Giản Dị và khiêm tốn
Mỗi người dân trong nước cũng như khách quốc tế, khi đặt chân lên thăm căn nhà sàn đơn sơ của Hồ Chủ tịch, lãnh...
Mỗi người dân trong nước cũng như khách quốc tế, khi đặt chân lên thăm căn nhà sàn đơn sơ của Hồ Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới, đều hết sức ngỡ ngàng và cảm động khi thấy chiếc giường Bác nằm, bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc, chiếc đài bán dẫn, chiếc đồng hồ Bác dùng đến bộ quần áo ka ki Bác thường mặc, đôi dép lốp Bác đi... sao mà giản dị và đơn sơ đến vậy! Chỉ có ngọn gió từ mảnh vườn xanh lồng lộng thổi, sóng sánh mặt hồ cá lượn đớp mồi là làm cho cảnh nhà sàn thêm vẻ nên thơ và phóng khoáng. Có lẽ, không một lãnh tụ nào trên thế giới lại có một cuộc sống đơn giản mà thanh cao đến vậy!Và mỗi người dân nước ta không ai cầm được nước mắt, khi thấy trên màn truyền hình, hình ảnh Bác bước thoăn thoắt trên đường công tác ở một miền rừng núi, với đôi dép lốp, bộ ba ba nâu... Bác đã dừng lại tắm trên một dòng suối và khi tắm xong, Người đã phơi quần áo lên chiếc gậy vác trên vai. Những cán bộ làm việc cùng Bác còn cho biết, những lần đi công tác như thế, Người thường cho chuẩn bị cơm nắm với quả cà dòn, con tép kho để chủ động ăn dọc đường, chứ không muốn làm phiền đến sự đón tiếp của các địa phương.
Không chỉ trong nếp sống thường ngày mà trong cách viết, cách nói của Bác cũng hết sức giản dị và dễ hiểu, cốt làm sao quần chúng lao động hiểu được để làm được. Điều này, nhiều lần Bác đã nhắc nhở các nhà báo là phải viết làm sao cho thật ngắn, gọn, dễ hiểu, đừng dây cà ra dây muống, làm cho người đọc như chắt chắt lạc vào rừng xanh, không thể tìm được lối ra. Đến lúc rời bỏ thế giới này, trong Di chúc Người còn dặn: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ, tiền bạc của nhân dân...". Còn bao câu chuyện cảm động về sự giản dị của Bác Hồ. Bác giản dị tiết kiệm như vậy vì mục đích lớn lao là đem lại lợi ích cho nhân dân đất nước. Trong bài trả lời các nhà báo tháng 1/1946, Bác Hồ đã nói : "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Và khi nguyện vọng đó được toại nguyện, Bác "làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".
Sự vĩ đại của Bác còn thể hiện trong đức khiêm tốn của Người. Chúng ta đều biết Bác Hồ đã đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Bác biết 28 thứ tiếng, trong đó nói, viết thành thạo 12 thứ tiếng. Bà J.xiz-sơn, nhà sử học Mỹ, đã tự bỏ tiền túi đi vòng quanh thế giới theo bước chân Người để tìm "những chứng tích gốc về Hồ Chí Minh", đã kết luận: "Hồ Chí Minh một con người cộng sản vĩ đại, là một siêu nhân. Người càng vĩ đại hơn ở chỗ Người là một con người bình thường, sống hòa lẫn vào trong cuộc sống xã hội chứ không phải siêu phàm". Và "Nền văn minh nhân loại thế kỷ XX này tự hào có một vĩ nhân được cả thế giới phong tặng anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp theo" (Theo sự kiện và nhân chứng -Thanh Ngọc).
Bác Hồ vĩ đại như thế, nhưng Bác không bao giờ cho mình là một vĩ nhân đứng trên thiên hạ mà luôn hòa lẫn vào cuộc sống bình thường, khiêm tốn lắng nghe, học hỏi mọi người. Bác từng là người nấu bếp là công nhân quét tuyết trên đường phố London, làm đủ nghề để sinh sống và học hỏi tìm đường cứu dân, cứu nước. Thời ở thủ đô Paris của nước Pháp, Bác viết báo, làm báo để vạch tội ác thực dân và tuyên truyền cổ vũ nhân dân chiến đấu lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp.
Sau này, khi về nước, Bác đã viết trên vài ngàn bài báo, hầu như bài nào Bác cũng đưa các đồng chí phục vụ đọc, có điều gì các đồng chí chưa hiểu là Bác sẵn sàng sửa lại. Bác thường căn dặn cán bộ, đảng viên ta không được dấu dốt, có gì chưa hiểu thì phải học, phải hỏi, chớ viết càn, nói càn. Học tập đạo đức của Bác còn bao điều để nói. Đảng viên và cán bộ chúng ta đã một số lần được học tập tư tưởng, đạo đức của Bác, nhưng học mà thiếu thực hành. Trách nhiệm của mỗi đảng viên, chi bộ là phải tổ chức, giới thiệu, học tập thật tốt, liên hệ sát với tình hình thực tế của mỗi tổ chức, đơn vị, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng nhằm rèn luyện, đánh giá đúng tình hình cán bộ, đảng viên. Các cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc học tập, tự phê bình và phê bình để phát huy mặt tốt, khắc phục mặt xấu, xây dựng chi bộ, đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, có năng lực và sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Minh - Nho