Gian nan cắm mốc biên giới
(Baonghean) - Những ngày này, khi những công việc cuối cùng của kế hoạch tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào gần hoàn tất, chúng tôi mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các thành viên Đội cắm mốc - những người đã góp phần quan trọng dựng nên hệ thống “phên dậu” quốc gia vững bền, thống nhất không những cho thế hệ hôm nay mà còn trường tồn cho đến mai sau.
Đội trưởng Thượng tá Phan Văn Hồng cho biết: Bắt đầu từ cuối năm 2008 đội được thành lập với biên chế 18 người. “Tuy đội mốc là “liên quân” từ các ngành xây dựng, tài chính, tài nguyên môi trường, ngoại vụ, biên phòng… nhưng suốt 5 năm qua, anh em toàn đội đã đoàn kết khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng được Nhà nước giao phó”. Anh cười hiền khô nhớ lại những ngày đầu đảm nhiệm “vai” mới: “Là lính biên phòng được biệt phái làm nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, bọn tôi phải tiếp xúc với những công việc hoàn toàn lạ lẫm: từ khảo sát, đo đạc cho đến xây dựng, rồi hội đàm... thời gian đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ”.
Tỉnh Nghệ An có đến 419,5 km đường biên giới được xác định có 105 vị trí với 116 mốc quốc giới và 6 vị trí cọc dấu tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay (Lào). Để có thể xác định được một vị trí, xây dựng được một cột mốc là việc làm không hề đơn giản. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận, khoa học, chính xác, đặc biệt là không được để xảy ra sai sót bởi mỗi cột mốc đều là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Nguyễn Công Sách, Đội phó phụ trách kỹ thuật Đội 1 - là “quân” của Cục Đo đạc bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho hay: Trong tăng dày, tôn tạo mốc giới thì công tác tôn tạo đơn giản hơn vì đã có vị trí mốc cũ giữa ta và bạn, nhưng xác định các vị trí tăng dày (cắm mốc mới) mới là phức tạp. Bởi theo như các tư liệu, bản đồ cũ thì biên giới có khi chỉ là con sông, ngọn núi chủ yếu ở địa hình núi cao, rừng rậm, nên việc nhận biết đường biên trên thực địa đã là rất khó khăn. Trải qua bao thời gian, mưa gió, khí hậu, thiên nhiên bào mòn, thay đổi dấu vết nên để thống nhất được vị trí cắm mốc có khi phải mất hàng tháng trời với nhiều lần khảo sát song phương. Rồi phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy định vị GPS, máy đo 2 tần, bản đồ, hiệp ước… nhằm đảm bảo chính xác tuyệt đối.
Anh Hồng kể: Mỗi khi thi công Đội cắm mốc của cả hai nước Việt Nam - Lào đã khảo sát, đo đạc, tính toán kỹ lưỡng, chính xác trước khi đặt móng. Toàn bộ nguyên vật liệu để xây dựng mốc đều được vận chuyển hoàn toàn bằng gùi, gánh. Hàng chục mét khối đá, cát cùng hàng tấn xi măng, sắt thép và cột mốc đá hoa cương nguyên khối lần lượt được vận chuyển lên địa điểm đã được phát quang. Sau khi sử dụng máy móc để đo đạc cẩn thận, đặt mốc vào căn chỉnh, anh em mới đổ bê tông để hoàn thành công đoạn cuối cùng. Cột mốc phải được đặt đúng vị trí đã định một cách tuyệt đối, có sự giám sát của cả ta và bạn.
Cột mốc không được sai số dù chỉ là một milimet. Trung bình chưa kể thời gian các đợt khảo sát xác định vị trí, phát đường mở lối và định vị vị trí mốc sẽ đặt, sẽ phải mất hơn 3 ngày từ lúc thi công mới hoàn thành việc xây cột mốc. Anh Khăm Phoong Xỉ Bun Ma La, Đội trưởng cắm mốc tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào, chia sẻ: “Tình đoàn kết, hữu nghị được thắt chặt hơn qua từng cột mốc được cắm. Anh em chúng tôi chia nhau mọi gian khổ, khó khăn giữa núi rừng. Chúng tôi sát cánh với các bạn Việt Nam để cùng hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc hai bên giao phó”.
Từ khi công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới Việt Nam - Lào triển khai thực hiện 2 đội cắm mốc của tỉnh Nghệ An (do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc theo kế hoạch đội số 2 được thành lập vào tháng 10/2010) được Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là quần chúng nhân dân tích cực giúp đỡ. Mỗi cột mốc được xây dựng xong là không thể tính hết được biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ chiến sỹ và quần chúng nhân dân.
Do các vị trí cắm mốc đều nằm ở vị trí hiểm yếu, cao chót vót trên đỉnh núi, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, vất vả (có một số vị trí còn phải đi lại bằng thuyền trên sông). Chỉ riêng vận chuyển 1 cột mốc cỡ trung thôi là cũng phải huy động đến 4-5 chục người.
Trong đó khoảng 20 người làm nhiệm vụ gánh tảng đá hoa cương nguyên khối trên vai, khoảng 10 người dùng dây giữ để mốc không bị tuột xuống dốc. Chừng ấy con người để phối hợp sao cho nhịp nhàng, ăn khớp trong địa hình đồi núi là không hề đơn giản. Bên cạnh đó, yêu cầu nghiêm ngặt là quá trình di chuyển, tiến hành cố định cột mốc, không để bất kỳ tác động nào làm trầy xước, sứt mẻ, hư hỏng... Nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí, 116 cột mốc biên giới và 6 vị trí cọc dấu Việt – Lào đoạn biên giới Nghệ An giáp với 3 tỉnh nước bạn Lào đã được tôn tạo, tăng dày, hoàn thành đúng tiến độ.
Hùng Phong