Giảm yêu cầu hỗ trợ tài chính nhà nước

02/07/2015 09:36

(Baonghean) - Cùng với quá trình cải cách thể chế kinh tế nói chung, công cuộc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được triển khai hơn 10 năm qua. Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP quy định về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Đến năm 2006, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt Nghị định 43) thay thế cho Nghị định 10/2002/NĐ-CP. Theo đó, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp không chỉ trong quản lý tài chính, mà trong cả thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng chí Võ Thành Hưng.
Đồng chí Võ Thành Hưng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khu vực này vẫn cần phải có sự đổi mới tận gốc. Phóng viên báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này, trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

P.V: Thưa đồng chí, đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một dự án lớn của Chính phủ, có tác động trực tiếp tới việc làm, thu nhập của hàng triệu lao động hiện đang trong biên chế nhà nước, điều này có đúng không ạ?

Đồng chí Võ Thành Hưng: Đúng là như vậy. Sau hơn 7 năm thực hiện, việc mở rộng trao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43 đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này; tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, lao động, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực hiệu quả; đơn vị được mở rộng các hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu, để cùng với nguồn kinh phí NSNN từng bước nâng cao số lượng và chất lượng dịch vụ công; tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngày càng cao; thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện.

Mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng quá trình thực hiện Nghị định 43 cũng cho thấy, các đơn vị sự nghiệp cũng chưa được giao quyền tự chủ một cách đầy đủ, từ đó hạn chế quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao thu nhập cho người lao động, phấn đấu giảm yêu cầu hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước.

Về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế thì mặc dù quy định đã 7 năm nhưng đến nay các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Do đó chưa đồng bộ với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Nghị định số 43 quy định đối với đơn vị tự bảo đảm chi phí thường xuyên, được tự quyết định biên chế; tuy nhiên thực tế cơ quan chủ quản cấp trên vẫn giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho đơn vị này, đã hạn chế tính tự chủ của đơn vị. Việc xác định số người làm việc của đơn vị chưa căn cứ theo vị trí việc làm, nên số lượng viên chức trong thời gian qua tăng nhanh, tạo áp lực cho ngân sách nhà nước việc chi trả tiền lương cho đơn vị sự nghiệp công lập là một nguyên nhân làm chậm tiến độ cải cách tiền lương.

Về tự chủ tài chính, việc giao quyền tự chủ tài chính chưa khuyến khích các đơn vị để có đủ điều kiện phấn đấu tự chủ mức độ cao hơn (như tự chủ cả về chi thường xuyên và chi đầu tư). Việc phân bổ kinh phí NSNN vẫn thực hiện theo định mức chung, chưa thực sự gắn kết giữa giao nhiệm vụ (theo số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công) tương ứng với giao kinh phí; chưa khuyến khích đúng mức các đơn vị tăng thu, giảm chi NSNN cấp; chưa xác định nguồn thu từ NSNN cũng là nguồn thu của đơn vị để giao quyền tự chủ; các đơn vị chưa hạch toán đầy đủ chi phí, theo đó chưa tạo được động lực đổi mới đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Một số sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công Nhà nước vẫn duy trì chính sách định giá thấp hơn chi phí cần thiết cung cấp dịch vụ (như học phí, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…), nên dẫn đến Nhà nước hỗ trợ qua giá đối với tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, không phân biệt đối tượng giàu, nghèo, có mức thu nhập khác nhau. Mặt khác do thu thấp hơn chi phí nên các đơn vị không có điều kiện hạch toán đầy đủ chi phí và có tích lũy để tái đầu tư phát triển, nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

P.V: Có lẽ là trong số các quyền tự chủ mới thì tự chủ tài chính có vai trò rất quan trọng, quy định bản chất của sự đổi mới tận gốc này, phải không ạ?

Đồng chí Võ Thành Hưng: Ngoài các nội dung kế thừa Nghị định 43, một số nội dung đổi mới trong quy định mới là: việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công sẽ dựa trên mức độ tự chủ nguồn thu sự nghiệp (tính tổng thể các nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước); các đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được giao quyền tự chủ tài chính cao và ngược lại. Quy định này cũng nhằm khuyến khích các đơn vị tự chủ thấp phấn đấu tăng nguồn thu để được mức tự chủ cao hơn. Theo đó dự thảo Nghị định quy định tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo các mức độ: tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá chưa tính đủ chi phí); tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).

Bên cạnh đó, Nghị định mới bổ sung quyền tự chủ trong đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Quy định này nhằm để tạo điều kiện khuyến khích cho các đơn vị có đủ khả năng thực hiện chế độ tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư. Nghị định cũng quy định chi tiết về chi trả tiền lương tăng thêm khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương cơ sở về trích khấu hao tài sản cố định tính vào chi phí dịch vụ sự nghiệp công; quy định đơn vị được trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ bổ sung thu nhập, quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi... Đặc biệt, đơn vị sự nghiệp công lập được huy động vốn, vay vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất theo quy định và phải có phương án tài chính khả thi để hoàn trả vốn vay; chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn; được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp (được xác định vốn điều lệ và bảo toàn vốn; được huy động vốn, đầu tư vốn ra ngoài đơn vị; quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định theo doanh nghiệp; quản lý doanh thu, chi phí và phân phối lợi nhuận; thực hiện chế độ kế toán, thống kê như doanh nghiệp).

P.V: Như vậy là các đơn vị này còn được quyền tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, phải không ạ?

Đồng chí Võ Thành Hưng: Giá, phí là vấn đề hết sức quan trọng để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn. Đây là nội dung mà Nghị định 43 chưa giải quyết. Để khắc phục, dự thảo Nghị định đã quy định các điều về giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, danh mục dịch vụ sự nghiệp công; đồng thời phân định dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí NSNN. Điều này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thời gian qua, khi trước áp lực ngày càng lớn trong việc bố trí chi ngân sách để đảm bảo các yêu cầu về đầu tư hạ tầng, cải cách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh tài chính quốc gia, đồng thời nâng cao hiệu quả chi ngân sách, đòi hỏi phải sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý của ngân sách nhà nước dành cho hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, từng bước xoá bỏ sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, giảm sự bao cấp của Nhà nước. Đồng thời, để thúc đẩy xã hội hoá đối với các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, cần thiết phải tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng hơn giữa các cơ sở của Nhà nước và cơ sở do các thành phần kinh tế khác đầu tư.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Sông Hồng (Thực hiện)

Mới nhất
x
Giảm yêu cầu hỗ trợ tài chính nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO