Gian nan con chữ ở Na Lạn

18/12/2011 16:03

(Baonghean.vn) Nằm ven dòng Nậm Choọng, Bản Na Lạn, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) quần tụ 56 gia đình thuộc hai dân tộc anh em Kinh và Thái. Trong trang sử của bản còn in đậm cái mốc thời gian năm 1963, ngày ấy 13 gia đình ở Hưng Nguyên lên dắm dân, phát triển kinh tế đã cùng bà con dân tộc Thái nơi đây phát rừng, vỡ đất mà lập nên Na Lạn. Thời gian thoi đưa, gần 50 năm chia sẻ ngọt bùi, bà con nơi đây đã chung tay xây nên một Na Lạn giàu bản sắc văn hóa. Một trong những nét đẹp của bản là tinh thần hiếu học, khát vọng học chữ luôn bừng lên trong mỗi nếp nhà...

(Baonghean.vn) Nằm ven dòng Nậm Choọng, Bản Na Lạn, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) quần tụ 56 gia đình thuộc hai dân tộc anh em Kinh và Thái. Trong trang sử của bản còn in đậm cái mốc thời gian năm 1963, ngày ấy 13 gia đình ở Hưng Nguyên lên dắm dân, phát triển kinh tế đã cùng bà con dân tộc Thái nơi đây phát rừng, vỡ đất mà lập nên Na Lạn. Thời gian thoi đưa, gần 50 năm chia sẻ ngọt bùi, bà con nơi đây đã chung tay xây nên một Na Lạn giàu bản sắc văn hóa. Một trong những nét đẹp của bản là tinh thần hiếu học, khát vọng học chữ luôn bừng lên trong mỗi nếp nhà...

Trò chuyện cùng tôi, trưởng bản Trương Minh Sơn không dấu nổi tự hào về thành tích học tập của con em mình. Là một bản vùng sâu, đời sống còn không ít khó khăn nhưng đến nay bản đang có 18 em theo học các trường đại học, cao đẳng khắp cả nước; 20 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và tham gia công tác trên địa bàn huyện. Số em đạt học sinh giỏi các cấp đang nhiều thêm sau mỗi mùa thi.


Tìm hiểu mới hay, để có những tấm bằng đại học, cao đẳng ấy là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của bà con dân bản. Suốt những tháng năm dài, người dân Na Lạn giữa ngày đông giá rét vẫn thay nhau cõng con em mình vượt dòng Nậm Choọng để đến trường. Hay những bận lũ về, bà con góp tre mét để đóng bè, dựng cầu tạm cho con em đi học. Ấy là chưa kể những ngày con em Na Lạn phải đi bộ cả chục cây số đường rừng để theo học cấp 3 trường huyện.


Cư trú ven Nậm Choọng nên tiếng là chung bản nhưng bà con lại cách trở đôi bờ. Đằng đẵng bao năm, bà con mong lắm một cây cầu để cho con em đến trường đỡ phần vất vả. Nay thì niềm mơ ước bao ngày ấy đã thành hiện thực khi cách đây 2 năm, Chương trình 135/CP đã đầu tư xây cầu bê tông kiên cố, nhưng hình ảnh lội suối đến trường thì vẫn mãi hằn in trong ký ức bao người.


Có phải thấu niềm mong mỏi của ông bà, thương nỗi vất vả của mẹ cha chăng mà con em Na Lạn thường tự bảo ban nhau chuyên cần học tập. Cái khát vọng học chữ đã vượt lên những gian khó đời thường, các em cứ thế noi gương nhau tìm đến với giảng đường đại học. Quê núi thuần nông, trăm sự chi tiêu đều nhìn vào con trâu, thửa ruộng, nhưng ở Na Lạn số gia đình có con học đại học đang ngày một nhiều thêm. Tiêu biểu như gia đình anh Trương Minh Sơn, Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Xuân Tam đều có 2 con đậu đại học; gia đình anh Hồ Đức Tùng cả 3 người con đều vào đại học.


Trưởng bản Trương Minh Sơn bộc bạch với tôi rằng, từ lâu rồi ở Na Lạn đã hình thành quỹ khuyến học. Cứ mỗi vụ lúa, các gia đình trong bản lại tự nguyện góp 10.000 đồng vào quỹ. Quỹ ấy dành để khen thưởng cho các em học giỏi, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Thật vui khi mỗi dịp tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, cán sự bản lại ôm cả chồng vở dày để tặng cho con em đạt học sinh tiên tiến, vì hầu như con em trong bản đã đến trường là đều đạt được danh hiệu này. Na Lạn vẫn còn đó không ít những khó khăn, nhưng khát vọng học chữ luôn bừng lên trong mỗi nếp nhà.


Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Gian nan con chữ ở Na Lạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO