Giảm thiểu nhập siêu lớn từ Trung Quốc

08/08/2014 21:52

Theo Bộ KH-ĐT, mặc dù Việt Nam đã chủ động, có giải pháp ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực, khôi phục sản xuất nhưng có thể thấy việc nước ta nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc là thực tế không thể khắc phục ngay được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Nguyễn Tú

Trong 2 ngày 7 và 8.8 tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT nhằm quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giới thiệu Dự thảo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020

Nhập siêu từ Trung Quốc là một thực tế

Theo dự thảo hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới của Bộ KH-ĐT, giai đoạn 2016 - 2020 nằm trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các nước lớn tăng cường áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh quyết liệt cùng với diễn biến phức tạp trên biển Đông, biển Hoa Đông trong thời gian qua khiến việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nước ta giai đoạn 2011-2015 gặp rất nhiều khó khăn.

Sau đó, tình hình nền kinh tế đã dần phục hồi, các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có chuyển biến tích cực.

Nhưng đến đầu tháng 5.2014, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam dẫn đến một số vụ gây rối ở doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và ổn định xã hội.

Doanh nghiệp cần tìm nguồn cung nguyên liệu đa dạng thay thế nguồn Trung Quốc - Ảnh: Nguyễn Tú

Theo Bộ KH-ĐT, mặc dù Việt Nam đã chủ động, có giải pháp ứng phó, hạn chế tác động tiêu cực, khôi phục sản xuất nhưng có thể thấy, việc nước ta nhập khẩu và nhập siêu lớn từ Trung Quốc là thực tế và cũng là yêu cầu nhập khẩu cho đầu tư, cho sản xuất và nhu cầu hàng hóa lớn của người dân.

Để giảm thiểu hạn chế này, Bộ KH-ĐT cho rằng không thể dùng biện pháp cấm đoán đối với nhập khẩu, mà cần phải có chính sách đồng bộ dài hơi, đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển sản xuất trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước...

Không thể lệ thuộc vào một thị trường

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, diễn biến trên biển Đông vừa qua, nhất là vấn đề an ninh cũng là thách thức mới cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền tại các đô thị lớn.

“Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới chúng ta phải lường trước những thử thách, bên cạnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, tàn phá hết sức dữ dội, thì trong điều hành thực tế địa phương, qua những sự kiện như tháng 5 vừa qua ở biển Đông, chúng ta làm như thế nào không để bị ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường, chúng ta phải khai mở nhiều thị trường mới”, ông Lê Hoàng Quân nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các địa phương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải tập trung các lĩnh vực đột phá về hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó hết sức lưu ý những công trình thiết yếu cho tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đời sống người dân, nếu ngân sách không đủ thì thu hút các nguồn vốn xã hội hóa tổng với các hình thức thích hợp.

Theo Than niên

Mới nhất
x
Giảm thiểu nhập siêu lớn từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO