Gian nan công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện
(Baonghean) - Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh Nghệ An có 5.596 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó có 3.419 người đang sinh sống tại cộng đồng và 2.177 người đang cai nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, phạm tội bị giam, giữ tại các trại giam, trại tạm giam. Điều đáng nói là số người nghiện trong thực tế chưa được phát hiện, quản lý lớn hơn rất nhiều so với con số báo cáo.
Toàn tỉnh hiện có 262/480 xã, phường, thị trấn có người nghiện, trong đó có 23 xã, phường, thị trấn trọng điểm phức tạp và 29 xã, phường, thị trấn phức tạp về ma túy. Nhận thức được những tác hại của tệ nạn ma túy và những hệ lụy từ chính người nghiên gây ra cho cộng đồng và xã hội, những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm trấn áp, đẩy lùi các tội phạm ma túy; đồng thời kìm giữ tốc độ gia tăng số người nghiện và hạn chế người nghiện ma túy phát triển thành tội phạm ma túy. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách cai nghiện, tạo việc làm sau cai; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác cai nghiện các trung tâm giáo dục lao động xã hội và tại cộng đồng.
Tổng kinh phí phục vụ cho công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm sau cai cho người nghiện trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006 – 2010 lên tới gần 115 tỷ đồng. Ban cạnh đó, từng huyện, thành, thị xã đều đưa công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm sau cai nghiện vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Ở cấp xã đều xây dựng, kiện toàn tổ cai nghiện ma túy cấp xã, đồng thời huy động được cả cộng đồng chung sức hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Kết quả 5 năm (từ năm 2006 - 2010) đã tiếp nhận và tổ chức cai nghiện cho 11.877 lượt người nghiện, đạt 100% người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện là 4.132 lượt người, chiếm 35%; số lớn còn lại được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, do chất lượng cai nghiện chưa đáp ứng yêu cầu và công tác quản lý sau cai còn lỏng lẻo, hình thức, đặc biệt là chưa tạo được môi trường xã hội thật tốt để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng…, vì vậy tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao, chiếm 85 – 95%.
Từ thực tiễn số người nghiện chưa được phát hiện, hạn chế trong việc lập hồ sơ quản lý và tổ chức cai nghiện trong cộng đồng đang còn rất lớn; từ hiệu quả công tác cai nghiện đạt ở mức thấp, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải đầu tư nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn. Bởi vấn đề tệ nạn ma túy hiện tại không còn chỉ là ở mỗi cá nhân người nghiện và gia đình có người nghiện gánh chịu hậu quả mà nó kéo theo những tác hại chung cho xã hội như sự lây nhiễm HIV, lây lan tệ nạn nghiện hút ma túy và nảy sinh các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, bạo hành…, ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Bởi vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người nghiện ma túy có quyết tâm, có ý chí để cai nghiện thành công. Cùng với sự nỗ lực của ban thân người nghiện và gia đình người nghiện thì cần vận động toàn xã hội, trong đó phát huy vai trò của các cấp ủy và đảng viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường xã hội tốt để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Minh Chi