoài phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn nhận con em vào làm việc, huyện tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Tổng Công ty Lilama ở Hải Phòng đào tạo, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200 lao động và sắp tới, huyện cũng tập trung chỉ đạo theo hướng này.

Nghi Quang là xã thuộc vùng bãi ngang của huyện Nghi Lộc, điều kiện đất đai, vị trí địa lý khó khăn hơn các địa phương khác trong huyện. Cuối năm 2013, cả xã còn 14,1% hộ nghèo, nhưng đến thời điểm này, qua rà soát chỉ còn 8,99% hộ nghèo, giảm 5,11% hộ nghèo. Chừng đó hộ nghèo được xóa trong năm là do ở những hộ đó có con em trong độ tuổi lao động được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp ở KCN Nam Cấm, với tổng số 575 người (năm 2014), trong đó, 250 lao động làm việc tại Công ty Điện tử BSE Hàn Quốc. Điều kiện để giảm được nghèo nữa, đó là trong năm 2014, xã có thêm 162 người đi xuất khẩu lao động ở một số thị trường có phí thấp, thu hồi vốn nhanh, nên đã góp phần giảm hộ nghèo trong toàn xã.

Ông Nguyễn Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Quang chia sẻ: “Những hộ nghèo nào có sức lao động đều được xã tạo điều kiện học nghề gò, hàn, mộc, điện tử, may mặc, đồng thời, xã trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp ở KCN Nam Cấm tuyển dụng con em vào làm; đối với những trường hợp lao động bị doanh nghiệp từ chối, xã đứng ra cam kết để làm việc. Thu nhập của đối tượng nghèo sau khi có việc làm ấy, bình quân mỗi lao động 3 – 4 triệu đồng/tháng, đủ để xóa nghèo theo chuẩn nghèo của Nhà nước”. Tương tự, tại xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), theo bà Nguyễn Thị Thủy - cán bộ phụ trách công tác chính sách của xã, từ 14,6% hộ nghèo năm 2013, nay hộ nghèo toàn xã còn 10,4%, giảm được 4,2% hộ nghèo...

Còn tại các huyện vùng cao, vốn có tỷ hộ nghèo rất cao, nhưng tốc độ giảm nghèo cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là các huyện thuộc diện hưởng chính sách 30a như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có tốc độ giảm nghèo bình quân đạt 6,7%/năm. Như tại huyện vùng cao Quỳ Châu, theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 còn chiếm 57,1%, nhưng đến năm 2014, giảm còn 45,02%. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 41,06%. Trên bình diện cả tỉnh, cuối năm 2010, đầu năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 22,89%, tương đương 164.290 hộ nghèo; đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,4% với 102.723 hộ. Dự kiến hết năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10 - 11%, giảm khoảng 20.000 hộ nghèo so năm 2013. Như vậy, có thể thấy, trong điều kiện kinh tế những năm gần đây gặp khó khăn, nhưng tính bình quân chung cả tỉnh, mỗi năm giảm được 3% hộ nghèo. Đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, cũng như nhiều hoạt động, nhiều phong trào giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên được triển khai rộng khắp ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương và toàn xã hội.

Cán bộ xã Châu Phong (Quỳ Châu) và bản Lầu rà soát hộ nghèo  tại gia đình chị Lữ Thị Tiến (ngồi giữa).
Cán bộ xã Châu Phong (Quỳ Châu) và bản Lầu rà soát hộ nghèo tại gia đình chị Lữ Thị Tiến (người giữa).

... nhưng chưa bền vững

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đều giảm đáng kể hàng năm, tuy nhiên, theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có từ 20 – 25% số hộ tái nghèo trên tổng số hộ thoát nghèo do thiên tai, lũ lụt, ốm đau, bệnh tật, tách hộ... Như vậy, có thể thấy, việc giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo mới còn cao, chênh lệnh giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, cá biệt có huyện hộ nghèo còn chiếm gần 60%. Quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến từ cơ sở cho rằng, chuẩn nghèo đang được áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 là quá thấp. Chính vì vậy, một số hộ nghèo khi đã vươn lên thoát nghèo và đang ở ranh giới cận nghèo hoặc trung bình, thì dễ tái nghèo trở lại. Hay có một số hộ trung bình, cận nghèo nếu sinh thêm một đứa con hoặc bị ốm đau, hoạn nạn, thì ngay lập tức tái nghèo! Mặt khác, một số chính sách mang tính bền vững, căn cơ lâu dài như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo chưa thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Quang (Nghi Lộc) cho rằng, để giảm nghèo một cách bền vững, phải tạo cho người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Thời gian qua, xã đã triển khai một số mô hình, dự án xóa đói, giảm nghèo như: hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan xuất khẩu; nghề đan lưới; khôi phục nghề đánh bắt hải sản; nghề nuôi trồng thủy, hải sản, nhưng ở cả 4 mô hình trên hiện chỉ còn lại mô hình nuôi thủy, hải sản là duy trì gồm 30 hộ, còn lại đều “chết yểu”. Tiếp xúc với một số hộ nghèo ở các xã Nghi Quang, Nghi Thiết, cho thấy, hoàn cảnh của các hộ nghèo rất khó khăn do thiếu sức lao động, thiếu việc làm, nên không có thu nhập ổn định.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Quế và chị Nguyễn Thị Thủy, ở xóm Thành Vinh 1, xã Nghi Quang, đang ở độ tuổi trên dưới 40. Nhà không có ruộng đất sản xuất, 2 vợ chồng làm nghề thợ nề, công việc thất thường, nhưng phải nuôi 1 mẹ già, 4 đứa con tuổi ăn học. Điều kiện của gia đình anh chị Quế - Thủy hiện tại, theo như Xóm trưởng Phạm Huy Hoàng, muốn thoát nghèo thì phải tìm được việc làm thích hợp và có thu nhập ổn định hơn, hoặc khi các con hết học tìm được việc làm mới mong thoát nghèo được. Trong tổng số 125 hộ nghèo ở xã Nghi Quang, có những hộ nghèo có người mắc tệ nạn xã hội, nhất là nghiện ma túy; đặc biệt, trên 50% hộ nghèo rơi vào người già, hết tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên), đây là một thách thức lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở xã Nghi Quang và huyện Nghi Lộc nói chung.

Còn tại huyện Quỳ Châu, xã Châu Phong là địa phương vùng trong còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa có điện lưới quốc gia. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2014 của xã còn 47,16%, thuộc tốp cao của huyện. Bản Lầu, xã Châu Phong có 114 hộ, với 556 nhân khẩu. Đầu năm 2014, bản có 49 hộ nghèo. Sau một năm, đợt rà soát sơ bộ hộ nghèo vừa qua, hộ nghèo của bản không giảm, mà còn tăng lên 6 hộ, trong đó có 3 hộ nghèo mới và 3 hộ tái nghèo. Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Văn Chánh – Trưởng bản cho biết: “Nguyên nhân của việc hộ nghèo không giảm do người dân chủ yếu sản xuất lúa nước, nhưng tổng diện tích chỉ có 8,25 ha, nuôi trâu, bò cũng bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh”. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lữ Văn Báo và chị Lữ Thị Tiến, thuộc diện hộ nghèo nhất bản. Gia đình chỉ có 4 khẩu, 2 vợ chồng lại đang ở tuổi lao động, nhưng do không có ruộng lúa nước, chỉ làm lúa rẫy mỗi năm một vụ được 4 tạ, anh Báo lại mắc bệnh, nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.

Trong ngôi nhà được làm nhờ hỗ trợ của Chương trình 167, chị Tiến không nói, không hiểu được tiếng phổ thông, nên phải nhờ trưởng bản phiên dịch: “Mỗi năm nhiều nhất cũng chỉ đi chợ xã 2 lần, trong đó có một lần vào dịp Tết. Không có hỗ trợ của Nhà nước, thì hai đứa con không thể đi học được”. Tuy nhiên, cái nghèo ở đây không đơn thuần thuộc về những hộ có hoàn cảnh éo le như gia đình chị Tiến. Bởi theo Trưởng bản Lầu, một bộ phận người dân mặc dù có sức lao động, nhưng vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Trong đợt rà soát hộ nghèo vừa qua, có những hộ vẫn một mực “xin” được vào hộ nghèo. Điều này cũng được ông Lương Văn Hiệp, Phó Chủ tịch xã Châu Phong chia sẻ: “Ngoài số hộ tái nghèo do các gia đình gặp phải ốm đau, bệnh tật hoặc thiên tai, thì vẫn có những hộ không thoát được nghèo hoặc tái nghèo do tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Có những dự án vào hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, thì người dân cũng không duy trì hoặc nhân rộng, nên không phát triển được kinh tế”. Thực tế ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu có thể nói là thực trạng phổ biến ở các địa phương vùng cao. Nổi lên là tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân đang tạo nên rào cản lớn cho công cuộc giảm nghèo.

Và giải pháp

Đồng chí Vi Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho hay: Để giảm nghèo bền vững, huyện đã và đang tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cần tập trung, đồng bộ, vì hiện nay vẫn còn dàn trải, nhiều ngành phụ trách, vì vậy có những mô hình triển khai nhỏ lẻ, không hiệu quả, dẫn đến công tác giảm nghèo không bền vững. Trong đó, nên tập trung hỗ trợ theo hình thức cho vay để nâng cao trách nhiệm, ý thức của người nghèo.

Trao đổi thêm về giải pháp giảm nghèo bền vững, ý kiến của đồng chí Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo cấp tỉnh, cũng cho rằng: Trước hết là làm cho bản thân người nghèo thấy được trách nhiệm, ý thức tự vươn lên trong cách nghĩ, cách làm, tự lực thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Gắn với đó là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, trợ giúp xã hội theo cơ chế “cho không”, mà tăng cường các chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ sản xuất, giúp người nghèo có thể phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm, thu nhập thường xuyên và ổn định; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy trình đánh giá hộ nghèo, cận nghèo một cách chính xác, trên cơ sở đó để phân loại người nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó có tác động phù hợp với từng nhóm. Trong triển khai thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, từng địa phương cần cụ thể hóa và sáng tạo để thực hiện tốt cơ chế, chính sách xóa đói, giảm nghèo hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý, văn hóa truyền thống của từng vùng trên cơ sở tôn trọng ý kiến, lắng nghe người dân để các chương trình, mô hình giảm nghèo khi áp dụng vào địa phương thực sự có sức sống và tính bền vững cao.

MINH CHI – NHẬT LỆ

Mới nhất
x
Giảm nghèo bền vững- khơi dậy ý chí vươn lên của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO