Giám sát quản lý, khai thác khoáng sản tại Tân Kỳ
(Baonghean.vn) - Sáng 1/4, Ban Kinh tế - Ngân sách do ông Trần Quốc Chung – Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách - HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, công tác quản lý, bảo vệ tài sản, khoáng sản tại một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Cùng tham gia có các thành viên: đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phạm Anh Tuấn – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường.
Đoàn giám sát mỏ đá của Công ty TNHH Hoàng Danh |
Qua giám sát cho thấy, Công ty TNHH Hoàng Danh (tại xã Tân Hợp, hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản) và Công ty Một thành viên Cường Hòa (tại xã Kỳ Tân, hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, đất sét) chấp hành khá nghiêm túc các quy định của Nhà nước về quản lý, khai thác khoáng sản. Đối với Công ty TNHH Hoàng Danh đã nộp ngân sách nhà nước tính trong 3 năm (2011, 2012, 2013) gần 1.360 triệu đồng, bao gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thuế môn bài, thuế nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng đã thực hiện nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường gần 40 triệu đồng/3 năm; đồng thời quan tâm thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh. Tại Công ty TNHH Một thành viên Cường Hòa, ngoài thực hiện các nghĩa vụ thuế của nhà nước, doanh nghiệp cũng đã chấp hành đúng cam kết về bảo vệ môi trường, thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường với tổng kinh phí hơn 324 triệu đồng, trong đó đã nộp 2 lần với số tiền 60 triệu đồng.
Đoàn giám sát làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Cường Hòa |
Qua giám sát, đoàn ghi nhận một số bất cập mà các doanh nghiệp kiến nghị, đó là nhà nước nên tính thuế tài nguyên theo khối lượng nguyên khai (khi mới khai thác ra), chứ không nên tính theo sản phẩm được bán (bao gồm giá nhân công, nhiên liệu, chi phí máy móc đều được tính trong đó). Theo doanh nghiệp việc thu tiền cấp quyền khai thác theo Nghị định 203 của Chính phủ (có hiệu lực từ 20/1/2014) là đúng, tuy nhiên cần phải tính phương án thu như thế nào để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, chứ không nên thu một lần như Nghị định 203. Từ thực tiễn đặt ra, trong thời gian tới đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo với các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Đoàn cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý, khai thác khoáng sản, đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Buổi chiều cùng ngày, Ban Kinh tế Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Tân Kỳ về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của huyện Tân Kỳ, đến thời điểm này, toàn huyện có hơn 40 tổ chức, doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản: đá vôi trắng, quặng đa kim, thiếc, đá xây dựng, cát, sỏi. Trong đó có 21 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác, nhưng chỉ có 6 đơn vị đang hoạt động khai thác, số lớn còn lại đang tạm ngừng khai thác hoặc hết hạn khai thác. Hoạt động quản lý nhà nước về khoáng sản được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp được cấp phép, chấn chỉnh kịp thời một số doanh nghiệp khai thác không bảo đảm an toàn lao động, không thực hiện nghiêm túc việc ký quỹ phục hồi môi trường, hoàn thiện thủ tục thuê đất, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định. Bên cạnh đó đẩy mạnh kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép, huyện xử lý vi phạm hành chính gần 700 triệu đồng (3 năm 2011 – 2013).
Lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ báo cáo công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn |
Đồng chí Trần Quốc Chung đề nghị huyện tiếp tục quan tâm công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn |
Khó khăn đặt ra trong công tác quản lý khoáng sản ở Tân Kỳ hiện nay là bất cập giữa nhu cầu cát sỏi của người dân rất lớn, toàn huyện có 40 km sông nhưng mới chỉ có 2 điểm mỏ được cấp phép khai thác. Mặc dù trong thời gian qua, huyện đã rất quyết liệt trong công tác quản lý, thắt chặt, nhưng vẫn đang rất khó khăn. Trong khai thác khoáng sản đá, trọng tải xe chở đá thông thường không dưới 30 tấn, trong khi đó đường giao thông ở Tân Kỳ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 6 miền núi, chịu trọng tải 10 tấn. Như vậy, thời gian qua cùng với xe chở mía ( có trọng tải khoảng 20 tấn) thì xe chở đá đang làm hỏng hóc hệ thống giao thông rất lớn. Chính điều này đã được người dân búc xúc và kiến nghị rất nhiều lần. Tình trạng cấp giấy phép thăm dò, nhưng có doanh nghiệp tiến hành khai thác trong khi chưa có giấy phép khai thác. Công tác quản lý chất liệu nổ trong khai thác khoáng sản cũng đang khó khăn.
Đoàn giám sát đã ghi nhận những bất cập và kiến nghị của huyện để báo cáo với các cấp, các ngành nhằm đưa công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời đề nghị huyện Tân Kỳ quan tâm xử lý các đơn vị vi phạm về bảo vệ môi trường, về an toàn lao động cũng như an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân trong hoạt động khai thác; tiếp tục tăng cường quản lý các đơn vị khai thác trái phép.
Tin, ảnh: Minh Chi