Giảm nghèo từ "ngân hàng bò"

03/08/2015 10:43

(Baonghean) - Dự án "Ngân hàng bò" do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại Nghệ An từ tháng 4/2010, nhằm hỗ trợ các huyện nghèo và các huyện chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Đến nay, có 18 xã thuộc 9 huyện (Kỳ Sơn, Quế Phong, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Nghi Lộc, Anh Sơn Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu) được hưởng lợi với 495 con bò giống đã được trao, tổng giá trị là 3,579 tỷ đồng...

Dự án “Ngân hàng bò” được xem là một mô hình đặc biệt. Mỗi gia đình nghèo được tặng 1 con bò giống, sau khi bò giống đẻ lứa đầu tiên, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến khi được 6 - 12 tháng tuổi, sẽ chuyển giao cho Hội Chữ thập đỏ để tiếp tục giao cho hộ nghèo khác nuôi. Theo quy trình như vậy, số lượng bò giống gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều gia đình nghèo khác trên địa bàn được trợ giúp.

Từ con bò giống của dự án, gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 3A, xã Nam Thanh (Nam Đàn) đã có thêm 2 con bê.
Từ con bò giống của dự án, gia đình chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 3A, xã Nam Thanh (Nam Đàn) đã có thêm 2 con bê.


Chị Bùi Thị Hiên là một trong những hộ nghèo nhất ở xóm 7A xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Chồng chị bị bệnh động kinh từ nhỏ, tinh thần thường không ổn định, lúc tỉnh lúc mê. Kinh tế chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng và 1 sào đất màu, lại phải nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống khó khăn. Tháng 6/2010, qua bình xét, chị Hiên được cấp 1 con bò giống từ chương trình “Ngân hàng bò”, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi dưỡng, bò mẹ sinh bê con. Theo quy định của dự án, gia đình chị bàn giao con bê để luân chuyển cho hộ nghèo khác. Bò mẹ thuộc quyền sở hữu của gia đình giờ đã có thêm 2 bê con nữa. Đối với gia đình nghèo như chị Hiên thì đây quả là một tài sản lớn. Chị cho biết, sắp tới, khi bò mẹ đẻ lứa thứ 4, chị sẽ bán bớt bê con để sửa căn nhà.

Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng ở xóm 6, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành là một trong những hộ thuộc diện nghèo của xã. Không có nghề phụ để tăng thêm thu nhập, sinh hoạt của cả gia đình chỉ nhìn vào gần 3 sào ruộng khoán vùng chiêm trũng. Mơ ước về một cuộc sống no đủ, một căn nhà vững chãi dường như xa vời. Năm 2010, ông được tiếp cận dự án “Ngân hàng bò” của Hội chữ thập đỏ. Từ đó đế nay, ông Dũng đã có tới 4 con bò trong chuồng. “Phấn khởi lắm, dự án không chỉ cấp bò cho dân mà còn hướng dẫn chúng tôi chăm sóc, phòng dịch nên bò sinh sản, phát triển tốt. Vừa trả được bê con cho dự án, lại có bò mẹ để nhân giống. 4 con bò nhà tui giờ cũng định giá hơn 70 triệu đồng rồi. Vui lắm", ông Dũng tâm sự.

Là 1 trong 4 huyện thuộc diện bị nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, năm 2010, Yên Thành đã được hưởng lợi từ dự án "Ngân hàng bò" với 80 con bò giống cho 78 hộ nghèo tại xã Bảo Thành và Lăng Thành. Sau 4 năm thực hiện, đến nay đàn bò sinh thêm được 204 con bê, trong đó 75 con đã được chuyển giao cho các hộ khác. Riêng tại xã Lăng Thành, trong số 38 hộ nhận bò giống thì có tới 20 hộ sau khi chuyển giao con bê đầu tiên đã sinh thêm được từ 3 - 4 con bê...

Ông Lưu Xuân Hữu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Thành cho biết: Để dự án phát huy đúng mục đích, hỗ trợ đúng đối tượng, việc bình xét các hộ dân đã được triển khai nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, không xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết tại cộng đồng dân cư. Sau khi nhận bò, Ban quản lý dự án phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản. Đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc các gia đình làm chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng định kỳ cho đàn bò giống. Những thành quả của "ngân hàng" đặc biệt đang nhân lên niềm vui, niềm hy vọng cho các hộ nghèo và cũng góp phần khẳng định thành công bước đầu của dự án. Ngoài ra, dự án còn nâng cao năng lực quản lý và vai trò, vị thế của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong hoạt động cộng đồng tại địa phương.

Theo số liệu của Hội Chữ Thập đỏ Nghệ An, sau hơn 4 năm thực hiện, từ 495 con bò giống ban đầu, đã có 345 bê con được sinh ra. Hiện tại các gia đình đang chăm sóc bò tốt. Số bê con sẽ được bổ sung cho dự án, tiếp tục được chuyển giao cho những hộ nghèo khác. Để đạt hiệu quả tối đa khi thực hiện dự án, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thường xuyên liên hệ với những gia đình được nhận bò giống để nắm rõ tình trạng của từng con bò. Một số hộ được nhận bò giống nhưng chưa đạt hiệu quả cao do thiếu kiến thức, kỹ thuật đều được đi tập huấn kiểu cầm tay chỉ việc ở tất cả các khâu như cho ăn, phòng trừ dịch bệnh...

Dự án “Ngân hàng bò” không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo trên toàn tỉnh mà còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái; từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Mong rằng trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để “Ngân hàng bò” ngày một lan tỏa, trao thêm những niềm vui, hy vọng mới cho các hộ nghèo.


Ngọc Anh

Mới nhất
x
Giảm nghèo từ "ngân hàng bò"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO